Công nhận thêm ba Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
VHO - Lễ hội truyền thống đình Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội; Lễ hội truyền thống Chrôi Rum Chếk của người Khmer, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; tri thức dân gian trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk vừa được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bộ VHTTDL vừa có Quyết định số 546/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội truyền thống đình Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ VHTTDL đề nghị Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Đình Nhật Tân thờ Đức Thánh Uy Đô Đại Vương Trần Linh Lang (Uy Linh Lang) là con bà Chính Cung Minh Đức Hoàng Hậu. Uy Linh Lang là người nổi tiếng thông minh, văn võ song toàn, xa gần đều biết tiếng. Để tưởng nhớ công lao của Uy Linh Lang, Nhân dân làng Nhật Tân làm lễ tế vào ngày 10.2 Âm lịch hàng năm. Lễ hội truyền thống đình Nhật Tân là nét đẹp văn hóa sâu đậm gắn với văn hóa dân gian của Việt Nam.

Bộ VHTTDL cũng có Quyết định số 547/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội truyền thống Chrôi Rum Chếk (Lễ hội Phước Biển) của người Khmer, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Phước Biển là lễ hội dân gian của đồng bào Khmer thị xã Vĩnh Châu đã hình thành khoảng trên 300 năm, mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, tưởng nhớ công ơn các bậc tiền hiền có công khai hoang, lập địa.
Lễ hội Phước Biển là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần lâu đời, trở thành một di sản văn hóa truyền thống quan trọng trong đời sống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.

Cùng với Lễ hội truyền thống đình Nhật Tân, Lễ hội truyền thống Chrôi Rum Chếk, Bộ VHTTDL vừa có Quyết định số 548/QĐ-BVHTTDL công nhận tri thức dân gian trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tri thức trồng và chế biến cà phê được nhận diện ở hầu khắp các huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong đó tập trung chủ yếu tại TP Buôn Ma Thuột và các huyện Cư M’gar, Krông Pắc, Ea H’leo, Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ. Chủ thể văn hóa của tri thức trồng và chế biến cà phê là những cá nhân, gia đình nắm giữ tri thức trồng và chế biến cà phê được trao truyền qua các thế hệ, không ngừng được kế thừa, sáng tạo, phát triển theo thời gian.
Hiện toàn tỉnh Ðắk Lắk có khoảng 210.000ha diện tích trồng cà phê và sản lượng hàng năm hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng cà phê toàn quốc. Đến nay, sản phẩm cà phê của tỉnh Ðắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, trong đó có 34 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh (gồm 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 10 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh); 143 Di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng, 623 Di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.