Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa
VHO - Qua 20 năm hoạt động, Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa (Thanh Hoá) đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá và lan toả tình yêu di sản văn hoá.
Ngày 23.11, tại Trung tâm Hội nghị 25B (TP Thanh Hoá, Thanh Hoá), Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa (DSVH&CVTH) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và 20 năm thành lập Hội (2004-2024).
Ôn lại chặng đường đã qua của Hội, ông Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa cho biết, cách đây 20 năm, Hội ra đời nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, qua đó xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội Cổ vật Thanh Hoa được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa vào ngày 12.11.2004. Năm 2015, Hội Cổ vật Thanh Hoa sáp nhập với Liên chi hội Di sản văn hóa Việt Nam Lam Kinh, lấy tên là Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa.
Từ một vài tổ chức và vài chục hội viên buổi đầu thành lập, đến nay Hội DSVH&CVTH đã xây dựng được hệ thống tổ chức tương đối rộng khắp các địa phương trong tỉnh Thanh Hoá với 6 tổ chức thành viên và hàng nghìn hội viên, phong phú, đa dạng về loại hình, trở thành những cánh tay nối dài của Hội DSVH&CVTH, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá và lan toả tình yêu di sản văn hoá.
Theo ông Sơn, trong 20 năm qua, Hội DSVH&CVTH đã góp phần quan trọng vào việc phục hồi nghề đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống.
Theo đó, hội đã khôi phục 3 Trung tâm đúc trống đồng truyền thống; phối hợp với các nghệ nhân đào tạo, truyền nghề cho hàng trăm người; đúc 100 trống đồng dâng lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội; tặng trống đồng cho Khu di tích quốc gia đặc biệt thành cổ Quảng Trị...; khôi phục và dàn dựng vũ điệu trống đồng; tổ chức các cuộc thi đúc trống đồng, đúc súng thần công bằng phương pháp thủ công...
Bên cạnh đó, Hội DSVH&CVTH là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thành lập các chi hội bảo tồn đạo thờ mẫu tại các địa phương.
Tính đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá đã có 10 chi hội bảo tồn đạo thờ mẫu với hơn 500 hội viên. Đã tổ chức 5 lần liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ mẫu tam phủ với sự tham gia của các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian.
“Chúng ta có quyền tự hào về kho tàng di sản văn hoá phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc và tự hào về những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ di sản văn hoá dân tộc. Đó là nguồn động viên to lớn đối với mỗi người chúng ta và giúp chúng ta càng thêm yêu và trách nhiệm với di sản văn hoá dân tộc”, ông Sơn nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Thanh Hoá đã công bố quyết định tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 1 tập thể, 5 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tặng Bằng khen của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Giấy khen của Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hoá... cho các cá nhân, tập thể của Hội.
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, nhiều tiết mục nghệ thuật tôn vinh vẻ đẹp các loại hình di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam đã được trình diễn.