Lễ hội Phước Biển của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng
VHO - Chiều 23.3 (nhằm 14 tháng 2 âm lịch), tại khóm Vĩnh An (ngoài đê biển) và khóm Cà Lăng A Biển, Phường 2, thị xã Vĩnh Châu đã tưng bừng diễn ra Lễ hội Phước Biển. Đây là một trong những lễ hội dân gian lớn của đồng bào Khmer vùng biển Vĩnh Châu, diễn ra từ ngày 23-25.3 (nhằm 14-16.2 âm lịch).
Lễ rước Phật từ chùa Crò Săng đến khu vực làm lễ
Lễ hội được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân gian và vui chơi giải trí lành mạnh của quần chúng nhân dân. Thông qua lễ hội nhằm phát huy tinh thần đoàn kết ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, trao đổi và học tập kinh nghiệm hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, qua đó nhằm thu hút du khách thập phương đến với địa phương và quảng bá tiềm năng du lịch trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu.
Lễ hội Phước Biển có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ do Ban quản trị chùa Crò Săng tổ chức, từ 15h ngày 23.3 và kết thúc 8h ngày 25.3. Các nghi lễ được tổ chức trang trọng, tôn nghiêm đảm bảo đúng pháp luật và 6 điều quy ước của Đại hội sư sãi Achar yêu nước tỉnh Sóc Trăng.
Đông đảo người dân và du khách tham gia lễ hội
Phần hội do Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh thị xã phối hợp UBND Phường 2 tổ chức, gồm triển lãm ảnh “Thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội, năm 2023”; các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí; hội thi “Giọng hát hay, đôi múa đẹp và trình diễn trang phục Khmer”.
Theo đó, từ 16h chiều 23.3, BTC Lễ hội làm lễ rước Phật từ chùa Crò Săng đến khu vực làm lễ; tiến hành làm lễ chào cờ. Từ 18h diễn ra các nghi lễ thắp hương, lễ cầu siêu, lễ tam bảo theo nghi lễ của Phật giáo Nam tông Khmer, sau đó là nghi thức khai mạc Lễ hội Phước Biển và các hoạt động lễ, hội được diễn ra. Trong đó, phần hội được tổ chức tưng bừng, náo nhiệt với các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, văn hóa, văn nghệ truyền thống.
Theo lời các vị cao niên tại vùng, Lễ cúng Phước Biển Vĩnh Châu tồn tại hàng trăm năm nay, với ý nghĩa nhằm tạ ơn biển cả đã cho con người nguồn hải sản quý giá và cầu nguyện cho người đi biển được bình yên, đánh bắt được nhiều tôm cá.
Theo truyền thuyết về Tà Hu, ban đầu lễ hội chỉ diễn ra tự phát ở quy mô nhỏ mà người có công đầu tiên trong việc định hình lễ hội là một nhà sư Khmer tên là Tà Hu và ông cụ Luôt Pol. Khi đó, nhà sư nằm mơ thấy linh hồn của những người dân ra khơi đánh bắt cá sóng to, gió lớn đánh lật thuyền đã về báo mộng cho nhà sư. Từ đó, nhà sư dựng một ngôi tháp trên giồng cát, gần chùa Crò Săng, thuộc địa điểm tổ chức lễ hội ngày nay để đồng bào phật tử đến thắp hương, thành tâm chiêm bái.
Biểu diễn nghệ thuật Khmer tại Lễ hội
Ông chọn ngày rằm tháng 2 âm lịch (tức rằm tháng 11 của người Khmer) để lập đàn làm phước, vào cuối thế kỷ 17, vì đó là thời điểm trời yên, biển lặng, ngư dân nào đi biển về thuyền cũng đầy ắp tôm cá. Sau đó buổi làm phước này được nhiều người quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng. Từ đó, Lễ cúng Phước Biển hình thành và trở thành một lễ hội truyền thống mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp không chỉ của người Khmer mà còn cả người Kinh và người Hoa, ba dân tộc đã sinh sống trong khu vực.
Khu vực trung tâm Lễ hội Phước Biển
THÙY TRANG; ảnh: THÁI HÒA