Quanh chuyện đặt tên sau sáp nhập (Bài 2):
Làm sao để “mất mát” ít nhất?
VHO - Những tiếng thở dài của nhiều bậc cao niên sau khi tiến hành sáp nhập, xuất hiện cái tên mới vô cùng lạ lẫm, là tín hiệu của sự bất ổn về cách làm. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tên làng, xã mới và lạ lẫm, không còn bóng hình của lịch sử, văn hóa sẽ như cây kéo vô tình cắt đứt mọi sự liên lạc giữa quá khứ với hiện tại và tương lai của một vùng đất, kỷ niệm của biết bao thế hệ…
Chúng tôi trở lại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) trong những ngày này nắng như đổ lửa, nhưng sức nóng của thời tiết vẫn chưa thấm là bao so với sự “nóng” bàn tán về cái tên “Đôi Hậu” ở khắp mọi nơi. Già trẻ, gái trai túm tụm dưới rặng tre nói chuyện như… lên đồng.
Với chúng tôi đó là cú sốc…
Dẫn chúng tôi đến dâng hương nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương tại tượng đài của bà ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), chỉ những tên làng, tên xóm thân thuộc từ bao đời nay, ông Hồ Sỹ Bá, tuổi bát thập không giấu tự hào: Cả nước Việt Nam này nhắc đến Quỳnh Đôi là biết đến “Bắc Hà - Hành Thiện, Hoan Diễn - Quỳnh Đôi”, để nói đến 2 ngôi làng nổi tiếng ở miền Bắc và miền Trung về truyền thống hiếu học, “địa linh nhân kiệt” nơi sinh ra nhiều danh nhân. Đây cũng chính là quê hương của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương “Bà chúa thơ Nôm” với những đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam và là danh nhân văn hóa thế giới.
“Nay biết tin sáp nhập lấy tên Đôi Hậu, cá nhân tôi thấy không chấp nhận được. Khi tên làng không còn vì các lý do khác nhau, đối với những bậc cao niên từng gắn bó với làng quê như chúng tôi thì đó là một “cú sốc”. Chúng tôi gắn bó với nhau một phần nhờ tên làng đó. Các thế hệ đổ máu hy sinh, quyết tâm gìn giữ cũng vì danh xưng của làng, xã. Con em ra đi phấn đấu cũng vì danh dự của làng. Nay cái tên mới được ghép đôi kiểu cơ học từ hai xã nghe rất kỳ quặc. Người Việt xưa nay dù ở ngay trên đất mẹ hay tha hương vẫn nặng lòng với cái tên làng, tên xã, thế mà ngay tại chính quê hương mình lại có nguy cơ vong bản, mất tên làng. Chua chát quá”, ông Bá nói giọng bần thần. Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Đôi Hồ Quang Tuấn cũng mang nặng những suy nghĩ và cho biết, phương án ban đầu sau khi sáp nhập xã mới sẽ lấy tên Quỳnh Đôi, tuy nhiên, phía xã Quỳnh Hậu lại không đồng ý vì muốn giữ chữ Hậu trong tên gọi mới. Nhắc đến Quỳnh Đôi, người dân khắp nơi trên cả nước đều biết đến, nên không chỉ riêng người dân trong xã mà người dân ngoài xã, ngoài huyện cũng không đồng tình với tên gọi mới theo dự kiến.
Trong khi đó, người dân xã Quỳnh Hậu lại cho rằng, xã mình cũng có từ lâu đời, là nơi phát hiện dấu tích sinh sống của người Việt cổ cách đây hơn 4.000 năm và như vậy cũng có bề dày về lịch sử, văn hóa, nên nếu sáp nhập, tên xã mới phải là Quỳnh Hậu. Ông Hồ Sỹ Khoa, xã Quỳnh Hậu chia sẻ, bà con ở xã nhà cũng muốn giữ lại cái tên cũ. Từ thuở lập làng, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái ngày càng đông đúc, trong tâm trí luôn tự hào rằng cả vùng đều là đồng hương và tên thôn làng sẽ mãi nhắc nhớ về bản quán. Con cháu bao thế hệ rời khỏi lũy tre làng lập nghiệp ở xa xứ, không “cõng” theo giếng nước, gốc đa, sân đình nhưng vẫn luôn “lận lưng” cái tên quê hương mà đi. Nay không còn tên của làng, xã, người dân cũng rất buồn.
Tên mới không thấy bóng dáng mình trong đó
Theo Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, Nghị quyết số 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 quy định đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính sau sáp nhập phải bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri, khuyến khích giữ lại một trong số các tên địa phương trước khi sáp nhập. Việc đặt tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, qua nắm bắt ở một số địa phương cho thấy, tâm lý, tư tưởng cục bộ địa phương trong cán bộ và người dân là không muốn “mất” tên xã mình.
Việc đặt tên mới cho đơn vị hành chính sau sáp nhập, bên cạnh tạo được sự đồng thuận vẫn còn đó một số tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập đang đặt ra nhiều băn khoăn, trăn trở trong dư luận nhân dân. Hiện nay, ở một số địa phương, đặt tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập đơn thuần chỉ ghép tên 2 đơn vị trước khi sáp nhập. Như tại huyện Hưng Nguyên, sáp nhập xã Hưng Xá với xã Hưng Long để thành lập xã mới lấy tên là xã Long Xá. Tại huyện Thanh Chương, 2 xã Thanh Giang và Thanh Mai sẽ sáp nhập. Ban Chỉ đạo huyện đã đề xuất tên gọi là xã Tân Dân nhưng không nhận được sự đồng ý của cán bộ, đảng viên 2 xã nên dự kiến tên xã mới là Mai Giang; xã Xuân Tường sáp nhập xã Thanh Dương, dự kiến tên xã mới là Xuân Dương...
Việc đặt tên mới cho hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu là vấn đề không hề đơn giản, bởi ngoài tư tưởng cục bộ, máy móc, thậm chí còn đơn giản hóa trong cách làm thì sự tạo được đồng thuận ý kiến của cán bộ, nhân dân hai bên sẽ gặp không ít khó khăn. Vì thế, trên mạng xã hội đã bắt đầu “hiến kế” cho việc đặt tên hai xã này, và đa số đang hướng tên gọi xã Hồ Xuân Hương sau sáp nhập. Phải chăng đây là sự gợi ý đáng suy nghĩ để các cấp chính quyền huyện Quỳnh Lưu lưu tâm, đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến cộng đồng, trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dưới góc độ là một nhà nghiên cứu văn hóa địa phương, ông Đào Tam Tỉnh cho rằng, mỗi ngôi làng đều có đặc trưng văn hóa riêng, ở đó, tên làng, tên xã giống như lịch sử cuốn sách, lịch sử đời người, cái gì gìn giữ được càng có giá trị. “Tôi rất tiếc nuối khi nhiều tên gọi xã, phường đã đi vào lịch sử, thơ ca nhưng đứng trước khả năng bị “biến mất” sau khi các địa phương công bố đề án sáp nhập. Không đơn thuần chỉ là sự gọn nhẹ cho cơ quan quản lý mà quan trọng là vẫn giữ được hồn cốt văn hóa, lịch sử, truyền thống. Việc đặt tên mới cần làm thận trọng, bài bản, không nóng vội, không chủ quan duy ý chí, áp đặt. Trong đó, đặc biệt phải coi trọng việc lấy ý kiến nhân dân, nhất là những người am hiểu, để thể hiện rõ được tâm tư nguyện vọng của cộng đồng cư dân làng xã”, ông Tĩnh nêu. Còn nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường (Trung tâm Khoa học XH&NV, Sở KH&CN Nghệ An) cho biết: Tên gọi đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp là vấn đề lớn bởi tên làng, xã đa phần gắn với các địa danh cổ, có sự tích lịch sử lâu đời hoặc gắn với những chuyến di dân, những làng nghề truyền thống... Thế hệ sau nên kế thừa cha ông, trân quý lịch sử mới có thể phát triển bền vững. Khi thay đổi cần duy trì sự ổn định và đảm bảo tính liên tục của địa danh. Tên các làng, xã lạ lẫm như vậy vô tình cắt đứt mọi liên lạc giữa quá khứ với hiện tại và tương lai của một vùng đất, nơi chôn nhau cắt rốn và truyền thống, kỷ niệm của biết bao thế hệ. Bảo vệ và sử dụng văn hóa địa danh góp phần duy trì tính vẹn toàn của di sản lịch sử văn hóa và tính liên tục của đời sống kinh tế, xã hội.
Nêu quan điểm cá nhân trên mạng xã hội, ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An bày tỏ: “Khi đọc đến tên xã mới từ việc sáp nhập 2 đơn vị cũ là Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu) thành xã Đôi Hậu, tôi thấy băn khoăn thực sự. Tôi thấy rõ là, với tên “xã Đôi Hậu” thì cả Quỳnh Đôi lẫn Quỳnh Hậu đều không thấy bóng dáng mình trong đó. Nếu cặp đôi 2 xã này được sử dụng từ “Quỳnh Đôi” để đặt tên cho xã mới thì ngoài cái hay do giữ được yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống đã quá nổi tiếng rồi, còn có cái lợi nữa là đơn giản, tiết kiệm cho Nhà nước, cho người dân trong việc thay đổi các thông tin về nhân thân của công dân. Việc đặt một cái tên mới tôi biết rất phức tạp, khó khăn vì nó liên quan đến tâm lý, tư tưởng, nhận thức của nhiều người. Nhưng rõ ràng phải lựa chọn một phương án mà nó bị “mất mát” ít nhất thì đó mới là cách hay nhất”.
Được biết vào những ngày đầu tháng 5 tới huyện Quỳnh Lưu sẽ lấy ý kiến cử tri, họp HĐND xã, đến huyện rồi báo cáo tỉnh xung quanh việc đặt tên xã mới sau sáp nhập. Cũng biết, việc đặt tên mới của hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu là vấn đề không hề đơn giản, bởi ngoài tư tưởng cục bộ, máy móc, thậm chí còn đơn giản hóa thì sự tạo được đồng thuận ý kiến của cán bộ, nhân dân hai bên sẽ gặp không ít khó khăn. Vì thế, trên mạng xã hội đã bắt đầu “hiến kế” cho việc đặt tên hai xã này, và đa số đang hướng tên gọi xã Hồ Xuân Hương sau sáp nhập. Phải chăng đây là sự gợi ý đáng suy nghĩ để các cấp chính quyền huyện Quỳnh Lưu lưu tâm, đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến cộng đồng, trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(Còn tiếp)