Gìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa khi đặt tên sau sáp nhập (Bài 3):
Giữ hồn quê trong diện mạo mới
VHO - Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh đang nhằm hướng đến một bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đồng thời mở ra kỳ vọng về một không gian phát triển rộng mở hơn cho các địa phương.

Tên gọi mới nếu được lựa chọn đúng, biết giữ tinh thần quá khứ và khơi dậy khát vọng tương lai, có thể trở thành cơ hội để bản sắc được hồi sinh trong một diện mạo khác
Để đặt tên cho một địa phương, yếu tố đầu tiên luôn là văn hóa, là dòng chảy sâu thẳm bắt nguồn từ lịch sử, điều kiện tự nhiên, ngôn ngữ dân tộc, phong tục và tập quán địa phương.
Một tên gọi không thể chỉ mang tính mô tả hành chính đơn thuần. Nó cần dễ nhớ, không gây hiểu lầm, đúng luật”, ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng chia sẻ.
“Bản hòa ca” mới về văn hóa
Ông Hoài còn cho biết, “tên gọi vùng đất phải được sinh ra từ tâm thức cộng đồng. Cái tên ấy cần được chính người dân đang sinh sống tại đó đồng thuận, yêu quý và gắn bó. Có như vậy, sự thay đổi mới không trở thành một sự mất mát”.
Theo ông Hoài, ở Lâm Đồng, điều đáng quý là trong mỗi quyết sách, chính quyền đã lắng nghe tiếng nói của dân. Có nơi, người dân được đề xuất tên gọi, tự đặt tên cho vùng đất mình đang sống, rồi chính quyền dựa trên đó để điều chỉnh, định hướng. Chính sự lắng nghe và tôn trọng ấy đã tạo nên sự đồng thuận cao.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho hay, Lâm Đồng là nơi hội tụ của 47 dân tộc anh em, trong đó ba tộc người có ảnh hưởng văn hóa sâu rộng nhất là Kơ Ho, Mạ và Churu.
Trên dòng chảy văn hóa này, các tên gọi hành chính mới đều nỗ lực giữ được hồn cốt của bản sắc địa phương, đồng thời hài hòa với các giá trị của những cộng đồng di cư từ khắp các tỉnh, thành khác cùng đến chung sống, góp phần làm giàu thêm bức tranh văn hóa Lâm Đồng.
Lấy ví dụ từ Đà Lạt. Địa danh Đà Lạt được bắt nguồn từ chữ “Đạ Lạch” nghĩa là “nước của người Lạch”, một vùng miền của xứ sở cao nguyên Lang Biang. Tên gọi ấy không chỉ là biểu tượng văn hóa, mà đã trở thành một phần tâm thức, vượt qua ranh giới hành chính.
Dù có thay đổi về cấp đơn vị hay tên gọi hành chính, thì giá trị văn hóa, lịch sử và bản sắc Đà Lạt vẫn không thay đổi, đó mới là điều cốt lõi. Được biết, sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng sẽ có diện tích lớn nhất cả nước với hơn 24.000 km², quy mô dân số trên 3,3 triệu người, tiếp giáp cả Campuchia và biển, là nơi giao thoa giữa cao nguyên, rừng, biển.
Việc sáp nhập ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận không chỉ mở rộng không gian phát triển, mà còn mở ra một “bản hòa ca” mới về văn hóa.
“Lâm Đồng có văn hóa cao nguyên, Đắk Nông có sử thi M’Nông, Bình Thuận có văn hóa Chăm và miền biển. Nếu biết khai thác đúng, tỉnh mới sẽ trở thành “vùng đất giao hòa”, vừa giữ được hồn cốt từng vùng, vừa tạo nên bản sắc mới, mạnh mẽ hơn, lan tỏa hơn”, một chuyên gia nhận định.
Theo chuyên gia này, khi đã có những giá trị đậm đà văn hóa như vậy, dù có thay đổi cách gọi hay danh xưng, Đà Lạt vẫn là một biểu tượng văn hóa, một điểm đến đặc biệt của thế giới.
Thành phố hay không thành phố không phải là điều quan trọng nhất. Quan trọng là làm sao để Đà Lạt vẫn giữ được những giá trị cốt lõi đó, phát triển lên và hòa nhập vào dòng chảy chung của thế giới mà vẫn không mất đi bản sắc riêng.
Ở khu vực cuối vùng trời Tổ quốc, chúng tôi cũng có dịp ghi nhận những chia sẻ của người dân. Ông Huỳnh Văn Tài, cán bộ hưu trí tại huyện Năm Căn (Cà Mau) tâm sự: “Cà Mau mình, cái tên Đất Mũi gắn liền với biển, với rừng tràm và những con người chất phác, hiền lành. Cái tên ấy đã in sâu trong lòng người dân, không dễ gì thay đổi. Chuyện thay đổi tên đơn vị hành chính, tôi nghĩ là cần thiết. Mình phải thay đổi để phát triển, nhưng phát triển mà không quên đi cái cốt lõi, cái bản sắc của mình. Nhiều địa danh ở Cà Mau có thể đổi tên, nhưng cái hồn của nó vẫn phải là Đất Mũi, với con người, với rừng biển và những nét văn hóa riêng biệt”.
Trong khi đó, chị Thạch Hoa, một nhân viên du lịch TP Cà Mau bày tỏ: Cà Mau có những lợi thế đặc biệt, như hệ sinh thái rừng ngập mặn, những di sản văn hóa của người dân, những làng nghề truyền thống…
Chỉ cần kết hợp giữa việc bảo vệ những giá trị ấy và phát triển kinh tế, thì cái tên TP Cà Mau hay tên gì đi nữa, người ta vẫn nhớ đến là vùng đất với những con người chân chất, tình nghĩa.
Vì vậy, dù có thay đổi tên hay sáp nhập ra sao, chỉ cần mình giữ được cái hồn, cái bản sắc văn hóa của Cà Mau, rồi phát triển thêm du lịch, giữ gìn các sản phẩm truyền thống, thì chẳng có gì phải lo.

Giữ lại hồn đất trong từng địa danh
“Việc đặt tên sau sáp nhập không nên là sự lựa chọn giữa quá khứ và tương lai, mà là sự hòa quyện, lấy bản sắc làm nền để mở đường cho phát triển”, đó là nhận định của ông Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Nhận định ấy không chỉ thể hiện quan điểm chuyên môn, mà còn chất chứa nỗi trăn trở rất thật trước một thay đổi lớn đang diễn ra ở nhiều địa phương, sáp nhập và đặt tên lại đơn vị hành chính.
Ông Nhâm Hùng cho biết, hoàn toàn ủng hộ chủ trương tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, nhưng đồng thời cũng nhìn nhận thẳng thắn rằng, sự thay đổi về tên gọi hành chính đang đặt ra những cảm xúc không dễ nguôi đối với nhiều người dân.
Bởi trong tâm thức người Việt, địa danh không chỉ là một khái niệm quản lý. Đó là nơi chốn, là ký ức, là gốc rễ của cộng đồng, nơi lưu giữ dấu ấn của tổ tiên, của phong tục tập quán, của những câu chuyện đã gắn bó bao đời.
“Chúng ta không chỉ nói đến một cái tên. Mỗi địa danh ở Nam Bộ đều mang theo mình cả một lớp trầm tích văn hóa”, ông Nhâm Hùng nhấn mạnh.
Chỉ cần nghe tên Cần Thơ, người ta đã nghĩ đến chợ nổi, đờn ca tài tử; nói đến Sóc Trăng là hình dung ngay bánh pía, bún nước lèo, văn hóa Khmer; còn Bạc Liêu thì gợi nhớ đến những câu vọng cổ, những bài hát đi cùng năm tháng như Dạ cổ hoài lang, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang…
Theo ông, đây là những giá trị không thể bị lãng quên hay thay thế, dù có thay đổi đơn vị hành chính như thế nào.
Từ góc nhìn văn hóa, nhà nghiên cứu lão thành Nam Bộ này cho rằng, việc đặt tên mới nên dựa trên những yếu tố bản địa đặc trưng như tên dòng sông, hệ sinh thái vùng, biểu tượng văn hóa, thay vì đơn thuần dựa theo vị trí địa lý.
Điều này không chỉ giữ cho người dân sự kết nối với quá khứ, mà còn giúp họ không bị “đứt mạch cảm xúc” với nơi mình gắn bó. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp người dân hiểu rằng: Tên gọi có thể thay đổi, nhưng bản sắc, ký ức và cảm thức cộng đồng vẫn còn nguyên, nếu những giá trị văn hóa được tôn trọng và giữ gìn.
“Muốn tên gọi không bị lãng quên, thì phải giữ gìn những gì làm nên linh hồn của địa danh đó”, ông Nhâm Hùng chia sẻ. Những món ăn đặc sản, những giai điệu âm nhạc dân gian, những lễ hội, những làng nghề… chính là cách để người ta nhớ và tự hào về một vùng đất.
Ông dẫn chứng, dù sau này thành phố Sa Đéc có thể sáp nhập, cái tên hành chính có thể đổi thay, nhưng làng hoa Sa Đéc, biểu tượng văn hóa đặc sắc, vẫn sẽ là một phần không thể tách rời của miền Tây Nam Bộ.
Ông cũng chỉ ra rằng, việc giữ nguyên tên gọi các di sản đã được công nhận không chỉ là bảo tồn lịch sử mà còn là cách để duy trì giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau.
“Từ những di sản được công nhận như các làng nghề, các di tích lịch sử hay các nét văn hóa độc đáo, chúng ta cần phải giữ vững tên gọi ấy, vì đó là dấu ấn quan trọng trong dòng chảy lịch sử. Như Bộ VHTTDL đã khẳng định, việc giữ nguyên tên gọi các di sản sau khi sắp xếp đơn vị hành chính là rất quan trọng để không làm thay đổi giá trị lịch sử, văn hóa”, ông Nhâm Hùng chia sẻ.
Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận việc thay đổi tên gọi địa danh hành chính là xu hướng khó tránh khỏi trong quá trình phát triển. Vì vậy, điều quan trọng là tạo ra một chiến lược tuyên truyền mạnh mẽ, để cộng đồng có thể hiểu và đồng cảm với những thay đổi này.
“Chúng ta phải làm sao để người dân cảm thấy rằng tên gọi hành chính mới không làm mất đi những giá trị cốt lõi của địa phương. Tên gọi mới có thể thay đổi, nhưng hồn cốt của đất vẫn phải được gìn giữ trong những sản phẩm văn hóa, trong những câu chuyện lịch sử và trong tình cảm của chính người dân,” ông nhấn mạnh.
“Vì vậy, dù có sáp nhập hay thay đổi tên gọi, điều quan trọng là phải biết cách gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, những địa danh mang đậm bản sắc, để khi nhắc đến, mỗi người dân đều tự hào về nơi mình sinh ra và lớn lên”.
Hài hòa giữa bản sắc và phát triển
Góc độ quản lý văn hóa, ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VHTTDL Trà Vinh chia sẻ quan điểm: “Trà Vinh là vùng đất có bản sắc Khmer rất rõ nét. Khi sáp nhập với các tỉnh bạn, chúng tôi xác định rõ, dù tên gọi có thể thay đổi, nhưng bản sắc văn hóa Khmer Trà Vinh sẽ được giữ gìn và phát huy mạnh mẽ. Điều này sẽ được thực hiện thông qua các lễ hội đặc trưng, các làng nghề truyền thống, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, cùng với việc phát triển du lịch văn hóa”.
Theo ông Dương Hoàng Sum, dù có thay đổi thế nào, Trà Vinh sẽ luôn gắn chặt với nền văn hóa bản địa, bởi chính văn hóa đó là yếu tố tạo nên sự khác biệt và bản sắc riêng biệt cho vùng đất này.
“Trà Vinh sẽ không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn di sản, mà còn biến văn hóa thành một nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế bền vững. Lợi thế về sự đa dạng văn hóa sẽ trở thành nguồn cảm hứng để phát triển du lịch, đồng thời cũng là yếu tố cạnh tranh mạnh mẽ trong bối cảnh phát triển hiện đại”, Giám đốc Dương Hoàng Sum bày tỏ.
Còn tại Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VHTTDL cũng đồng tình: “Chúng tôi xác định rằng phải khai thác những giá trị di sản của vùng đất này một cách bài bản và hiệu quả. Chợ nổi Cái Răng, đờn ca tài tử, văn hóa sông nước… đều là những di sản quý giá mà chúng tôi cần gìn giữ. Cần Thơ sẽ phát triển du lịch văn hóa, nhưng điều quan trọng là không để vùng đất này mất đi “hồn cốt” vốn có. Đổi tên hành chính không có nghĩa là chúng ta sẽ đánh mất thương hiệu đã gắn bó lâu dài với lòng người, mà ngược lại, nếu làm tốt công tác truyền thông và kết hợp với việc phát triển các giá trị văn hóa gắn liền với kinh tế, thì Cần Thơ vẫn sẽ vững vàng giữ được bản sắc, dù trong bất kỳ hình thức hành chính nào”.
Theo những người dân miền Tây Nam Bộ mà chúng tôi có dịp trò chuyện, bản sắc văn hóa không đơn thuần là những giá trị quá khứ mà còn là nền tảng để phát triển trong tương lai.
Các địa phương này đều xác định rằng sự thay đổi về mặt hành chính không thể và không nên làm nhạt đi những giá trị lịch sử, văn hóa đã được xây dựng qua nhiều thế hệ.
Thay vào đó, đây chính là cơ hội để làm mới và củng cố những giá trị đó, đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội tại giúp phát triển bền vững. Với các tỉnh Nam Bộ, việc sáp nhập hành chính không phải là một cuộc “thay tên đổi họ”, mà là cơ hội để các địa phương gắn kết chặt chẽ hơn, phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của từng vùng.
Những lễ hội, di sản và phong tục tập quán sẽ không bao giờ bị lãng quên, mà sẽ là những công cụ quan trọng để gắn kết cộng đồng và phát triển kinh tế. Chính những giá trị văn hóa đặc sắc ấy sẽ giúp tạo dựng một thương hiệu mạnh mẽ, không chỉ là biểu tượng của vùng đất mà còn là dấu ấn riêng biệt của mỗi cộng đồng.
Tên gọi là khởi điểm, là ký ức và cũng có thể là động lực trong tương lai. Trong tiến trình cải cách hành chính, một xu thế tất yếu để tinh gọn và hiện đại hóa bộ máy, nếu mỗi địa phương biết lắng nghe, hiểu đúng bản sắc, đặt tên bằng sự thấu cảm và khát vọng phát triển, thì mọi đổi thay đều có thể trở thành cơ hội để bản sắc cũ hồi sinh trong một diện mạo mới, hài hòa, giàu nội lực và bền vững hơn.
(Còn tiếp)