Rất cần Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá để hoàn thiện các thiết chế cơ bản ở địa phương
VHO - Phát biểu trong phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội vào sáng 23.5, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) nhấn mạnh, Bộ VHTTDL luôn bám sát quan điểm xây dựng Luật không chỉ để quản lý nhà nước và còn kiến tạo cho sự phát triển.
Đây là phiên thảo luận về các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.
Nhiều cách làm hay, sáng tạo đã phát huy hiệu quả
Đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá khá toàn diện về lĩnh vực VHTTDL trong năm 2023 và đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2024.
Bộ trưởng nhắc lại, nếu nhìn lại xa hơn, từ sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vào năm 2021 và tiếp đó là nhiều Hội thảo về Văn hoá được tổ chức đã có căn cứ khoa học, lý luận và thực tiễn để toàn ngành chuyển từ tư duy từ làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá.
Từ đó ngành cũng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và trực tiếp là Cấp uỷ Đảng của các chính quyền địa phương. Vì vậy chúng ta không chỉ triển khai được những Nghị quyết của Đảng mà còn tập trung nghiên cứu, sáng tạo thêm nhiều cách làm mới để phát triển lĩnh vực VHTTDL.
Điều đó thể hiện rõ nhất là cho tới thời điểm này 63 tỉnh, thành đều có nghị quyết chuyên đề, có kế hoạch riêng để triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc; nhiều địa phương cũng đã xác định được rõ hơn vai trò, vị trí của văn hoá và đã dựa vào đặc trưng riêng của mình để xây dựng Nghị quyết, kế hoạch phù hợp.
Lấy ví dụ cụ thể như tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” hay như Hải Phòng cũng đã ban hành kế hoach triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030, Bộ trưởng cho rằng điều đó đã làm rõ hơn nội hàm của văn hoá và phẩm chất tốt đẹp của con người ở từng vùng đất, đặt con người ở vị trí trung tâm trong vai trò chủ thể, là nguồn lực cho sự phát triển của kinh tế, xã hội.
Đưa ra những con số đầy thuyết phục của Viện nghiên cứu dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo trung ương khi điều tra xã hội học thì có tới trên 97% số người được hỏi cho biết đã có chuyển biến tốt trong nhận thức lãnh đạo lĩnh vực VHTTDL; 96% số người được hỏi đánh giá lĩnh vực văn hoá có nhiều chuyển biến tốt, Bộ trưởng cho rằng những con số đó cùng với các sự kiện văn hoá cấp địa phương, cấp vùng, cấp quốc gia tiêu biểu được tổ chức trên khắp địa bàn cả nước, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân, phát huy sức mạnh mềm của văn hoá, lòng tự hào dân tộc... cho thấy chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trung ương Đảng về phát triển lĩnh vực văn hoá.
Ở lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng vui mừng thông báo nhờ việc đã biết gắn kết hơn giữa du lịch và văn hoá, xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh văn hoá, lượng khách quốc tế đã không ngừng tăng. Tính đến tháng 4 năm nay, chúng ta đã đón 6,2 triệu lượt khách quốc tế. Điều đó cho thấy hiệu quả của việc Quốc hội sửa Luật Xuất, nhập cảnh, sửa đổi các quy định về thị thực, visa, tạo môi trường thông thoáng, kích cầu cho du lịch phát triển.
Riêng về du lịch nội địa, luôn cán mốc, vượt chỉ tiêu đã đặt ra. Có được những kết quả đó không phải chỉ riêng sự nỗ lực của Bộ VHTTDL mà là của các bộ, ngành, địa phương và sự chung tay, chung sức của toàn xã hội để du lịch phát triển đúng hướng.
Với lĩnh vực thể thao - lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm của người hâm mộ, Bộ trưởng nhấn mạnh, thể thao Việt Nam đã và đang phát triển vững chắc dựa trên 2 trụ cột là thể thao quần chúng và thể thao đỉnh cao. Từ việc xác định phát triển thể thao từ thể thao quần chúng để phát hiện tài năng, bồi đắp cho thể thao thành tích cao và sau đó từ thể thao thành tích cao sẽ kích thích cho thể thao quần chúng phát triển.
Bộ trưởng cũng vui mừng thông báo, về thể thao quần chúng, phong trào tập luyện thể thao ngày càng phát triển rộng khắp, hoàn thành tốt được chỉ tiêu Chính phủ giao về tỉ lệ người thường xuyên tập luyện thể thao. Thể thao thành tích cao của Việt Nam cũng đã tham dự và đạt nhiều kết quả tại các đấu trường lớn trong đó đã đạt chỉ tiêu tối thiểu tại đấu trường châu Á và đang hướng tới đấu trường Olympic.
Đây là đấu trường lớn mà không phải cứ muốn là sẽ tham dự được. Do đó các VĐV đã và đang nỗ lực thi đấu để vượt qua các giải đấu tích điểm hoặc giải đấu lấy chuẩn từ các giải đấu cấp khu vực như SEA Games đến các giải đấu vòng loại châu Á. Bộ trưởng cũng thông tin thể thao Việt Nam đặt mục tiêu có được từ 12-15 suất dự Olympic và đã xác định được rõ các môn thể thao, các VĐV trọng điểm để thực hiện chỉ tiêu này. Bộ trưởng mong muốn các VĐV hãy tích cực tập luyện để khi ra với đấu trường lớn có thể khẳng định được vị trí của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhu cầu của các địa phương về Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá là rất lớn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngành cũng đang đứng trước những khó khăn cần được tháo gỡ. Hiện ngành đã tham mưu Chính phủ và trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035, bắt đầu từ kỳ họp này.
Bộ trưởng mong muốn khi Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản, biến các di sản của thiên nhiên trao tặng và của ông cha ta gây dựng trở thành tài sản đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Với tinh thần của Quốc hội, xây dựng luật không phải để quản lý mà là để kiến tạo cho sự phát triển, Bộ trưởng hy vọng sau khi Luật di sản văn hoá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo động lực cho lĩnh vực này phát triển.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, chấp hành Kết luận của BCH Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ giao, Bộ VHTTDL đã khẩn trương soạn thảo trình Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Bộ VHTTDL đã bám sát các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công trong quá trình xây dựng Chương trình.
Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát, 9 nhóm mục tiêu cụ thể trong đó xác định các nhóm vấn đề ưu tiên như phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới...
Riêng về lĩnh vực quảng bá văn hóa, con người Việt Nam tại nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, khi Chương trình được thông qua, chúng ta có thể xây dựng những trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có đông đảo kiều bào Việt Nam đang sinh sống, nơi chúng ta có mối quan hệ văn hóa gắn kết và tương đồng.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ VHTTDL đã có 3 cuộc làm việc rà soát lại các thiết chế văn hoá tại 63 tỉnh, thành. Từ đó thấy rằng nhu cầu là rất lớn, nhất là với các tỉnh khó khăn về ngân sách, rất cần Chương trình này để hoàn thiện các thiết chế cơ bản ở cấp tỉnh, cấp huyện... Bộ trưởng cho hay trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá, Bộ VHTTDL đóng vai trò là cơ quan điều phối còn lại tinh thần là phân cấp.
Nếu Chương trình được Quốc hội thông qua, sẽ triển khai thực hiện từ năm 2025-2035 trong đó năm 2025 tập trung thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình... để đến năm 2026 khi được phê duyệt kinh phí sẽ triển khai ngay, tránh độ trễ như các Chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, ngành sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành để văn hoá được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.