Văn hoá Đông Sơn – 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị

NGUYÊN LINH

VHO - Để nhìn lại chặng đường 100 năm (1924-2024) phát hiện, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, đồng thời bổ sung những luận cứ khoa học xác đáng, khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử quan trọng của nền văn hoá đặc sắc này, ngày 9.8, Sở VHTTDL Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học và Hội Khảo cổ học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa Đông Sơn - 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị”.

Văn hoá Đông Sơn – 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị - ảnh 1
Hội thảo khoa học “Văn hoá Đông Sơn – 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị”

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cùng các chuyên gia, các nhà quản lý văn hóa trong cả nước.

Ban tổ chức Hội thảo đã tiếp nhận 30 tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, di sản, bảo tàng..., những người nhiều năm trực tiếp khai quật, nghiên cứu văn hoá Đông Sơn.

Các báo cáo tham luận tập trung đề cập tới nhiều vấn đề với những cách tiếp cận mới, tư liệu mới, nhận thức mới về nền văn hóa Đông Sơn, cũng như chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng cho biết, văn hóa Đông Sơn (khoảng từ thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I-II sau Công nguyên) là một nền văn hóa khảo cổ học thời đại kim khí ở Việt Nam, được các nhà khảo cổ học đặt tên dựa vào sự phát hiện ngẫu nhiên một nhóm đồ đồng cổ vào năm 1924 tại làng Đông Sơn ở ven sông Mã (Thanh Hóa).

Văn hoá Đông Sơn – 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị - ảnh 2
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh, văn hoá Đông Sơn là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và Thanh Hoá nói riêng, vấn đề quản lý, bảo tồn quá khứ, hiện tại và tương lai, phát huy giá trị của các di tích văn hoá Đông Sơn ở Thanh Hoá được đặt ra mang tính cấp thiết.

Từ năm 1960 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu có liên quan ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước,… tiến hành rất nhiều cuộc thám sát, khai quật khảo cổ học và đã phát hiện được trên 120 địa điểm, gần 300 di tích về trống đồng, chiếm số lượng lớn nhất trong các tỉnh, thành phố của cả nước.

Điển hình nhất là di chỉ khảo cổ học Đông Sơn tại làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, nằm ở hữu ngạn sông Mã. 

Không chỉ tiêu biểu cho văn hóa Đông Sơn, di chỉ khảo cổ học Đông Sơn còn phản ánh sự phát triển liên tục từ các giai đoạn tiền Đông Sơn đến thời đại đồ sắt - tức là suốt cả thời kỳ dựng nước của tổ tiên chúng ta, ngay trong địa tầng các hố khai quật, các công cụ sản xuất, vũ khí,... bằng đồng tiêu biểu cho các di vật của một nền văn hóa khảo cổ thuộc sơ kỳ đồ sắt.

Các di chỉ khảo cổ học trên đất Thanh Hóa đã phản ánh sự tồn tại và phát triển liên tục của người Việt cổ thuộc các giai đoạn văn hóa từ thời kỳ đồ đá cũ tới thời kỳ đồng thau, sắt sớm, tương ứng với các nền văn hóa: Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá khẳng định, văn hoá Đông Sơn - nền văn hoá cội nguồn, thể hiện sức mạnh trường tồn và mang dấu ấn đặc sắc của văn hoá dân tộc mà cha ông xưa đã tạo dựng nên vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề chưa được khám phá hết, cần phải được tiếp tục dày công nghiên cứu nhiều hơn nữa để giải mã.

Những giá trị của nền văn hoá Đông Sơn sẽ mãi mãi là nền tảng tinh thần, là động lực để góp phần đưa dân tộc ta không ngừng đổi mới phát triển, ngày càng giàu đẹp và văn minh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, Thanh Hóa đang xây dựng các đề án, dự án, quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích khảo cổ, tạo cơ sở khoa học và những điều kiện cần thiết để từng bước đưa các di tích văn hóa Đông Sơn trở thành di sản văn hóa quan trọng của tỉnh, của quốc gia.

Đồng thời, xây dựng các kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng, tôn tạo, quy hoạch đất cho từng di tích khảo cổ tiêu biểu, bảo tồn tốt không gian, địa điểm phục vụ nghiên cứu, đồng thời để các di tích trở thành điểm du lịch hấp dẫn - điểm nhấn cho du khách khi đến với xứ Thanh.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, Hội thảo là hoạt động khoa học mang tính cấp thiết và có ý nghĩa thực tiễn trong việc bổ sung những luận cứ khoa học xác đáng, nhằm khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử quan trọng của nền văn hoá Đông Sơn trong diễn trình lịch sử dân tộc nói chung và với quê hương Thanh Hoá nói riêng suốt 100 năm qua.

Đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh di sản văn hóa và thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ, kinh tế - xã hội; góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, trở thành động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, phát triển toàn diện và “kiểu mẫu” của cả nước.

Văn hoá Đông Sơn – 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị - ảnh 3
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia: Thời gian tới, cần xây dựng một Bảo tàng công lập về văn Hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa, xứng tầm với văn hóa Đông Sơn, đó là yêu cầu cấp bách hiện nay

Báo cáo đề dẫn Hội thảo do PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam nêu rõ, kể từ khi văn hoá Đông Sơn được phát hiện, năm 1924, đến nay đã tròn 100 năm nền văn hoá này được bảo tồn và nghiên cứu.

Các địa điểm của nền văn hóa này thường được phân bố trên các vùng đất chân đồi, nằm cạnh ven sông, ven suối, các ngã ba sông lớn, vùng đồng bằng hẹp giữa các chi lưu sông, suối, thành từng cụm ở các tỉnh miền núi, đồng bằng ven biển, thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc đến tận vùng đèo Ngang của Quảng Bình.

Di tích tập trung đậm đặc ở lưu vực các sông: sông Mã, sông Hồng và sông Cả. Kết quả thống kê ở 28 tỉnh thành cho biết văn hoá Đông Sơn có khoảng 400 di tích, trong đó Thanh Hoá chiếm số lượng lớn nhất với 85 di tích.

Tại Thanh Hoá, lưu vực sông Mã, sông Chu, sự phân bố các di tích văn hoá Đông Sơn đặc biệt phong phú với gần như đầy đủ các loại hình di tích như di chỉ cư trú, di chỉ cư trú - mộ táng, mộ táng, di chỉ - xưởng và các sưu tập ngẫu nhiên trên hầu hết các dạng địa hình và môi trường.

Di tích Đông Sơn qua nhiều lần khai quật, nghiên cứu đã biết đó là khu cư trú và mộ táng với nhiều giai đoạn trong khoảng thời gian gần 2 thiên niên kỷ.

Đáng chú ý, tại Thanh Hóa có cụm di tích Đông Lĩnh gồm gò Mả Chùa, Cồn Cấu, Bái Tê, Xóm Rú..., tuy niên đại muộn, tầng văn hoá mỏng, diện tích nhỏ nhưng lại là những di chỉ - xưởng, một loại hình di tích hiếm gặp trong văn hoá Đông Sơn.

Cụm di tích Quỳ Chữ và di tích Thiệu Dương nổi bật lên vừa là khu cư trú vừa là khu mộ táng của giai đoạn Tiền Đông Sơn tới Đông Sơn. Cụm di tích Định Công đã phát hiện được nhiều trống đồng Đông Sơn...

Theo PGS.TS Bùi Văn Liêm, một trong những thành tự đáng kể nhất của những nhà nghiên cứu trong 100 năm qua là đã xác định được nguồn gốc bản địa của văn hoá Đông Sơn.

Trên hai trong ba địa bàn gốc của văn hoá Đông Sơn là vùng sông Hồng và sông Mã, hệ thống văn hoá khảo cổ đã được sắp xếp rất rõ ràng và được làm sáng tỏ trong đó văn hoá Đông Sơn là giai đoạn phát triển cao nhất, giai đoạn phát triển tiếp theo và trực tiếp của chuỗi liên tục Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn ở vùng sông Hồng và chuỗi cồn Chân Tiên - Bái Man - Đồng Ngầm - Quỳ Chữ - Đông Sơn ở vùng sông Mã.

Bên cạnh đó, qua 100 năm nghiên cứu văn hoá Đông Sơn cũng cho thấy tính thống nhất của nền văn hoá này là rõ ràng.

Với khối tư liệu phong phú đã cho phép nghiên cứu các loại hình địa phương của văn hoá này dựa trên cơ sở các hiện vật khảo cổ, trong đó có ba loại hình chính gồm: loại hình sông Hồng, loại hình sông Mã và loại hình làng Vạc (sông Cả).

PGS.TS Bùi Văn Liêm khẳng định: Ngày nay, công cuộc nghiên cứu văn hóa Đông Sơn vẫn được tiếp tục một cách có hệ thống trong khuôn khổ hợp tác giữa nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau, gần đây nhất là dự án nghiên cứu, khai quật quy mô lớn địa điểm Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội).

Công cuộc nghiên cứu này đã mang lại khối lượng tư liệu mới hết sức quan trọng trong nhận thức về thời đại Kim khí Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Đông Sơn.

Từ năm 1960 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu có liên quan ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước tiến hành rất nhiều cuộc nghiên cứu, thám sát, khai quật khảo cổ học và đã phát hiện được trên 120 địa điểm, di chỉ khảo cổ, công cụ sản xuất, vũ khí… bằng đồng, tiêu biểu cho các di vật của một nền văn hóa khảo cổ thuộc sơ kỳ đồ sắt.

Trong đó, phải kể đến gần 300 di tích về trống đồng, chiếm số lượng lớn nhất trong các tỉnh, thành phố của cả nước.

Tại Hội thảo các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa trong cả nước đã tập trung vào một số nhóm vấn đề chính như tập trung trình bày các kết quả khai quật, nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn, xác định đặc trưng, tính chất, niên đại và những giá trị lịch sử văn hóa nổi bật của các di tích, di vật văn hóa Đông Sơn và trong bối cảnh rộng hơn.

Vấn đề cổ môi trường, cổ khí hậu, thành phần động thực vật trong các di tích và đa dạng sinh học của các di tích thuộc văn hóa Đông Sơn ở lưu vực sông Mã; công tác bảo tồn, bảo quản, quảng bá và phát huy giá trị của văn hóa Đông Sơn.

Văn hoá Đông Sơn – 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị - ảnh 4
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hoá biểu tại Hội thảo

Theo đó, nhằm bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa Đông Sơn trong thời gian tới, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị đối với tỉnh Thanh Hoái như lập dự án tập trung điều tra, thăm dò, khai quật, nghiên cứu khu vực sông Mã - sông Chu, các chi lưu và vùng đồng bằng.

Nghiên cứu giải pháp bảo tồn các hố khai quật khảo cổ tại làng Đông Sơn (năm 2003) để vừa bảo vệ, giữ gìn được địa tầng văn hóa nguyên vẹn của di chỉ văn hóa Đông Sơn.

Tổ chức Hội thảo tham vấn của các nhà quản lý, khoa học về những giá trị đặc sắc, tiêu biểu, nổi bật của Di tích Đông Sơn về các tiêu chí xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt nổi bật làm cơ sở xây dựng hồ sơ.

Xây dựng một Bảo tàng công lập về văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa, xứng tầm với văn hóa Đông Sơn, đó là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hoá khẳng định, qua những phát hiện, nghiên cứu mới toàn diện hơn được trình bày tại Hội thảo đã một lần nữa khẳng định rằng văn hóa Đông Sơn có vị trí vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Hội thảo đã hướng tới việc bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa Đông Sơn; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch để tạo điểm nhấn quan trọng chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở quê hương xứ Thanh.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc