Độc đáo Lễ hội Bà Chiêm Sơn vùng ven sông Thu Bồn
VHO - Lễ hội Bà Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cộng đồng cư dân nơi đây tổ chức vào mồng 10 đến 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm với các nghi thức truyền thống được bảo tồn, gìn giữ qua hàng trăm năm.
Lễ hội Bà Chiêm Sơn nhằm tưởng nhớ, tri ân Bà Chiêm Sơn/Bô Bô Thái Dương phu nhân đã có công phò trợ, che chở, hộ quốc an dân cho cộng đồng cư dân làng Chiêm Sơn nói riêng và khu vực ven sông Thu Bồn của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nói chung.

Nguyên nghĩa, tín ngưỡng thờ Bà Chiêm Sơn là biểu hiện đặc thù, riêng có của cư dân Việt nơi đây, trong nét tương đồng của tín ngưỡng thờ nữ thần trong quá trình đi về phương Nam.
Quá trình chung sống và khai phá trên vùng đất mới vốn là thành quả được chuyển giao, tiếp nhận dần dần bởi triều đình quân chủ Đại Việt, chính thức từ sau cuộc hôn nhân lịch sử năm Bính Ngọ (1306) của Huyền Trân công chúa nhà Trần.

Làng Chiêm Sơn nằm ở vị trí đầu nguồn, hữu ngạn sông Sài Thị, chỗ hợp lưu giữa hai nguồn Vu Gia và Thu Bồn.
Nhờ vị trí thuận lợi trong giao thương buôn bán và phát triển nông nghiệp nên vùng đất này đã có sự hiện diện khá sớm của người Việt trên bước đường đi về phương Nam, ở vùng đất phía Nam của châu Ô, kể từ sau cuộc hôn nhân lịch sử của Huyền Trân Công chúa thời nhà Trần năm Bính Ngọ (1306).

Từ những năm 1553 - 1555, Chiêm Sơn là một làng cổ trong 66 làng xã của huyện Điện Bàn. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, rồi cuối thế kỷ XIX thì số lượng làng xã đã có sự mở mang lên nhiều.
Theo đó, Chiêm Sơn là một trong 30 xã thôn của tổng Mậu Hoà Trung, huyện Duy Xuyên, là một làng xã có lịch sử phát triển lâu đời, có nhiều cổ tích đặc biệt quan trọng gắn liền mối quan hệ giao lưu tiếp biến văn hóa Champa - Đại Việt (Bà Chiêm Sơn), thời Nguyễn với lăng Vĩnh Diễn (Hiếu Văn hoàng hậu của Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên, mẹ Thượng vương), lăng Vĩnh Diên (Đoàn Huệ phi, vợ Thượng vương Nguyễn Phúc Lan, mẹ của Hiền vương Nguyễn Phúc Tần)...

Dinh thờ và lễ hội Dinh Bà ngày càng được cộng đồng cư dân quan tâm, tôn tạo và duy trì thực hành nghi lễ ngày càng đầy đủ và quy mô, trang trọng.

Trước khi tổ chức lễ hội Bà Chiêm Sơn, các vị bô lão và dân làng tiến hành cuộc họp bầu Chánh Tế và Ban hành lễ (Ban lễ tự) theo quy định của làng.
Vị Chánh tế được lựa chọn theo truyền thống của làng phải là người lớn tuổi, khỏe mạnh, minh mẫn, tài đức vẹn toàn, được dân làng tin yêu và kính trọng, gia đình có đủ con trai, con gái, sống hòa thuận, vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn thuận lợi.

Ban hành lễ do dân làng bầu ra gồm có 17 người, phần lớn là những người già có uy tín trong làng.
Ngoài ban hành lễ còn có phường bát âm và các trai làng phụ việc. Bên cạnh đó, trong Lễ hội Bà Chiêm Sơn còn có 9 thiếu nữ từ 15-17 tuổi, phụ trách việc dâng lễ.


Những năm trở lại đây, trong nhiều trường hợp, bà con làng Chiêm Sơn đã nghiêm túc thực hiện Pháp lệnh của Nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm bằng cách thay thế phần vật phẩm cúng từ con chồn quay bằng chồn thương phẩm, thêm con heo quay.
Những lễ vật này, ngoài giá trị phản ánh nguồn lâm thổ sản địa phương, còn mang ý nghĩa biểu tượng gắn với tính thiêng trong tín ngưỡng totem và vạn vật hữu linh.

Vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, sau thời gian chay tịnh, kiêng cữ và chuẩn bị đầy đủ nước thơm nấu từ các loại hoa, lá, vị Chánh tế và ban hành lễ sẽ tiến hành làm lễ mộc dục, hay còn gọi là lễ tắm tượng Bà, lau chùi bàn thờ, đồ tự khí trong nội điện,...

Các nghi lễ thực hiện được cử hành vào lúc nửa đêm, thời điểm chuyển giao giữa ngày 11 và rạng ngày 12 tháng Giêng âm lịch, được coi là giờ thiêng của thần.
Tất cả diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng. Trong buổi tế lễ này, những người không tinh khiết, người say rượu, người bị bệnh tâm thần không được vào dinh.

Kết thúc phần lễ tế là phần giáo tuồng - hát bội dâng Bà. Đây là trích đoạn Tuồng hay nhất do phường hát bội trình dâng Bà, dù rất khuya nhưng vẫn được nhân dân trong làng chờ đón, nhất là những cụ ông, cụ bà vì họ tin rằng có thể biết nhiều điều trong năm, qua cốt truyện và nhân vật của vở tuồng.

Lễ rước kiệu Bà là nghi lễ tái hiện lại nghi thức năm xưa làng Chiêm Sơn rước sắc phong, khi vua Duy Tân ban tặng sắc cho Bà là Nhàn Uyển Dực Bảo Trung Hưng chi thần.
Theo lệ cũ, sau khi rước sắc thì dân làng làm lễ tuyên sắc để tưởng nhớ đến công đức của bà trước khi tế thần. Tiếp theo sau lễ rước kiệu Bà là lễ đại tế.

Bên cạnh đó, phần hội cũng được tổ chức với nhiều hình thức phong phú và đa dạng như các trò chơi kéo co, đẩy gậy, đua thuyền, ăn xôi tháng mười, hát bài chòi, hát bộ, thả hoa đăng và các chương trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc, sôi động khác.

Lễ hội Bà Chiêm Sơn có vai trò lịch sử và văn hoá rất quan trọng bởi đó là môi trường, không gian bảo tồn văn hóa của nhiều thời kỳ lịch sử trong quá khứ, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp cho thế hệ sau hiểu rõ hơn về truyền thống của quê hương, đất nước.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn gửi Bộ VHTTDL đề nghị đưa “Lễ hội Bà Chiêm Sơn ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.