Động lực phát triển từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (Bài 1):

Eo hẹp kinh phí, di tích “kêu cứu”!

NHÓM PHÓNG VIÊN

VHO - LTS: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa được ngành VHTTDL tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều cấp, ngành, địa phương…

 Eo hẹp kinh phí, di tích “kêu cứu”! - ảnh 1
Không gian trưng bày chính tại di tích lưu niệm Cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ đang bị xuống cấp, đe dọa đến nhiều tài liệu, hiện vật

Chương trình được kỳ vọng sớm thông qua và đi vào thực tiễn, tạo nguồn lực quan trọng cho sự phát triển văn hóa, đồng thời là đòn bẩy, động lực khơi thông, tháo gỡ “điểm nghẽn”, để văn hóa thực sự phát huy sức mạnh nội sinh, phát triển ngang hàng với kinh tế, chính trị.

Những di tích ngàn năm có nguy cơ sụp đổ; hàng loạt công trình, thiết chế văn hóa xuống cấp trầm trọng; đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều địa bàn nghèo nàn, trống vắng… Thực trạng ấy đang tồn tại ở không ít địa phương và cấp bách đặt ra sự cần thiết có thêm những cơ chế, chính sách tháo gỡ.

 Trong bối cảnh này, nỗi mong chờ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn mới được ban hành trở nên càng đau đáu hơn. Đây sẽ không chỉ là nguồn lực hỗ trợ mà còn là đòn bẩy, tạo xung lực quan trọng để hồi sinh, phát triển nhiều công trình, giá trị văn hóa, lấp những khoảng trống bấy lâu.

Mong chờ những nguồn lực

Có mặt tại di tích lịch sử quốc gia Nhà lưu niệm cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ (giai đoạn 1938-1939) ở TP Huế, chúng tôi không khỏi xót xa bởi nhiều hạng mục công trình di tích đã xuống cấp nghiêm trọng. Những mảng tường nứt toác, thấm dột, rêu mốc phủ đầy; mái ngói bị sụt, cấu kiện gỗ hư hại và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Ngay chính giữa ngôi nhà là không gian trưng bày ảnh và các tư liệu liên quan đến những tiền bối của Xứ ủy Trung Kỳ từng tham gia hoạt động tại đây. Bên trên không gian trưng bày, nhiều mảng tường bị nứt và thấm dột đang lan rộng. Khó khăn về kinh phí khiến cho di tích gần như phải đóng cửa, chỉ mở vào các dịp lễ, tết hoặc khi có đoàn khách đăng ký tham quan.

 Eo hẹp kinh phí, di tích “kêu cứu”! - ảnh 2
Nhiều mảng tường bị nứt, mái ngói sụt tại di tích Cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ

Giữa không gian tấp nập phố xá, di tích quốc gia Nhà lưu niệm cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ ở số 95c Gia Long, nay là số 141 Phan Đăng Lưu nằm lọt thỏm và ít ai chú ý. Ông Hồ Đăng Nuôi (76 tuổi) đã có hơn 40 năm sống cạnh di tích, trầm tư, khu phố có nhiều người đi, nhiều người đến, nhưng ít ai biết về di tích lưu niệm Xứ ủy Trung Kỳ, nơi những vị như Lê Duẩn, Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Bùi San… đã từng hoạt động cách mạng. “Di tích đã xuống cấp lắm rồi mà lâu nay không thấy tu bổ, sửa chữa, mở cửa đón khách…”, ông nói. Di tích quốc gia cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ được giao cho Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý. Một thời gian dài, di tích chưa được trùng tu, tôn tạo tổng thể, lần gần nhất là tu sửa nhỏ vào năm 2011. Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đức Lộc cho biết, từ nay đến năm 2025 có khoảng 25-30 di tích được ưu tiên trùng tu. Con số được trùng tu, tu bổ so với nhu cầu là rất ít. Trong đó, các di tích do bảo tàng quản lý có trong danh mục nhưng chưa được quan tâm đầu tư thời gian qua như các di tích quốc gia lưu niệm Cơ quan xứ ủy Trung Kỳ, Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, di tích Thành Lồi... Những di tích này hiện xuống cấp khá nghiêm trọng, cần được quan tâm sớm. Trong điều kiện của tỉnh còn khó khăn như hiện nay, phía Bảo tàng rất mong muốn nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình như Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, từ đó để sớm trùng tu, tu bổ và phát huy giá trị các di tích đang trong diện… nguy cơ.

Cũng theo ông Lộc, nhiều di tích cấp tỉnh mà Bảo tàng quản lý cũng đang xuống cấp, không đảm bảo an toàn để phục vụ khách tham quan. “Nếu có được nguồn kinh phí và thực hiện tốt công tác trùng tu thì các di tích đang có nguy cơ như thế này sẽ phát huy tốt giá trị, phục vụ du khách, nhân dân và các nhà nghiên cứu”.

 Eo hẹp kinh phí, di tích “kêu cứu”! - ảnh 3
Nhà trưng bày cũng đang bị xuống cấp nhiều hạng mục

“Vá víu” vì thiếu vốn trùng tu

Di tích Km số 0 ở thị trấn Lạt (Tân Kỳ, Nghệ An) là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, được tỉnh Nghệ An chọn làm điểm du lịch. Nơi đây, vào cuối năm 1972 đã diễn ra sự kiện xây dựng tuyến vận tải Đông

 Do điều kiện kinh tế khó khăn nên hằng năm UBND huyện chỉ có thể trích một phần kinh phí để tu bổ, sửa chữa những hạng mục nhỏ, bên cạnh đó đôn đốc đơn vị chức năng bảo quản, vận hành di tích, vệ sinh môi trường, chăm sóc khuôn viên di tích…

Còn việc tu bổ, nâng cấp để di tích xứng tầm cấp quốc gia đặc biệt là vượt quá khả năng. Đây là di tích quốc gia đặc biệt, rất mong các Bộ, ngành quan tâm xem xét hỗ trợ cải tạo, nâng cấp để di tích tương xứng với vai trò, giá trị vốn có, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân và du khách muôn phương.

(Ông HOÀNG XUÂN HẠNH, Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao huyện Tân Kỳ)

 Trường Sơn từ Tân Kỳ đi Lộc Ninh (Bình Phước) dài 1.900 km. Tuyến vận tải trên Đường mòn Hồ Chí Minh góp phần đẩy nhanh việc vận chuyển khí tài, nhu yếu phẩm cũng như con người, đẩy nhanh tiến trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mang giá trị đặc biệt, thế nhưng di tích trên cung đường huyền thoại này lại đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Bước vào tiền sảnh, đập vào mắt chúng tôi là những mảng tường bị bong tróc, nứt toác. Phần trần nhà vữa bong tróc rơi thành từng mảng, nguy cơ sụp đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tượng đài mô phỏng Km số 0 xuất hiện những vết nứt ở chân đế; mảnh đá ốp lát đế đã bị sụt lún. Hệ thống hàng rào bao quanh hư hỏng, hoen rỉ. Khuôn viên phía sau nhà quản lý và gian trưng bày cỏ mọc um tùm...

Xót xa trước thực trạng của di tích, bà Phạm Thu Hằng, cán bộ quản lý khu di tích Km số 0 cho biết: “Di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, nhưng hiện tại vẫn chưa có ban quản lý riêng. Khu di tích vẫn là đơn vị cấp hai của Trung tâm văn hóa huyện Tân Kỳ. Dù UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định công nhận nơi này là điểm du lịch nhưng vẫn chưa được bố trí kinh phí xây dựng các hạng mục kèm theo như bến đỗ xe, nhà chờ, gian hàng lưu niệm…”. Hằng năm, địa chỉ đỏ này đón rất nhiều khách tham quan, học sinh, sinh viên tìm đến để giáo dục truyền thống cách mạng, các quân nhân, cựu chiến binh tìm về chiến trường xưa… “Thế nhưng, đơn vị quản lý chỉ có 3 người, lại không được bố trí kinh phí duy tu, tôn tạo nên các cán bộ khu di tích thường phải tự tay dọn cỏ, sơn lại những chỗ bị bong tróc, hư hại”, bà Hằng cho biết. Trước thực trạng di tích quốc gia đặc biệt xuống cấp nghiêm trọng, địa phương trình cấp có thẩm quyền để có phương án hỗ trợ kinh phí tu sửa. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa bố trí được ngân sách để tu sửa di tích. “Tu bổ Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Km0 - đường Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương”, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.

 Eo hẹp kinh phí, di tích “kêu cứu”! - ảnh 4
Cổng vào, tường bao quanh, hệ thống sân vườn của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Km0 tại thị trấn Lạt đã xuống cấp nghiêm trọng vàchỉ mới được sửa chữa tạm thời

Trên địa bàn Nghệ An hiện có hơn 2.600 di tích, danh thắng, với 429 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, gần 300 di tích cấp tỉnh và trên 2.000 di tích chưa được xếp hạng. Trưởng BQL di tích Nghệ An, bà Trần Thị Kim Phượng chia sẻ, với bản sắc riêng, tiềm năng rất lớn nhưng tại nhiều nơi, các di sản văn hóa - lịch sử trên địa bàn tỉnh đang ngày một xuống cấp, thậm chí, nhiều di tích, di sản bị lãng quên. Mặc dù vậy, mỗi năm ngành chỉ được cấp vài, ba tỉ đồng để sửa chữa di tích xuống cấp. So với nhu cầu thì số kinh phí này chỉ như “muối bỏ bể”, chỉ đủ để sửa chữa, vá víu. Vì vậy, BQL di tích phải ưu tiên kinh phí để “cứu” các di tích cấp thiết nhất. Mỗi di tích chỉ được bố trí vài trăm triệu đồng, trong khi nhu cầu để phục vụ trùng tu lại lớn hơn rất nhiều. “Có những di tích khi hạ giải để sửa chữa mới phát hiện nhiều cấu kiện gỗ đã bị mối mọt đục rỗng, phải thay, kinh phí lại đội lên. Chúng tôi thậm chí phải năn nỉ nhà thầu bổ sung và… cho nợ”, bà Phượng giãi bày.

Sở hữu nhiều di tích, di sản văn hóa là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ, song cũng đồng nghĩa với việc cần nhiều nguồn lực để bảo vệ, tôn tạo. Ông Bùi Công Vinh, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An chia sẻ, một số dự án trùng tu đã được phê duyệt nhưng do không bố trí được nguồn vốn nên phải dừng lại. Hầu hết các di tích đều xuống cấp và cần phải được trùng tu, tu bổ cấp thiết. Mỗi năm, UBND tỉnh Nghệ An cấp khoảng 13 tỉ đồng để tu sửa cấp thiết, tu bổ tôn tạo các di tích bị hư hỏng. Số tiền này không thể đáp ứng được nhu cầu. Phó Giám đốc Sở VHTT Nghệ An kiến nghị, đối với các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, Trung ương cần quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo.

“Nước mắt” từ những di tích ngàn năm như vậy ở các địa phương không hiếm. Hơn bao giờ hết, những khoảng trống thực tế cho thấy các địa phương đang rất trông chờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ những “đòn bẩy” thiết thực, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Trong tâm niệm của những cán bộ văn hóa cơ sở lâu năm, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa qua nhiều giai đoạn luôn mang tới động lực thiết thực cho sự phát triển, với giá trị không thể đong đếm. Đặc biệt, ở các vùng miền xa xôi, khó khăn, nơi đời sống văn hóa còn có những khoảng trống lớn thì ý nghĩa của Chương trình càng được nhân lên gấp nhiều lần. 

(Còn tiếp)