Dấu ấn Tuồng Cung đình:
Khi nghệ thuật trở thành di sản
VHO - Không gian trưng bày và giới thiệu mặt nạ Tuồng tại Khu di sản Hoàng cung Huế là điểm đến độc đáo, mang lại cho du khách cơ hội khám phá và tìm hiểu sâu hơn về Tuồng Cung đình - một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc gắn liền với di sản văn hóa Cố đô Huế.

Đầu năm 2025, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chính thức khai trương Không gian trưng bày mặt nạ Tuồng Huế tại tầng 2 (mặt sau) của Nhà hát Duyệt Thị Đường, thuộc Khu di sản Hoàng cung Huế.
Nhà hát được xây dựng dưới triều Nguyễn, từng là nơi tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật cung đình và hiện nay vẫn đang được khai thác để phục vụ du khách qua những chương trình nghệ thuật truyền thống đặc sắc.
Tôn vinh bộ môn “quốc kịch”
Với hơn 250 mặt nạ Tuồng Huế được trưng bày, không gian này không chỉ là điểm nhấn thu hút du khách mà còn là nơi lưu giữ, tôn vinh tinh hoa nghệ thuật Tuồng Cung đình. Những chiếc mặt nạ được chế tác công phu, thể hiện thần thái, tính cách của từng nhân vật, từ trung thần, anh hùng nghĩa sĩ đến các vai phản diện đầy sắc sảo.
Chị Lê Thị Ngọc, du khách đến từ TP.HCM chia sẻ: “Gia đình tôi rất yêu thích nghệ thuật Tuồng (ở miền Nam gọi là Hát bội). Khi đến tham quan di tích Huế, chúng tôi tình cờ khám phá không gian trưng bày mặt nạ Tuồng và có thêm nhiều thông tin thú vị về loại hình nghệ thuật truyền thống này trong cung đình triều Nguyễn.
Những tác phẩm mặt nạ được chế tác vô cùng tỉ mỉ, là minh chứng sống động cho giá trị văn hóa mà nghệ thuật Tuồng mang lại. Đây thực sự là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá rộng rãi bộ môn nghệ thuật này đến với du khách trong và ngoài nước”.
Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc sắc, xuất hiện từ thời nhà Trần và phát triển rực rỡ dưới triều Nguyễn. Đặc biệt, vào thời vua Tự Đức, nghệ thuật Tuồng đạt đến đỉnh cao, được tôn vinh là “quốc kịch”, mang phong cách bác học và trở thành hình thức sân khấu tiêu biểu của Việt Nam thời bấy giờ.
Gắn liền với sự hưng thịnh của nghệ thuật Tuồng Cung đình, hai nhà hát Duyệt Thị Đường (xây dựng dưới triều vua Minh Mạng) và Minh Khiêm Đường (dưới thời vua Tự Đức) từng là những không gian nghệ thuật quan trọng, nơi thường xuyên diễn ra các vở Tuồng phục vụ triều đình.
Trải qua bao biến thiên lịch sử, từ sau năm 1995, Duyệt Thị Đường đã được trùng tu và dần trở thành điểm biểu diễn các loại hình nghệ thuật cung đình, phục vụ du lịch và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa quan trọng của Quần thể Di tích Cố đô Huế.
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Không gian trưng bày mặt nạ Tuồng Huế được tài trợ bởi Quỹ VinIF, thuộc chương trình Lưu giữ các giá trị văn hóa - lịch sử. Hoạt động này là sự tiếp nối của dự án “Phục hồi và truyền dạy nghệ thuật kẻ mặt nạ Tuồng Huế”, một nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy di sản quý báu này.
Bà Lê Mai Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu - Ứng dụng, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế cho biết: “Hơn 15 nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát đã tham gia khóa đào tạo về nghệ thuật vẽ mặt nạ Tuồng.
Nhờ đó, họ không chỉ nâng cao kỹ năng mà còn có thể tự tay kẻ (vẽ) mặt nạ cho mình và đồng nghiệp khi biểu diễn. Những chiếc mặt nạ của nhiều nhân vật trong các vở Tuồng cổ nổi tiếng đã được các nghệ sĩ tái hiện một cách sinh động, đầy nghệ thuật, góp phần bảo tồn tinh hoa sân khấu truyền thống”.

Nghệ thuật tạo hình mang đậm tính biểu tượng
Tiếp nối thành công từ dự án đào tạo này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiếp tục mở rộng Không gian trưng bày mặt nạ Tuồng, không chỉ trở thành điểm tham quan hấp dẫn mà còn hướng đến mục tiêu giáo dục di sản.
Đây sẽ là cơ hội để thế hệ trẻ tiếp cận, tìm hiểu và nuôi dưỡng đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Tại đây, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng hai mô hình nhân vật Khương Linh Tá và Tạ Ngọc Lân, được tái hiện từ những vở Tuồng cổ kinh điển: Sơn Hậu và Tam nữ đồ Vương (Ngọn lửa Hồng Sơn).
Đây là những tác phẩm được chế tác công phu bởi các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, mang đến trải nghiệm chân thực về nghệ thuật sân khấu cung đình xưa.
Bên cạnh đó, không gian trưng bày còn giới thiệu đến công chúng 250 mặt nạ Tuồng (kích thước 17cm x 22cm) và 2 mặt nạ lớn (kích thước 1m x 1,5m), tái hiện diện mạo 20 nhân vật tiêu biểu trong các vở Tuồng nổi tiếng.
Có thể kể đến: Kỷ Lan Anh trong vở Hộ sanh đàn; Dương Phàm trong Đàng chinh Tây; Trụ Vương trong Trầm hương các; Tạ Ngọc Lân trong Ngọn lửa Hồng Sơn; Đào Tam Xuân trong Đào Tam Xuân loạn trào…
Kẻ mặt nạ trong Tuồng Huế không đơn thuần là kỹ thuật hóa trang, mà là nghệ thuật tạo hình mang đậm tính biểu tượng, khắc họa rõ nét tính cách, địa vị và số phận của nhân vật.
Mỗi màu sắc, đường nét trên mặt nạ đều tuân theo quy tắc chặt chẽ: Màu đỏ là biểu tượng của anh hùng, trung nghĩa; Màu đen đại diện cho cương trực, chính khí; Màu trắng thể hiện sự gian xảo, phản trắc…
Bên cạnh đó, các hoa văn trên mặt nạ được lấy cảm hứng từ linh vật, chim, thú, không chỉ thể hiện uy quyền mà còn truyền tải sinh động tinh thần và khí chất của nhân vật.
Kỹ thuật kẻ mặt nạ đòi hỏi sự tinh xảo, tỉ mỉ và quan trọng hơn là sự am hiểu sâu sắc về từng vai diễn. Thông qua nghệ thuật kẻ mặt nạ, người nghệ sĩ không chỉ tạo nên dấu ấn thị giác đặc trưng mà còn chuyển tải được giá trị tư tưởng và chiều sâu tâm lý nhân vật.
Trong thời gian qua, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đã phục dựng thành công nhiều vở Tuồng và trích đoạn kinh điển như: Sơn Hậu; Ngọn lửa Hồng Sơn; Nguyệt Cô hóa cáo…
Những trích đoạn này đã được dàn dựng thành chương trình biểu diễn phục vụ du khách tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, không chỉ góp phần bảo tồn tinh hoa nghệ thuật cung đình mà còn lan tỏa giá trị sân khấu truyền thống đến đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.
Việc đưa nghệ thuật Tuồng Huế đến gần hơn với khán giả hôm nay chính là cách để giữ gìn và phát huy một di sản sân khấu độc đáo, giúp những giá trị văn hóa cổ truyền không chỉ được bảo tồn mà còn tiếp tục tỏa sáng trong đời sống đương đại.