Khơi thông nguồn lực phát triển văn học đỉnh cao

ĐÌNH TOÁN

VHO - Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến dự thảo lần 2 Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học. Trong nội dung dự thảo lần này, Bộ VHTTDL đã đề xuất nhiều cơ chế mang tính đột phá, tạo đà và khơi thông nguồn lực cho sáng tạo tác phẩm văn học chất lượng cao.

Thời gian lấy ý kiến góp ý dự thảo kéo dài từ nay đến 24.3.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn học

Văn học Việt Nam trong nhiều năm qua đã phát triển khá toàn diện và mạnh mẽ; thấm nhuần sâu sắc tinh thần dân tộc nhân văn, dân chủ; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống đậm đà bản sắc dẩn tộc, đồng thời tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.

Nhưng bên cạnh thành tựu đã đạt được, trong giai đoạn hiện nay, hoạt động văn học đang đối mặt với nhiều khó khăn. Mặt trái trong tác động của nền kinh tế thị trường, những biến động trong đời sống xã hội, xu thế hội nhập, sự phát triển của công nghệ thông tin... đang có những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động văn học.

Khơi thông nguồn lực phát triển văn học đỉnh cao - ảnh 1
Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học gồm hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động văn học; tổ chức trại sáng tác văn học; tổ chức cuộc thi sáng tác văn học; trao giải thưởng văn học; giới thiệu, quảng bá văn học; dịch văn học; phổ biến văn học. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, đây lại là lĩnh vực chưa có văn bản điều chỉnh. Do đó, Bộ VHTTDL khẳng định, việc xây dựng Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học là rất cần thiết.

Với Nghị định này, Bộ VHTTDL có thể khẳng định rõ hơn vai trò của mình trong quản lý nhà nước về văn học. Nghị định khi đi vào đời sống sẽ tạo khung pháp lý phù hợp với yêu cầu phát triển và nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn học.

Việc xây dựng Nghị định cũng là để cụ thể hóa các nghị quyết, chính sách, kết luận của Đảng và Nhà nước về văn học; bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động văn học; có thêm nguồn lực xã hội hóa tham gia hỗ trợ hoạt động văn học...

Về quan điểm xây dựng nghị định, Bộ VHTTDL cho biết, Nghị định sẽ thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về văn học thành những quy định, chính sách cụ thể trong lĩnh vực văn học.

Cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân về quyền sáng tạo trong lĩnh vực văn học; tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Đồng thời, kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được trên cơ sở tổng hợp đánh giá, rút kinh nghiệm thực tiễn hoạt động văn học, giải quyết những bất cập để đáp ứng yêu cầu hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai.

Dự thảo có sự tham khảo, chọn lọc trao đổi kinh nghiệm quản lý để phát triển văn học của một số nước có nền văn học phát triển và vận dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Về những quy định chung, dự thảo Nghị định quy định những nội dung cơ bản bao gồm phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển văn học.

Khơi thông nguồn lực phát triển văn học đỉnh cao - ảnh 2
Nghị định với nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển văn học nước nhà. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Trong đó, khẳng định Nhà nước hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động sáng tác tác phẩm văn học; tổ chức trại sáng tác văn học; tổ chức cuộc thi sáng tác văn học; giải thưởng văn học quốc gia; giới thiệu, quảng bá văn học; dịch văn học; phổ biến văn học; những nội dung cơ bản về quản lý nhà nước đối với văn học; dừng tổ chức các hoạt động văn học, thu hồi giải thưởng và kinh phí thực hiện đối với các hoạt động văn học.

Về sáng tác tác phẩm văn học, dự thảo Nghị định tập trung quy định cơ chế hỗ trợ, đầu tư, tiêu chí, quy trình lựa chọn tác giả để Nhà nước hỗ trợ, đầu tư sáng tác, nghiệm thu, các tác phẩm văn học sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sáng tác văn học; đồng thời thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động sáng tác văn học tại Việt Nam. 

Đối với vấn đề tổ chức trại sáng tác văn học, nội dung của dự thảo quy định cụ thể tiêu chí cần đáp ứng khi tổ chức một trại sáng tác văn học.

Trong đó, khẳng định Bộ VHTTDL là cơ quan có trách nhiệm tổ chức các trại sáng tác văn học theo định kỳ hàng năm nhằm tạo ra một cơ chế khuyến khích không chỉ về vật chất mà còn khuyến khích về tinh thần, tạo động lực đối với các tác giả tham gia trại nhiệt huyết sáng tạo tác phẩm văn học; quy định trình tự thông báo và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông báo trước khi tổ chức trại sáng tác văn học; quy định cụ thể về nội dung của Quy chế trại sáng tác văn học, Hội đồng chuyên môn trại sáng tác văn học.

Đồng thời, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về tiêu chí trại viên trại sáng tác và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khi tổ chức trại sáng tác tác phẩm văn học.

Dự thảo Nghị định cũng quy định về giải thưởng văn học quốc gia; khẳng định rõ vai trò của Bộ VHTTDL trong việc lựa chọn các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao xứng đáng để tôn vinh giải thưởng quốc gia.

Dự thảo Nghị định còn quy định tiêu chí lựa chọn tác phẩm tiêu biểu cho văn học Việt Nam để giới thiệu quảng bá, hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm tại nước ngoài; giới thiệu tác phẩm có chất lượng đại diện cho văn học Việt Nam tham gia các cuộc thi, giải thưởng văn học uy tín quốc tế; xây dựng trang thông tin điện tử về văn học Việt Nam…

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc