Sự “bành trướng” của TikTok và câu hỏi về hành lang quy định

BÌNH THỦY

VHO - Vì sao TikTok tiếp tục phổ biến bất chấp sự giám sát của các cơ quan quản lý? Vì sao tăng niềm tin và tính minh bạch là yêu cầu thiết yếu cho nền tảng này trong tương lai?

Sự “bành trướng” của TikTok và câu hỏi về hành lang quy định - ảnh 1

TikTok đã tăng trưởng ấn tượng từ khi ra mắt vào năm 2016. (Nguồn ảnh: Unsplash)

TikTok đã tăng trưởng ấn tượng từ khi ra mắt vào năm 2016, đạt 834,3 triệu người dùng vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 955,3 triệu vào năm 2025 theo Statista. 

Tính đến tháng 4.2024, Indonesia là quốc gia có số người dùng đông đảo nhất toàn cầu, còn Việt Nam đứng thứ năm với gần 69,7 triệu người dùng, tăng gần 75% so với mức 39,9 triệu của tháng 2.2022.

Tuy nhiên, sự “bành trướng” này vấp phải không ít quan ngại về an ninh quốc gia và lạm dụng dữ liệu người dùng. Một số nước như Mỹ, Vương quốc Anh, Australia và Canada đã cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị của chính phủ. Gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký luật buộc TikTok “bán mình” hoặc bị cấm.

Vậy tại sao TikTok vẫn phát triển mạnh mẽ bất chấp những động thái cấm này? Phó giáo sư Agnis Stibe từ Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, đã chỉ ra rằng việc tiên phong sử dụng AI và khả năng đánh trúng tâm lý cơ bản của con người là những yếu tố then chốt giúp ứng dụng này vẫn tiếp tục tiến bước.

“Bằng cách tích hợp AI sâu vào các tính năng cốt lõi, TikTok đã thay đổi cách thức hoạt động của mạng xã hội”, ông nhận định.

Theo chuyên gia, năng lực AI cho phép nền tảng này đưa ra đề xuất nội dung được cá nhân hóa cao, cũng như phân tích theo thời gian thực nội dung mà người dùng đăng tải, từ đó xác định sớm xu hướng có khả năng lan truyền mạnh. Điều này giúp TikTok vượt trội trong khả năng tương tác và giữ chân người dùng”.

Phó giáo sư Stibe chia sẻ thêm rằng con người có khuynh hướng tìm kiếm kết nối và tương tác với những người khác để đạt được địa vị, sự công nhận, chấp thuận và cảm giác gắn bó – những nhu cầu tâm lý mà các ứng dụng như TikTok được thiết kế tinh xảo để có thể đáp ứng.

“Khi các nền tảng mạng xã hội khai thác những nhu cầu tâm lý cơ bản này, chúng có thể tạo ra trải nghiệm hấp dẫn và đồng điệu sâu sắc với người dùng. Việc sử dụng ứng dụng khi đó giống như chứng nghiện, đặc biệt khi chúng được thiết kế để thúc đẩy người dùng sử dụng liên tục và đôi khi không lành mạnh”, Phó giáo sư Stibe nhận xét.

Sự “bành trướng” của TikTok và câu hỏi về hành lang quy định - ảnh 2

Phó giáo sư Agnis Stibe (trái) và Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Anh

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Phó chủ nhiệm bộ môn Digital Marketing tại Đại học RMIT Việt Nam, những ý kiến phê bình TikTok thường nhắc tới rủi ro về sở hữu trí tuệ và việc lạm dụng thông tin và nội dung. Việc TikTok thu thập dữ liệu nhận dạng khuôn mặt cũng làm phát sinh vấn đề về quyền riêng tư và khả năng lạm dụng công nghệ deepfake.

“Dữ liệu khuôn mặt có thể được sử dụng để theo dõi và nhận dạng cá nhân mà không có sự đồng ý của họ. Những kẻ ác ý có thể khai thác ảnh hoặc video công khai trên nền tảng này để tạo nội dung giả mạo, làm tăng nguy cơ lạm dụng dữ liệu và vi phạm quyền riêng tư”, bà giải thích.

Tiến sĩ Vân Anh cũng dẫn chứng kết quả kiểm tra hoạt động TikTok tại Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tháng 10.2023. Theo đó, TikTok đã lưu trữ và phổ biến thông tin sai lệch, có hại, kích động bạo lực và tệ nạn xã hội, mất an toàn thông tin mật về trẻ em, không phân loại chính xác thông tin để đảm bảo an toàn cho trẻ em, cho phép trẻ em dưới 13 tuổi tạo tài khoản mặc dù chưa đủ tuổi quy định.

Để cân bằng giữa tính đổi mới sáng tạo và trách nhiệm giải trình của những nền tảng kỹ thuật số như TikTok, hai giảng viên RMIT đề xuất cách tiếp cận gồm nhiều bên liên quan.

Phó giáo sư Stibe cho biết, về phía các nền tảng, họ cần đưa ra chính sách rõ ràng, quy định chi tiết về nội dung bị cấm và hậu quả nếu người dùng vi phạm.

“Họ cũng nên duy trì hệ thống báo cáo người dùng minh bạch và được cập nhật liên tục đối với nội dung có vấn đề, thậm chí có thể sử dụng AI để phát hiện và đánh dấu nội dung không phù hợp trước khi nó lan truyền. Các đơn vị độc lập chuyên xác minh thông tin cũng có thể giúp chống lại thông tin sai lệch và tin tức giả mạo.

Song song với đó, chính phủ nên đầu tư vào các chương trình phổ cập kiến thức kỹ thuật số để giáo dục cho công chúng về cách sử dụng internet an toàn và có trách nhiệm, bao gồm việc xác định thông tin sai lệch và bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến”, ông nói.

Tiến sĩ Vân Anh nhấn mạnh vai trò của chính phủ trong việc bảo vệ quyền riêng tư người dùng bằng cách ban hành thêm nhiều quy định yêu cầu họ tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt như GDPR, cũng như đẩy mạnh thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cung cấp tài liệu đào tạo liên quan.

Trong bối cảnh các nền tảng như TikTok đang trở thành sàn thương mại được ưa chuộng, Tiến sĩ Vân Anh cho rằng các cơ quan chức năng cần thiết lập quy định rõ ràng về quảng cáo trên mạng xã hội, bao gồm xác định quảng cáo như thế nào thì được chấp nhận và yêu cầu dán nhãn minh bạch cho nội dung được tài trợ.

“Về phía các doanh nghiệp, việc đưa ra chính sách bảo vệ người tiêu dùng như quy trình minh bạch về hoàn tiền và hoàn trả cũng rất cần thiết”, bà nói.

Các chuyên gia đều nhấn mạnh tính minh bạch là không thể thiếu nếu muốn xây dựng và duy trì niềm tin người tiêu dùng.

Phó giáo sư Stibe nói: “Xã hội loài người phát triển mạnh mẽ khi được xây dựng trên niềm tin. Do đó, chúng ta có nhu cầu về tính minh bạch trong tương tác với doanh nghiệp trực tuyến và các thực thể khác trong thế giới kỹ thuật số ngày nay… 

Các nền tảng kỹ thuật số như TikTok có quyền lựa chọn hoạt động công khai hoặc bí mật. Xét cho cùng, lựa chọn này sẽ quyết định danh tiếng và thành công của họ trong dài hạn”.