Giới thiệu các loại hình nghệ thuật dân gian đến sinh viên
VHO - Sự kiện nghệ thuật “Hồn nước non” với chủ đề Âm vang đất Việt - Lưu dấu ngàn năm, vừa diễn ra tại Trường FPT Polytechnic cơ sở TP.HCM. Chương trình nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật dân gian đến công chúng trẻ.
Chương trình có sự tham gia của các NNƯT Trần Văn Sơn, Phan Minh Đức, Ngọc Đặng, Cẩm Thủy, cùng các thành viên trẻ trong Ban Đờn ca tài tử Cội Xưa, CLB Dân ca Quan họ Bắc Sông Cầu, CLB Dân ca Ví - Giặm TP Thủ Đức… Diễn giả chương trình: Giảng viên Phạm Thái Bình - Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Nước ta có rất nhiều loại hình nghệ thuật dân gian vô cùng độc đáo. Mỗi vùng miền đều lưu giữ một vài loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm nét đặc trưng riêng.
Với TP.HCM (Sài Gòn - Gia Định xưa) - vùng đất được hình thành cách nay hơn 320 năm, đã dung hợp nhiều dòng văn hóa khác nhau… Những loại hình nghệ thuật dân gian ấy đã đồng hành cùng quần chúng nhân dân trong suốt chặng đường lịch sử hình thành và phát triển Thành phố mang tên Bác, để lại những giá trị tốt đẹp cả về vật chất lẫn tinh thần, góp phần tạo cho diện mạo văn hóa TP.HCM đa dạng sắc màu.
Tại chương trình ThS văn hóa Phạm Thái đã giới thiệu và giao lưu với sinh viên liên quan đến loại hình Dân ca Quan họ Bắc Ninh, như nguồn gốc ra đời, các hình thức hát Quan họ? Phân loại Dân ca Quan họ…
Các nghệ nhân trình diễn tại chương trình
Theo đó, Dân ca Quan họ là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam.
Loại hình này được hình thành và phát triển ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa (khu vực ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay), với dòng sông Cầu chảy qua được gọi là “dòng sông Quan họ”.
Dân ca Quan họ không chỉ đơn thuần là một nét đẹp văn hóa của dân xứ Kinh Bắc mà nó còn mang lại nhiều giá trị về giáo dục, đặc biệt là về cách ứng xử và quan hệ giữa con người.
Nhiều bài hát trong Quan họ chứa đựng những lời giáo dục nhằm khuyến khích tình cảm, sự đoàn kết và giữ gìn nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam…
Theo dòng chảy của thời thời gian, cùng với các giá trị văn hóa truyền thống khác, Dân ca Quan họ đã đồng hành, vẫn tồn tại trong đời sống xã hội, tạo nên một ký ức văn hóa vô cùng đẹp đẽ.
Giai điệu Quan họ đã góp phần bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn cao đẹp của các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ và hôm nay.
Cùng với tìm hiểu về các khái niệm, sinh viên cũng được thưởng thức các tiết mục như “Cây trúc xinh”, “Quan họ ngày xuân” do các nghệ nhân trình diễn, nhằm hiểu rõ sâu sắc hơn về loại hình di sản đặc sắc này.
Tương tự, tại chương trình, sinh viên cũng nghe diễn giả giới thiệu và phân tích về loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, xung quanh khái niệm, sự ra đời, tìm hiểu về Vọng cổ, Cải lương và các phân biệt các loại hình này…
Sinh viên được thưởng thức nhiều tiết mục như “Khúc hát tri ân”, “Hương sắc mùa xuân giai điệu tương phùng”; “Sắc Xuân”, “Dạ cổ hoài lang”, “Duyên quê”, tân cổ giao duyên “Anh ở đầu sông em cuối sông”, tham gia trò chơi ghép hình đúng đoán di sản.
Theo diễn giả, hơn trăm năm định hình và phát triển, di sản Đờn ca tài tử Nam Bộ được nhiều thế hệ nghệ nhân dày công vun đắp, sáng tạo ra nhiều trình thức hòa tấu, nhiều dạng thức sinh hoạt, sáng tác và cải biên hàng trăm làn điệu, biên soạn vô số lời ca mới thấm đậm tình người, tình đất phương Nam…
Tất cả góp phần giúp cho loại hình nghệ thuật đặc sắc này khẳng định vị thế và sức “lan tỏa” trong đời sống cộng đồng. Đến nay, Đờn ca tài tử Nam Bộ vẫn được thực hành ở mọi lúc, mọi nơi (trong lễ hội, sự kiện văn hóa - chính trị, sinh hoạt đời thường…) trên khắp 21 tỉnh, thành từ Ninh Thuận cho đến Mũi Cà Mau.
Với những nét đặc trưng riêng biệt, Đờn ca tài tử luôn thể hiện tâm hồn, cốt cách của con người Nam Bộ, thể hiện bản sắc văn hóa Nam Bộ trong dòng chảy chung của âm nhạc cổ truyền Việt Nam…
Sự kiện nghệ thuật “Hồn nước non” với mong muốn góp phần lan tỏa sâu rộng giá trị quý báu của các loại hình nghệ thuật dân gian đến công chúng trẻ.
Chương trình cũng nhằm mục đích tri ân các bậc tiền nhân đã dày công vun đắp các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của Việt Nam.
Đồng thời, biểu dương, tôn vinh các nghệ nhân, các tài năng trẻ ở TP.HCM đang thực hành các loại hình nghệ thuật được UNESCO ghi danh như Dân ca Quan họ; Đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh và Hát Văn.