Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa - Cơ sở pháp lý và một số khuyến nghị

VHO- Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội yêu cầu Chính phủ trong năm 2024, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 – 2035. Về nội dung này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội có bài viết: “Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: Cơ sở pháp lý và một số khuyến nghị”. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu.

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa  - Cơ sở pháp lý và một số khuyến nghị - Anh 1

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa. Ngay từ trước khi giành được độc lập, tự do cho dân tộc, Đảng ta đã ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam như một cương lĩnh chính trị về văn hóa để khẳng định sức mạnh của giá trị văn hóa trong phát triển đất nước. Ở Việt Nam, phát triển văn hóa luôn giữ một vị trí quan trọng trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ trương của Đảng gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã trở thành tư tưởng chủ đạo cho nhiều chương trình, kế hoạch phát triển. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự tham gia của nhân dân là những nhân tố quyết định tạo ra những chuyển biến của sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người những năm qua.

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa  - Cơ sở pháp lý và một số khuyến nghị - Anh 2

Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 được coi là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, có vai trò định hướng cho nhận thức và phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ của toàn Đảng, toàn dân, là ngọn đèn soi rọi cho nền văn hóa Việt Nam hiện đại. 

Từ những nhận thức quan trọng và hành động đúng đắn, văn hóa Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù bằng sức mạnh nội sinh của dân tộc – VĂN HÓA.

Đứng trước bối cảnh mới, những bài học kinh nghiệm quý giá từ lịch sử càng thôi thúc chúng ta có thêm quyết tâm phát triển văn hóa, ở đó, văn hóa không chỉ đại diện cho giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, tạo ra sự tự tin và bản lĩnh văn hóa để hội nhập quốc tế, mà còn mang trong mình sức mạnh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chưa bao giờ văn hóa nhận được sự quan tâm như hiện nay

Chúng ta đang ở trong một thời điểm hết sức quan trọng trong phát triển văn hóa, ở đó đan xen cả những thuận lợi và khó khăn, thời cơ cũng như thách thức. Ở điểm thuận lợi và thời cơ, có thể nói, chưa bao giờ văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay, đặc biệt từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan Đảng, Nhà nước, ở cả trung ương và địa phương, thể hiện ở các hội thảo như Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam do Ban Tuyên giáo chủ trì tổ chức, Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa do Quốc hội chủ trì tổ chức, hay gần đây là chuỗi các sự kiện kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, cũng như các hội nghị văn hóa toàn tỉnh của Bắc Ninh, Hà Tĩnh,... nghị quyết riêng cho văn hóa, công nghiệp văn hóa của Bắc Ninh hay Hà Nội,... với những đề án, kế hoạch, nguồn lực ưu tiên dành cho văn hóa là những tín hiệu tích cực cho phát triển văn hóa.

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa  - Cơ sở pháp lý và một số khuyến nghị - Anh 3

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 của Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua đã 15 lần đề cập đến từ “văn hóa”. Mỗi kỳ họp, nghị trường Quốc hội lại sôi nổi, “nóng” hơn từ những trăn trở, tranh luận của đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của Quốc hội, Chính phủ đối với lĩnh vực văn hóa.

Không chỉ là những chuyển biến từ phía Nhà nước, các thành phần xã hội cũng thể hiện sự năng động, nhiệt huyết đối với lĩnh vực văn hóa. Các tuần lễ sáng tạo ở Hà Nội và một số thành phố lớn, sự hình thành của Nhà hát Đó ở Nha Trang, những bộ phim ăn khách của khối tư nhân như Nhà bà Nữ, Chị chị, em em 2, Lật mặt: Tấm vé định mệnh... những ca khúc Việt Nam mang hơi thở mới chinh phục không chỉ khán giả trong nước mà cả khán giả quốc tế, và rất nhiều các ví dụ khác cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã bắt nhịp cho sự sôi động của thị trường văn hóa, để văn hóa đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển đất nước. Giờ đây, nhiều người bắt đầu nói về một công cuộc phục hưng, Đổi mới cho lĩnh vực văn hóa.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chúng ta cũng thấy những biểu hiện khó khăn, thách thức và vô cùng phức tạp đối với sự phát triển văn hóa. Chúng ta không chỉ đối mặt với những vấn đề thách thức an ninh phi truyền thống, mà còn cả thách thức văn hóa phi truyền thống; không chỉ những vấn đề của xã hội số, kinh tế số, công dân số mà còn cả những vấn đề của văn hóa số.

Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã để lại một số hệ lụy về văn hóa khi những lợi ích vật chất, ích kỷ cá nhân đã len lỏi vào mọi tế bào của xã hội, trong đó có văn hóa. Sự trục lợi đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng, làm méo mó cả những hoạt động mang đậm chất tinh thần như văn hóa. Trục lợi tâm linh là một ví dụ như vậy!

Bên cạnh đó, do thị trường giải trí cạnh tranh khốc liệt, khiến những chiêu trò để xây dựng tên tuổi, lôi kéo sự quan tâm của công chúng cũng để lại những hậu quả tai hại bởi những câu nói bốc đồng, hành vi lệch chuẩn, chia sẻ thiếu tôn trọng... đã làm vẩn đục môi trường văn hóa của xã hội. Quá trình hội nhập quốc tế giúp chúng ta tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa thế giới, nhưng cũng có cả những hiện tượng không phù hợp với văn hóa dân tộc. Nhiều thứ lấp lánh, hào nhoáng bên ngoài đã cuốn hút được sự quan tâm của giới trẻ nhưng lại khiến họ lãng quên văn hóa dân tộc.

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa  - Cơ sở pháp lý và một số khuyến nghị - Anh 4

Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là mạng xã hội, đã tạo ra không gian mới, thách thức mới cho quá trình quản lý văn hóa khi nhiều người thể hiện cái tôi thái quá, vi phạm những nguyên tắc đạo đức cộng đồng... Tốc độ xã hội trở nên quá nhanh khiến con người mất tập trung vào những mục tiêu dài hạn, chỉ chú tâm vào những điều trước mắt, ngắn hạn. Tất cả trở thành những nguyên nhân cho rất nhiều những biểu hiện tiêu cực, lai căng, lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc trong thời gian vừa qua.

Tôi cho rằng, để khắc phục tất cả những vấn đề trên, việc xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là cần thiết và quan trọng để định hình và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, một trong những giải pháp trọng yếu mà Chính phủ đề ra cho phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn tới chính là: Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị. Tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam (Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa). 

Đặc biệt, để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh giải pháp đó là: “Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Khẩn trương trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.”

Tôi cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sẽ giúp chúng ta có được một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, mang tính định hướng, khơi nguồn cho các đầu tư xã hội cho văn hóa.

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa  - Cơ sở pháp lý và một số khuyến nghị - Anh 5

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sẽ giúp chúng ta có được một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, mang tính định hướng, khơi nguồn cho các đầu tư xã hội cho văn hóa. (ảnh minh họa)

Điều đáng mừng là, chúng ta đã có cơ sở pháp lý để xây dựng Chương trình này khi  Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào ngày 16/6/2022, trong đó, một trong các giải pháp chủ yếu là “Xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng dân cư vững mạnh, tham gia quản lý xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”, “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao cho nông dân và cư dân nông thôn” “Triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII  cũng nhấn mạnh: “Thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó, nội dung nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cũng là một trong nhóm giải pháp được chú trọng.

Đối với Quốc hội, cơ quan thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia, để cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 10/11/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2023. Theo đó, Nghị quyết giao Chính phủ chủ trì nhiệm vụ: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Triển khai Chương trình quốc gia phát triển văn hóa gia đoạn 2022-2030; Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa”.

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa  - Cơ sở pháp lý và một số khuyến nghị - Anh 6

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn

Với sự đồng thuận rất cao, ngay tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Trong đó, yêu cầu Chính phủ: “Quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam. Trong năm 2024, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035…”.

Trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhắc lại yêu cầu này: “Yêu cầu Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam”.

Một số khuyến nghị

Dù vậy, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, về văn hóa nói riêng không phải là một công việc dễ dàng.

Thứ nhất, việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cần bám sát vào quan điểm và chủ trương của Đảng và Nhà nước.  Từ Nghị quyết 33-NQ/TW đến Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Đảng và Nhà nước đã đề ra những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cụ thể để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sẽ là công cụ hỗ trợ cho việc triển khai hiệu quả các mục tiêu này, đồng thời đảm bảo sự nhất quán và liên kết giữa các chương trình, dự án văn hóa trên toàn quốc.

Thứ hai, dù mang tính bao quát để tạo ra tính tổng thể cho sự phát triển văn hóa nhưng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa vẫn cần nhấn mạnh vào một số điểm nhấn, mang tính đột phá như tập trung vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Việt Nam là một quốc gia  có nền văn hóa đa dạng và phong phú, với 54 dân tộc anh em, chung sống với nhau qua hàng ngàn năm lịch sử. Tuy nhiên, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang đối mặt với nguy cơ mai một và  biến mất.

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa  - Cơ sở pháp lý và một số khuyến nghị - Anh 7

Chương trình mục tiêu quốc gia cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị này thông qua việc khôi phục, tôn vinh và truyền bá các di sản văn hóa truyền thống, để từ đó không chỉ giúp chúng ta hiểu biết và tự hào về truyền thống lịch sử, mà còn giúp chúng ta hành trang kiến thức và sự tự tin văn hóa để chúng ta bước đi vững chắc vào tương lai mà không sợ bị hòa tan trong dòng chảy toàn cầu hóa.

Thứ ba, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Văn hóa không chỉ là một lĩnh vực di sản truyền thống, nghệ thuật giải trí mà còn là một nguồn tài nguyên kinh tế  quan trọng tạo ra sức mạnh tổng hợp quốc gia. Bằng việc tạo điều kiện và đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, âm nhạc,  thời trang, phần mềm và các trò chơi điện tử, du lịch văn hóa,... chúng ta có thể tận dụng và phát triển tiềm năng của văn hóa để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cần tạo ra các không gian sáng tạo và định vị văn hóa quốc gia. Để phát triển văn hóa, chúng ta cần tạo ra môi trường thuận lợi để các cá nhân và tập thể có thể sáng tạo và phát triển ý tưởng mới. Đồng thời, chương trình cũng cần giúp định vị văn hóa quốc gia trên trường quốc tế, xây dựng hình ảnh văn hóa độc đáo của Việt Nam và tăng cường sự tự tin và bản lĩnh cho văn hóa và con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa  - Cơ sở pháp lý và một số khuyến nghị - Anh 8

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, khi sự phát triển kinh tế - xã hội đang ngày càng đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo, bền vững, vì lợi ích của Nhân dân, việc xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trở thành một yêu cầu cấp thiết. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là mục tiêu và động lực cho sự phát triển toàn diện của đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa không chỉ đơn thuần là một kế hoạch chi tiết, mà còn là một phương tiện để thể hiện quyết tâm và sự cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc  bảo tồn và phát triển văn hóa. Điều này đảm bảo rằng chương trình sẽ được thực hiện với sự nhất quán và liên kết với các chính sách và quyết sách khác trên toàn quốc, đem lại sự tự tin, bản lĩnh và sự phát triển toàn diện cho văn hóa và con người Việt Nam, góp phần vào khẳng định uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, để văn hóa trở thành yếu tố hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội,

ĐBQH thành phố Hà Nội

Ý kiến bạn đọc