Về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035:
Địa phương nào cũng mong muốn có Chương trình
VHO - Phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa Giáo dục (VHGD) lần thứ 7 diễn ra cuối tuần qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua các ý kiến cho thấy, địa phương nào cũng mong muốn có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Trình Quốc hội xem xét, thông qua tại 2 kỳ họp tới
Từ năm 2022, BCH Trung ương đã ban hành kết luận yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết về vấn đề này. Qua các ý kiến cho thấy, địa phương nào cũng mong muốn có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, nhưng trước mắt năm 2024 cần xác định làm gì để tạo tiền đề cho Chương trình trong giai đoạn 2025-2035.
“Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến, đây là Chương trình có dự kiến tổng mức đầu tư lớn, diễn ra trong thời gian dài, phạm vi tác động lớn, nhận được sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, chu đáo nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại hai kỳ họp Quốc hội”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết. Ông cũng đề nghị Ủy ban VHGD của Quốc hội, Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành hữu quan, thực hiện nhiệm vụ thẩm tra theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm kỹ lưỡng, chặt chẽ, theo nguyên tắc: Chương trình khi được thông qua phải bảo đảm dễ thực hiện, dễ quản lý, đạt hiệu quả cao. Chương trình phải bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Tập trung làm rõ về mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư, địa điểm, thời gian, tiến độ, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.
Việc huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phải có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng và trúng đối tượng cần đầu tư, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực, gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu và cấp ủy, chính quyền các cấp. Ông Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu thường trực Ủy ban VHGD tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng các ý kiến phát biểu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 33 trong tháng 5.
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết. Trong đó có các nội dung về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả.
Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực văn hóa; Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới …
Chương trình được thực hiện sẽ “đánh thức” các giá trị tốt đẹp
Phát biểu tại phiên họp, hầu hết các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết phải xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng tình với báo cáo thẩm tra về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, đại biểu Hoàng Trung Dũng (đoàn Hà Tĩnh) nhấn mạnh: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa xây dựng ở thời điểm này là cần thiết, có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn. Việc đầu tư vào Chương trình nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”. Đại biểu Hoàng Trung Dũng cũng nêu một thực tế là lâu nay việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa đạt yêu cầu. Vì thế muốn văn hóa phát triển thì ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần khuyến khích các nguồn lực từ xã hội hóa và cũng không nên tích hợp các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa vào các chương trình khác vì mỗi chương trình có một mục tiêu, đối tượng riêng.
Ông cũng đề nghị Trung ương đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa, nhất là các di sản đã được UNESCO vinh danh hay các di tích cấp quốc gia đặc biệt. Hiện kinh phí tại các địa phương để bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa còn hạn chế, trong khi đó Trung ương gần như chưa hỗ trợ được nguồn lực nên một số di sản mà cụ thể như ở Hà Tĩnh sẽ khó chống chọi với thời gian. Đại biểu tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu ví dụ, nếu như không có kinh phí thỏa đáng để gìn giữ, phát huy giá trị của di sản thì những kiệt tác như Truyện Kiều rồi cũng dần mai một. Bày tỏ đồng tình với một nội dung trong dự thảo Chương trình là sẽ xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở một số nước, đại biểu Hoàng Trung Dũng cho rằng, việc xây dựng các trung tâm này là nhằm khẳng định vị thế đất nước, giáo dục truyền thống cho kiều bào, quảng bá các thành tựu phát triển của đất nước, con người Việt Nam nên cần có các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.
Để việc thực hiện chương trình được hiệu quả, đại biểu đề nghị cần quan tâm đến việc phân cấp, phân quyền, tạo tính chủ động của cấp cơ sở. Rút kinh nghiệm từ các Chương trình mục tiêu quốc gia khác chủ yếu chú trọng vào đời sống vật chất mà ít quan tâm đến đời sống tinh thần cùng các hệ giá trị Việt, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời đại mới, đại biểu mong muốn sau khi Chương trình được thực hiện sẽ “đánh thức” các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam đồng thời bảo vệ được các di sản, danh lam, thắng cảnh đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng tán thành với sự cần thiết phải đầu tư xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, nhất là trong bối cảnh, có lúc, có nơi văn hóa không được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa ra đời trong hoàn cảnh hiện nay là hợp lý, bà Nga lưu ý đến những nội dung, nhiệm vụ còn trùng lắp giữa Chương trình này và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia khác đang triển khai. Đại biểu cũng đề nghị Chương trình phải xác định được khâu nào là trọng yếu, cần phải tập trung, tránh dàn trải, ôm đồm, không hiệu quả…