Gìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa khi đặt tên sau sáp nhập (Bài 2):
Bùi ngùi lắm chứ, nhưng vẫn có niềm tin...
VHO - Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy để đáp ứng sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói một cách sâu sắc: “Đất nước là quê hương”, qua đó gợi mở cái nhìn bao quát, nơi mỗi vùng đất, mỗi địa danh đều là một phần máu thịt trong hình hài Tổ quốc.

Trong quá trình sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính, nhiều tên xã, phường tưởng như sắp “vắng bóng” trên bản đồ hành chính nhưng lại đang được gìn giữ bằng những cách sâu sắc hơn trong tâm thức cộng đồng.
Dù địa giới hành chính có thay đổi, quê hương vẫn còn đó và bản sắc sẽ không thể phai nhòa nếu mỗi người con quê hương luôn trân quý những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.
Linh hồn của những miền quê
Khi được biết địa danh của quê hương là xã Cao An, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) sáp nhập với các xã, thị trấn Lai Cách thành phường Việt Hòa của TP Hải Dương, nhà báo Phạm Chức đầy nuối tiếc: “Trước kia, khi đặt tên làng là Phú An (tên nôm làng Danh), thuộc xã Cao An, các cụ trong làng đã bàn nát nước. “Vì sao đặt tên thế, tên ấy có ý nghĩa gì, các cụ gửi gắm điều gì trong cái tên ấy?”. Chắc chắn không đơn giản. Tên làng, tên xã đã theo chúng tôi suốt cả cuộc đời, từ thơ bé, lớn lên, đi làm xa nhà, tới đâu cũng vẫn nhớ tên làng Danh, xã Cao An mà tìm về. Chúng tôi tự hào về quê hương, về làng, xã mình. Giờ tên Cao An không còn nữa”.
Huyện Cẩm Giàng từ 17 xã sau sáp nhập còn 4 xã, gồm Cẩm Giàng, Tuệ Tĩnh, Cẩm Giang, Mao Điền; một số vào các phường, xã thuộc TP Hải Dương. Hải Dương cơ bản đã đảm bảo đầy đủ, các trình tự, thủ tục được thực hiện theo quy định gồm tổ chức lấy ý kiến nhân dân, HĐND các xã, thị trấn, HĐND các quận, huyện, thị xã đã họp, có Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
“Tuy nhiên, nếu làm kỹ hơn thì còn tốt hơn nữa”, ông Phạm Chức nói. Bên bờ sông Gấm, dòng sông đã tồn tại biết bao đời nay, ông Phạm Chức tâm tư: “Trong việc đặt tên sau sáp nhập, tất nhiên không thể giữ lại tất cả tên cũ, dù những tên đó đã gắn với lịch sử, văn hóa của các miền quê, vùng đất, thậm chí đã trở thành biểu tượng văn hóa. Đó là “địa chỉ ký ức” của hàng ngàn người dân và cũng là nơi gắn bó với sự tự hào, với những bản sắc không thể đong đếm”.
Ông Chức cho biết rất tiếc vì tên cổ của đất Cẩm Giàng còn có tên cũ là Đa Cẩm, nghĩa là bức gấm đa sắc màu, mảnh đất màu mỡ và đẹp, không được dùng đặt tên phường mới sau khi sáp nhập.
“Ở Hải Dương còn có huyện Bình Giang. Tôi còn nhớ, ông già bà cả ở đây có câu: Tiền làng Đọc (làng Đan Loan), thóc làng Nhữ (làng Hoạch Trạch), chữ làng Chằm (làng Mộ Trạch) để nói lên đặc điểm của các làng. Cách nhớ tên làng của các cụ đến giờ vẫn được lưu truyền lại: “ba Bì, bảy Bượi, chín làng Me”. Và những tên làng ấy đều là tên nôm hoặc là ước nguyện của các làng quê ấy, từ thời khai làng lập ấp đến nay. Nói thế để thấy, tên làng, tên xã quan trọng như thế nào với mỗi người”, ông Chức nhớ lại.
Huyện Thanh Hà cũng là mảnh đất cổ của Hải Dương, nổi tiếng với đặc sản vải thiều. Theo tài liệu khảo cổ, xa xưa nơi đây là biển cả mênh mông, trải qua hàng vạn năm được phù sa sông Thái Bình và sông Kinh Thầy bồi đắp đã thành đồng bãi phù sa châu thổ.
Những cư dân Thanh Hà đầu tiên đến đây khai phá vùng đầm lầy, bãi lau, bờ sú thành đồng ruộng tốt tươi. Từ lâu trong dân gian lưu truyền câu ca: Đã là con mẹ con cha/ Sinh ra ở đất Thanh Hà xứ Đông. Sau khi sáp nhập, huyện Thanh Hà thành lập 5 xã: Thanh Hà, Hà Nam, Hà Bắc, Hà Đông, Hà Tây.
Nhiều người cho rằng, đặt tên theo phương như thế đơn giản quá và không làm nổi bật được giá trị, ý nghĩa của vùng đất đó.
Việc chọn tên cho xã, phường sau sáp nhập về cơ bản các nơi đều lắng nghe ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa. Nhiều ý kiến cho rằng nên là những tên cổ của địa phương hoặc tên các danh nhân, tên sông, tên núi…
Trong đó, nên chọn tên danh nhân đã theo suốt chiều dài lịch sử, văn hóa của từng miền đất và không nên quá lạm dụng tên danh nhân, cũng như không nên dễ dãi đặt tên theo hướng…
Danh xưng của mỗi miền quê luôn mang trong mình sức nặng của lịch sử, văn hóa và ký ức cộng đồng. Từ tên làng, tên xã, đến địa danh cấp huyện, tỉnh, đều là dấu ấn của một vùng đất, một giai đoạn lịch sử, một truyền thống cư dân.
Vậy nên, khi sáp nhập đơn vị hành chính các cấp, điều khiến người dân day dứt không chỉ là thay đổi trên giấy tờ, mà chính là việc có thể phải chia tay tên gọi thân thuộc, gắn bó cả đời.
Mong muốn được giữ những danh xưng không đơn thuần là vì niềm tự hào với quê hương, mà là cảm thức sâu xa về bản sắc. Mỗi người dân, dù đi xa hay sống lại trên mảnh đất ấy, đều có thể tự hào kể về “quê tôi ở Cổ Loa”, “xã tôi là Sài Sơn”, “chúng tôi ở làng Cổ Chất”… Bởi thế, lựa chọn tên gọi sau sáp nhập thực sự là bài toán khó và nhạy cảm.
Bản sắc văn hóa là dòng chảy không thể xóa đi
Người dân huyện A Lưới (TP Huế) bày tỏ mong muốn được giữ lại địa danh này. Theo ông Hồ Đàm Giang, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, A Lưới nổi danh không chỉ bởi là vùng đất lưu dấu lịch sử hào hùng của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. Nhắc đến A Lưới, không chỉ các địa phương trong nước mà nước ngoài cũng biết đến.
A Lưới có nhiều địa danh nổi tiếng trong cuộc chiến chống giặc xâm lược như di tích quốc gia địa điểm chiến thắng đồi A Bia (người Mỹ gọi là Hamburger Hill - đồi Thịt Băm); di tích lịch sử quốc gia sân bay A So; địa đạo Động So - A Túc; đèo Mẹ ơi (tức đèo A Co); di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh huyền thoại…
Lãnh đạo huyện cho rằng, chọn tên A Lưới là mong muốn của người dân địa phương, cùng nhau gắn kết, giữ bản sắc và tiếp tục xây dựng vùng đất truyền thống của miền Tây TP Huế. Sau sáp nhập, người dân các xã muốn được định danh là “người A Lưới” để lưu lại địa danh nơi họ và nhiều thế hệ gia đình đã gắn bó.
Sự đồng thuận của người dân trên địa bàn cũng hướng đến duy trì bản sắc văn hóa, địa lý và lịch sử của khu vực. Cũng cần nhìn nhận rằng, bản sắc văn hóa, lịch sử của mỗi vùng quê không chỉ ở cái tên, mà còn hàm chứa ở những gì danh xưng đó đại diện, là truyền thống, giá trị, lối sống, phong tục tập quán, tinh thần của con người.
Trong chiều dài lịch sử, không ít lần tên gọi các vùng đất đã thay đổi. Đại La, Thăng Long trở thành Đông Đô, rồi Hà Nội. Gia Định thành Sài Gòn, TP.HCM. Nhiều tỉnh, huyện, xã được chia tách, sáp nhập rồi lại chia tách.
Nhưng có một điều, dù tên gọi biến chuyển thế nào, hồn vía vùng đất ấy vẫn được nhận ra, vẫn tiếp tục sống động trong tâm thức cộng đồng. Điều đó cho thấy, bản sắc văn hóa luôn bền bỉ như một dòng chảy ngầm, có thể bị che lấp đôi chút khi địa giới hành chính thay đổi, nhưng không vì thế mà biến mất.
Ngược lại, nếu được quan tâm đúng cách, bản sắc ấy sẽ có cơ hội được tiếp thêm sinh khí trong một không gian mới, rộng mở và đa dạng hơn.
Việc sáp nhập đơn vị hành chính vì thế có thể được xem là điểm khởi đầu cho sự giao thoa, tích hợp, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của từng vùng đất, từng cộng đồng cư dân.
Xã nổi tiếng về lễ hội truyền thống có thể bổ sung màu sắc văn hóa đặc trưng cho xã mạnh về làng nghề thủ công khi cùng thuộc một đơn vị mới. Một xã, phường có nhiều di tích lịch sử có thể trở thành hạt nhân, trung tâm văn hóa của tỉnh mới sau sáp nhập.
Những điều ấy chỉ thành hiện thực nếu chúng ta biết nhìn xa và ứng xử một cách tôn trọng. Ông Nguyễn Thanh Phương (phường Cửa Bắc, TP Nam Định, Nam Định) cho biết, sau nhiều tranh luận, bàn thảo, trao đổi công khai, lấy ý kiến rộng rãi của người dân và tham khảo giới chuyên môn về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, đến nay Nam Định đã thống nhất sắp xếp 175 đơn vị hành chính cấp xã thành 57 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 8 phường và 49 xã).
Trong đó, những phường, xã sau sáp nhập, ngoài phường Nam Định thì còn có nhiều cái tên xưa, hoặc những tên gọi đã gắn bó với vùng đất này như: Phường Thiên Trường, Vị Khê, Đông A, Thành Nam...
Dẫu vậy, sự bền bỉ của bản sắc văn hóa không đồng nghĩa với việc có thể lơ là trong gìn giữ, phát huy. Khi tên gọi cũ không còn, nguy cơ mai một ký ức cộng đồng là có thật.
Không ít nơi, sau vài năm sáp nhập, tên mới dần trở nên phổ biến trong giấy tờ, người dân không còn tự hào kể về tên cũ nữa. Những tư liệu, hiện vật, phong tục, truyền thuyết gắn với vùng đất cũ cũng không còn được bảo tồn hay nhắc đến trong sinh hoạt cộng đồng, trường học, hoạt động văn hóa.
Vì thế, chính quyền địa phương, ngành Văn hóa và Giáo dục cần có chiến lược để gìn giữ, phát huy giá trị của các vùng đất cũ trong không gian hành chính mới. Các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa xã, thư viện, bảo tàng… cần được nâng cấp, tích hợp dữ liệu lịch sử, văn hóa của các đơn vị cũ.
Trường học nên đưa các nội dung giáo dục lịch sử, địa lý địa phương vào giảng dạy, để học sinh hiểu được lịch sử hình thành, đóng góp của các vùng đất sáp nhập.
Việc đặt tên đường, tên trường, xây dựng biểu tượng văn hóa vùng đất cũ cũng là cách để “neo giữ” ký ức cộng đồng. Một con đường mang tên “Tân Trào”, một ngôi trường mang tên “An Khê”, hay một lễ hội phục dựng lại theo truyền thống… đều có giá trị như những “hòn đá tảng” giúp ký ức không trôi đi theo dòng chảy thời gian.
Một cái tên đẹp không chỉ dễ đọc, dễ nhớ, mà còn cần có “hồn”, có chiều sâu văn hóa, thể hiện được khát vọng phát triển của vùng đất mới.
Người dân là chủ thể gìn giữ bản sắc
Chính người dân là chủ thể quan trọng nhất để gìn giữ và lan tỏa bản sắc, bất kể tên gọi có thay đổi ra sao. Một ngôi làng có thể không còn tên cũ trên bản đồ, nhưng nếu nếp sống văn hóa, lễ hội, làng nghề…, vẫn được gìn giữ và trao truyền thì cái hồn của ngôi làng ấy vẫn còn nguyên vẹn.
Thực tế cho thấy nhiều vùng đất đã biết cách bảo vệ, giữ gìn giá trị văn hóa bản địa một cách chủ động và sáng tạo. Ở những nơi như Hội An (Quảng Nam), Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), Lũng Cú (Hà Giang)..., cộng đồng chính là “người kể chuyện” sinh động về di sản, từ cách ứng xử với du khách đến gìn giữ từng mái ngói rêu phong, từng nếp nhà sàn.
Và họ đã từng bước làm nên thương hiệu của một vùng đất. Việc giữ tên gọi trong tâm thức cộng đồng cũng vậy, không phải lúc nào cũng cần một quyết định hành chính.
Chỉ cần người dân vẫn gọi tên làng như thói quen hằng ngày thì cái tên ấy vẫn sống. Chỉ khi chính người dân quên đi tên gọi xưa, văn hóa mới thực sự mất mát.
Ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Giang cho rằng “chúng ta cần nhìn việc sáp nhập hành chính như một cơ hội để xây dựng một không gian văn hóa phong phú hơn, đa dạng hơn và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Việc tập trung nguồn lực sẽ giúp các địa phương đầu tư tốt hơn cho hạ tầng văn hóa, du lịch, cho giáo dục, cho hoạt động lễ hội thay vì manh mún như trước”.
Bài toán không nằm ở chỗ cái tên có giữ lại được hay không, mà ở chỗ hồn cốt của vùng đất có được tiếp nối và tỏa sáng trong diện mạo mới hay không. Chúng ta không giữ cái tên chỉ để nhớ về, mà giữ cái tên để đi tới, như một biểu tượng của lòng tự hào, như một sợi chỉ đỏ kết nối các thế hệ.
Theo ông Tĩnh, trong quá trình ấy, nếu biết gìn giữ bản sắc từng vùng, sự sáp nhập sẽ tạo đà cho phát triển bền vững, chứ không chỉ là biện pháp tinh gọn bộ máy.
“Thế giới có thể đổi thay, tên gọi có thể chuyển biến, nhưng quê hương thì vẫn còn đó trong nhịp sống thường nhật, trong tiếng gọi “mẹ ơi” bên bờ ao cũ, trong mùi rơm nếp, khói bếp chiều đông, trong tiếng trống hội làng gióng lên đầu xuân… Quê tôi ở Kiến Xương, Thái Bình. Chúng tôi đã đi quá nửa đời người, gắn bó với tên làng từ tấm bé, giờ tên xã, tên huyện, tên tỉnh không còn nữa, cũng bùi ngùi lắm nhưng vẫn có một niềm tin rằng, sự tươi đẹp, phát triển đang ở phía trước”, ông Tĩnh tâm sự.
Bản sắc, điều làm nên hồn cốt của một vùng đất không thể phai nhòa nếu mỗi chúng ta luôn trân quý, gìn giữ và tự hào. Bộ máy hành chính có thể sắp xếp lại, nhưng văn hóa thì không thể “sáp nhập” hay “giản lược”.
Dòng chảy ngầm mãnh liệt mãi là bản đồ ký ức mà mỗi cái tên đều là điểm sáng không bao giờ tắt. Bởi vậy, dù tên gọi có thay đổi thế nào, quê hương vẫn còn đó và bản sắc văn hóa, lịch sử vẫn là ngọn lửa thiêng cháy mãi.
(Còn tiếp)