Thanh Hóa:
Hang Đụn chứa đựng những giá trị kép về di sản thiên nhiên và văn hóa
VHO - Để có cơ sở quan trọng tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hoá triển khai thực hiện công tác quy hoạch, bảo vệ, bảo tồn địa điểm núi Đụn, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng cảnh quan thiên nhiên, văn hoá lịch sử của núi Đụn gắn với phát triển du lịch, mới đây, Sở VHTTDL Thanh Hoá phối hợp với UBND huyện Hà Trung tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá vị trí, giá trị lịch sử, văn hóa, mối liên hệ vùng của núi Đụn trong không gian lịch sử, văn hóa của di tích quốc gia Lăng miếu Triệu Tường và các di tích nhà Nguyễn trong khu vực”.
Hội thảo có 18 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu về giá trị lịch sử, văn hóa, địa chất, địa mạo của hang Đụn; mối liên hệ vùng của núi Đụn trong không gian lịch sử, văn hóa của di tích quốc gia Lăng miếu Triệu Tường, các di tích nhà Nguyễn trong khu vực; công tác bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị của hang Đụn.
Báo cáo tham luận của các chuyên gia cho thấy, trong hang Đụn phát hiện nhiều di vật khảo cổ thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, tất cả đều là đồ gốm. Qua thu lượm 17 mảnh gốm tiền sử, các nhà khoa học xác định đều trong tình trạng vỡ nát, gồm 3 mảnh miệng và 14 mảnh thân với hai loại khác nhau.
Loại bên ngoài có màu xám đen/xám vàng; xương gốm thô, màu xám đen, độ nung thấp nên xương gốm khá bở; đây có thể là những di vật thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí. Loại thứ hai bên ngoài có màu nâu đỏ bề mặt lẫn nhiều cát màu trắng sữa hoặc nâu đen, đây có thể là các di vật thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn - Đông Sơn ở lưu vực sông Mã...
Theo đánh giá của các nhà khoa học, hang Đụn chứa đựng những giá trị kép về di sản thiên nhiên và văn hóa. Núi Đụn có mối liên hệ mật thiết, nằm trong không gian của khu vực núi Triệu Tường - nơi có di tích quốc gia Lăng miếu Triệu Tường.
Nơi đây chứa các di tích, di vật khảo cổ của cả thời tiền sử và lịch sử, minh chứng cho nhiều thời kỳ con người đã sử dụng hang này cư trú tạm thời để tránh thiên tai, địch họa hay là nơi đóng quân trong các cuộc chiến tranh thời lịch sử.
Ngoài ra, sự phong phú, đa dạng, đẹp đẽ và độc đáo của hệ thống thạch nhũ trong hang sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách nếu được bảo tồn.
Hang Đụn (hay còn gọi là hang núi Đụn) thuộc địa phận xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hoá) được người dân địa phương phát hiện từ lâu, tuy nhiên hang núi Đụn chỉ thực sự được quan tâm khi tháng 4, một công ty trong quá trình khai thác đá, làm phát lộ cửa hang.
Hang có chiều dài khoảng 70m, rộng 50m và cao khoảng 40m; có 4 cửa ra vào Đông, Tây, Nam, Bắc thông nhau.
Kiểm tra thực tế, Sở VHTTDL Thanh Hoá khẳng định, đây là một hang động có suối nước ngầm chảy bên trong và nhiều thạch nhũ đá tự nhiên rất đẹp và cần được bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch của địa phương. Việc khai thác đá tại núi Đụn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hang đá (hang bị lấp, sập do đá lăn, đá lở).
UBND tỉnh Thanh Hóa sau đó đã quyết định cho tạm dừng khai thác đá tại núi Đụn; giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với các sở, đơn vị, địa phương liên quan, các nhà khoa học khảo sát, đánh giá toàn diện về quy mô, giá trị, ý nghĩa lịch sử, văn hóa, di sản, du lịch đối với hang động tại núi Đụn.