“Không sao cả”

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

VHO - Mấy ngày qua, ca khúc Không sao cả của 7dnight gây sốt toàn cầu và được các sao quốc tế hưởng ứng, cover lấy làm nhạc nền... Nhiều người đã bắt đầu nghĩ nhiều hơn đến hiệu ứng toàn cầu của ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam sau nhiều nỗ lực gần đây của các nghệ sĩ.

Đã đến lúc chúng ta thực sự nghĩ nhiều hơn về những hiện tượng này để có thêm quyết tâm xây dựng xu hướng nhạc Việt Nam cho một kỷ nguyên mới, ở đó, văn hóa, nghệ thuật sẽ đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển bền vững của đất nước. 

 Hiện tượng Không sao cả của 7dnight gây sốt toàn cầu không chỉ là một cú hích bất ngờ, mà còn là minh chứng sống động cho cách âm nhạc hiện đại có thể bùng nổ trong thời đại số. Cũng như See Tình của Hoàng Thùy Linh trước đó, ca khúc này được các ngôi sao quốc tế hưởng ứng, trở thành nhạc nền cho hàng triệu video TikTok, và nhanh chóng chiếm lĩnh không gian mạng.

Điều đó đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu TikTok đang thực sự mang lại lợi ích cho âm nhạc, hay đang khiến ngành công nghiệp này đi vào một vòng lặp mới, nơi những ca khúc nổi lên như hiện tượng chớp nhoáng rồi lụi tàn nhanh chóng? TikTok đang thay đổi cuộc chơi, biến những nghệ sĩ độc lập vô danh thành hiện tượng toàn cầu chỉ sau một đêm.

Điều này mang đến một lợi thế không thể phủ nhận: Âm nhạc trở nên phi biên giới, không cần một hãng đĩa lớn chống lưng, không phụ thuộc vào những quy trình quảng bá truyền thống. Nếu trước đây, để một ca khúc Việt Nam có thể vươn ra quốc tế, nó cần đến chiến dịch truyền thông bài bản, những hợp đồng phân phối với các nền tảng lớn, thì nay, chỉ cần một trào lưu nhỏ trên TikTok cũng có thể khiến một bài hát vụt sáng.

Trước đây, khi một bài hát nổi tiếng, nó thường đi theo một chu kỳ quen thuộc: Ra mắt trên các nền tảng streaming, được phát trên radio, truyền hình, rồi dần được công chúng đón nhận qua những lần nghe lặp đi lặp lại. Nhưng với TikTok, chỉ cần một đoạn nhạc 15- 30 giây bắt tai, dễ thuộc, dễ ghép trend, một bài hát có thể lan tỏa với tốc độ chóng mặt mà chính nghệ sĩ đôi khi cũng không ngờ tới. Đó là sức mạnh của thuật toán: Khi một nội dung được yêu thích, TikTok sẽ liên tục đề xuất nó đến nhiều người hơn, tạo thành một vòng lặp khiến ca khúc bùng nổ chỉ sau vài ngày.

Tuy nhiên, chính sự nổi tiếng nhanh chóng này cũng đặt ra nhiều thách thức. Thứ nhất, TikTok có thể làm thay đổi cách người nghe tiếp cận âm nhạc. Thay vì thưởng thức một bài hát trọn vẹn, khán giả giờ đây có xu hướng chỉ nghe những đoạn “đinh”, phần nhạc dễ gây nghiện nhất, thường là điệp khúc hoặc một đoạn bắt tai.

Điều này dẫn đến một hệ quả: Nhiều bài hát được biết đến nhưng ít ai thực sự nghe trọn vẹn cả bài. Những ca khúc chỉ có một đoạn viral nhưng cả bài không có gì đặc sắc có thể nhanh chóng bị lãng quên, vì khán giả chỉ nhớ đến một phần nhỏ thay vì toàn bộ tác phẩm.

Thứ hai, sự lan tỏa của TikTok khiến âm nhạc dễ bị “công thức hóa”. Khi thấy một kiểu giai điệu, tiết tấu, hoặc cách xây dựng bài hát dễ viral, nhiều nghệ sĩ và nhà sản xuất có xu hướng chạy theo công thức đó, tạo ra những sản phẩm “đo ni đóng giày” cho TikTok. Điều này khiến âm nhạc ngày càng trở nên đại trà, thiếu sự sáng tạo và chiều sâu. Những nghệ sĩ có cá tính âm nhạc riêng đôi khi cũng phải điều chỉnh phong cách của mình để phù hợp với nền tảng này, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Một vấn đề khác cần lưu ý là tính “ngắn hạn” của những bản hit TikTok. Những ca khúc nổi lên từ nền tảng này có thể đạt hàng trăm triệu lượt nghe trong một thời gian ngắn, nhưng cũng có nguy cơ bị thay thế bởi một trend khác chỉ sau vài tuần. Không phải nghệ sĩ nào cũng có đủ chiến lược để duy trì sức nóng sau một hiện tượng viral.

Nếu chỉ dựa vào TikTok mà không có một hướng đi dài hơi hơn, nghệ sĩ có thể bị đóng khung trong danh hiệu “one-hit wonder” - chỉ có một bài hit rồi biến mất. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, TikTok vẫn là một cánh cửa rộng mở cho những nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là những nghệ sĩ indie, không có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường lớn. Nó giúp âm nhạc được dân chủ hóa hơn, khi bất kỳ ai cũng có cơ hội để bài hát của mình đến với khán giả toàn cầu.

Những hiện tượng như Không sao cả hay See Tình chính là minh chứng cho điều đó: Dù không phải những sản phẩm được đầu tư marketing bài bản ngay từ đầu, nhưng khi gặp đúng thời điểm, đúng xu hướng, chúng vẫn có thể tạo ra những làn sóng mạnh mẽ. Điều quan trọng là sau những khoảnh khắc viral ấy, nghệ sĩ sẽ làm gì tiếp theo?

Họ sẽ tiếp tục khai thác TikTok như một công cụ chính để tạo hit, hay sẽ tìm cách xây dựng một sự nghiệp âm nhạc vững chắc hơn, nơi khán giả không chỉ nhớ đến một đoạn nhạc ngắn mà thực sự yêu thích toàn bộ sáng tạo của họ? Dù TikTok đang thay đổi cách âm nhạc được tiêu thụ, giá trị cốt lõi của âm nhạc vẫn nằm ở sự chân thành, sáng tạo và khả năng kết nối cảm xúc với người nghe.

Những ca khúc như Không sao cả có thể là bước đệm để thế giới biết đến nhiều hơn về âm nhạc Việt Nam, nhưng để thực sự đặt dấu ấn lâu dài, nghệ sĩ cần có chiến lược và tầm nhìn xa hơn là chỉ chạy theo những trào lưu ngắn hạn. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc