Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035:

Góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển văn hóa

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Phát biểu kết luận phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 14.5, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là rất quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về văn hóa trong các Nghị quyết của Đảng cũng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển văn hóa - ảnh 1

 Toàn cảnh phiên họp

 Phiên họp do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Công an, Ủy ban Dân tộc, KH&ĐT, Tài chính, LĐ,TB&XH, Tư pháp, TT&TT, GD&ĐT...

Quan tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Phát biểu góp ý cho việc hoàn thiện dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao việc Chính phủ đã trình hồ sơ tài liệu, thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, khoa học. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho thấy sự cấp thiết phải xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thống nhất với tên gọi của Chương trình, ông Định nhất trí với đề xuất của Chính phủ về thời gian thực hiện của Chương trình, trong đó năm 2025 là năm để chuẩn bị, tập trung thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụvà các nội dung quản lý khác. Về nội dung thành lập Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định đồng ý với đề xuất này vì việc thành lập các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là phù hợp trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Ông cũng nêu quan điểm chưa nên đặt vấn đề về việc tích hợp dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình này trong giai đoạn 2026-2030 mà phải thiết kế lại, đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng về thời gian trình Quốc hội không nhất thiết cứ phải xem xét, thông qua Chương trình tại 2 kỳ họp. Nếu thấy thật sự cấp thiết và đạt được sự đồng thuận cao tại một kỳ họp thì có thể thông qua ngay để triển khai thực hiện sớm. Ông cũng đặc biệt lưu ý ban soạn thảo, trong số 10 nội dung thành phần, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải được chú trọng, đặt đúng vai trò, vị trí, xứng với một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, đang là xu thế của thời đại hiện nay.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đồng tình và thống nhất với nội dung Tờ trình của Chính phủ. “Tôi đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị tương đối công phu dù thời gian không nhiều”, ông Cường nói và nhất trí với báo cáo thẩm tra đồng thời cho rằng Chương trình cần được ban hành để thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, tương xứng với kinh tế, góp phần xây dựng phát triển con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 Đu tư phát trin văn hóa chưa tương xng vi phát trin kinh tế

Góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển văn hóa - ảnh 2 

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, chấp hành Kết luận của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ giao, Bộ VHTTDL khẩn trương soạn thảo trình Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Bộ đã bám sát các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công trong quá trình xây dựng Chương trình. Bộ đã tập trung khảo sát, đánh giá lại các Chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có lĩnh vực văn hóa, làm việc với các Bộ, ngành, tổ chức các hội thảo khoa học cấp vùng để góp ý, hoàn thiện dự thảo Chương trình. Sau đó, Bộ đã trình Hội đồng thẩm định quốc gia về dự thảo Chương trình.

Trên cơ sở quyết định của Hội đồng thẩm định cấp quốc gia, Bộ đã hoàn thiện để trình Chính phủ thông qua dự thảo Chương trình tại Nghị quyết số 50. Ngày 17.4, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đã có thẩm tra về Chương trình. Về sự cần thiết xây dựng Chương trình, Bộ trưởng cho biết, Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa đã xác định Văn hóa là một trong ba mặt trận, cùng với Kinh tế, Chính trị. Trong những năm qua, dù đã được quan tâm, nhưng việc đầu tư phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế, nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng khẳng định rất rõ nội dung này.

“Nhằm cụ thể hóa định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”, phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”, việc đầu tư xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng”, Bộ trưởng cho biết.

Đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để Chương trình được hoàn thiện một cách tốt nhất trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

 Việc đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

Việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

(Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội NGUYỄN ĐẮC VINH)

Đánh giá và cho biết, việc ban hành Chương trình trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là Chương trình quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về văn hóa trong các Nghị quyết của Đảng cũng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Việc thực hiện Chương trình cũng khẳng định được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước bền vững; xây dựng văn hóa thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, dự thảo Chương trình đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 và đề nghị bổ sung vào Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình này. Ông cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Chương trình một cách tốt nhất. Trong đó tiếp thu ý kiến về việc thể hiện rõ hơn nội dung về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực này. Chương trình cũng cần xác định rõ hơn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đâu là điểm nhấn, không nên dàn trải...