Thanh Hoá:

Đề nghị cấm hoạt động khoáng sản tại núi Đụn, làm cơ sở khoanh vùng bảo vệ theo Luật Di sản văn hoá

NGUYỄN LINH

VHO - Liên quan đến một hang động quý hiếm vừa được phát hiện tại núi Đụn, xã Hà Long (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), mới đây, Sở VHTTDL Thanh Hoá đã có văn bản đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT tham mưu các trình tự, thủ tục đưa núi Đụn vào khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, để làm cơ sở khoanh vùng bảo vệ theo Luật Di sản văn hoá.

Núi Đụn có quy mô, diện tích khoảng 6,48 ha, nằm trong Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Núi Đụn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác mỏ đá cho Công ty TNHH Tiến Thịnh từ ngày 22.12.2014, trong diện tích mỏ được cấp có 2 cửa đi vào hang trong lòng núi Đụn (phía Tây Bắc).

Đề nghị cấm hoạt động khoáng sản tại núi Đụn, làm cơ sở khoanh vùng bảo vệ theo Luật Di sản văn hoá - ảnh 1
Trong hang động mới vừa được phát hiện tại núi Đụn, có mạch nước ngầm chảy bên trong và nhiều thạch nhũ đá tự nhiên rất đẹp, hứa hẹn thêm địa điểm dành cho những tín đồ mê khám phá, thám hiểm

 Núi Đụn nằm sau và cách di tích quốc gia Lăng Trường Nguyên khoảng 600m; cách phạm vi, ranh giới Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung khoảng 300m và cách di tích cấp tỉnh Hồ Bến Quân khoảng 500m.

Trong lòng núi Đụn có một hang động có quy mô rộng gồm 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc thông nhau, có mạch nước ngầm chảy bên trong và nhiều thạch nhũ đá tự nhiên rất đẹp, hứa hẹn thêm địa điểm dành cho những tín đồ mê khám phá, thám hiểm.

Để bảo vệ hang động và phát triển núi Đụn trở thành một điểm đến du lịch gắn với khu di tích quốc gia Lăng miếu Triệu Tường, người dân địa phương đã có đơn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa dừng khai thác khoáng sản này.

Trước kiến nghị của người dân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc. Kiểm tra thực tế, Sở VHTTDL Thanh  khẳng định, đây là một hang động có suối nước ngầm chảy bên trong và nhiều thạch nhũ đá tự nhiên rất đẹp và cần được bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch của địa phương. Việc khai thác đá tại núi Đụn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hang đá (hang bị lấp, sập do đá lăn, đá lở). 

Sau khi có báo cáo của các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 5204/UBND-CN về việc tạm dừng khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ đá vôi tại núi Đụn thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung của Công ty TNHH Tiến Thịnh.

Đề nghị cấm hoạt động khoáng sản tại núi Đụn, làm cơ sở khoanh vùng bảo vệ theo Luật Di sản văn hoá - ảnh 2
Mỏ đá tại núi Đụn vừa bị UBND tỉnh Thanh Hóa tạm dừng khai thác

 Việc tạm dừng khai thác tại đây để các đơn vị có liên quan cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá cụ thể, toàn diện đối với núi Đụn vì trong quá trình khai thác đã phát hiện một hang động mới.

Sở VHTTDL Thanh Hoá sau đó đã chủ trì, phối hợp với các Sở TN&MT; Xây dựng; Nông nghiệp; Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa; UBND huyện Hà Trung; UBND xã Hà Long kiểm tra thực tế và tổ chức hội nghị đánh giá về quy mô, giá trị, ý nghĩa lịch sử văn hóa, di sản, du lịch đối với hang động tại núi Đụn.

Theo đó, bước đầu Sở VHTTDL Thanh Hoá nhận định, Núi Đụn có mối liên hệ mật thiết, nằm trong không gian của khu vực núi Triệu Tường – nơi có di tích quốc gia Lăng miếu Triệu Tường.

Hang động tại núi Đụn đã được nhân dân địa phương phát hiện từ lâu (qua nhiều đời) và sử dụng làm nơi trú ẩn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Hang có quy mô lớn, lòng hang có nhiều nhũ đá tự nhiên đẹp tạo ra rất nhiều hình thù kỳ thú, cần được bảo vệ, bảo tồn để phục vụ phát triển du lịch; có mạch nước ngầm chảy ra di tích cấp tỉnh Hồ Bến Quân cung cấp nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt của nhân dân 3 thôn: Nghĩa Đụng, Khắc Dũng và Gia Miêu.

Tại thời điểm khảo sát, nền hang phát hiện một số di vật đồ gia dụng bằng gốm có niên đại lịch sử (dấu vết khảo cổ) cần phải được tiếp tục nghiên cứu.

Với kết quả khảo sát và ý kiến tham gia của các sở, ngành, đơn vị, các nhà khoa học, Sở VHTTDL Thanh Hoá đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh này giao Sở TN&MT tham mưu các trình tự, thủ tục đưa núi Đụn vào khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Giao Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hà Trung, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá vị trí, giá trị lịch sử, văn hóa, mối liên hệ vùng của núi Đụn trong không gian lịch sử, văn hóa của di tích Quốc gia Lăng miếu Triệu Tường, các di tích nhà Nguyễn trong khu vực.

Qua đó, làm cơ sở khoanh vùng, đánh giá một cách toàn diện về quy mô, giá trị, ý nghĩa lịch sử, văn hóa, di sản, du lịch đối với núi Đụn và hang động tại núi Đụn. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh xem xét, đưa vào khu vực cấm hoạt động khoáng sản theo quy định tại điểm a Khoản 1 và Khoản 3 Điều 28 Luật Khoáng sản  năm 2010.