Quảng Nam:
Kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên
VHO - Ngày 20.8, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên (1604 - 2024). Cùng với đó là nhiều hoạt động có ý nghĩa, là dịp để mỗi người con tìm về cội nguồn, tôn vinh và lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng vẻ vang của đất và người nơi đây.
Tham dự lễ có nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Thượng tướng Lê Chiêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam,...
Năm 1306, khi vua Chiêm Chế Mân giao 2 châu là châu Ô và châu Lý cho Đại Việt đã mở đầu cho những luồng di dân Việt đến vùng đất Quảng Nam. Theo dòng mở cõi về phương Nam, các di dân người Việt cộng cư cùng với người Chăm để khai lập, tổ chức các làng xã trên vùng đất mới.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nhấn mạnh: Duy Xuyên nổi tiếng với truyền thống hiếu học và khoa bảng với 2 tiến sĩ, 5 phó bảng, 54 cử nhân ở các triều đại lịch sử. Nơi đây đã và đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú với 1 di sản văn hóa thế giới - Mỹ Sơn, 5 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 48 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh… Đây thực sự là một bộ phận quan trọng trong di sản văn hóa dân tộc, là tài sản vô giá mà các thế hệ người Duy Xuyên trao truyền cho đời sau.
Trên hành trình khai lập của xứ Quảng, vùng đất Duy Xuyên đã tạo lập được các giá trị lịch sử, văn hóa với sự giao thoa tiếp biến của nền văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa - Đại Việt, đóng góp lớn vào tiến trình của lịch sử Quảng Nam và dân tộc, trở thành vùng đất giàu giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng cách mạng.
Đây cũng là quê hương của nhiều bậc chí sĩ yêu nước, trí thức, văn nhân nổi tiếng như Lê Thiện Trị, Hồ Trung Lượng, Võ Hành, Lê Quang Sung, Nguyễn Thành Hãn, Hồ Nghinh, Hồ Thấu, Hồ Liên, Trương Chí Cương, Bùi Giáng...
Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như khu đền tháp Mỹ Sơn, kinh thành Trà Kiệu, khu lăng mộ các bà hoàng Chúa Nguyễn, nghệ thuật hát tuồng, sắc bùa, bả trạo, dân ca bài chòi và nhiều lễ hội dân gian truyền thống như lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội Bà Chúa Tàm Tang, lễ hội cầu ngư, lễ hội Bà Chiêm Sơn... được bảo tồn và lưu giữ đến ngày nay.
Từ một huyện nghèo, thuần nông, kinh tế sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đến nay Duy Xuyên có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - du lịch tăng dần và hướng đến mục tiêu kinh tế du lịch là ngành mũi nhọn.
Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Duy Xuyên mỗi năm đạt gần 4.300 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 10,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn 2,06% và không còn hộ ở nhà tạm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng, thời gian đến Duy Xuyên cần chú trọng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp. Khai phóng tiềm năng du lịch, đặc biệt là các điểm đến xanh, sản phẩm xanh để trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu.
Trong đó, lấy Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hoiana làm trung tâm thu hút đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ tại vùng tây và vùng đông, tạo sức lan tỏa rộng khắp, kết hợp khai thác du lịch làng nghề truyền thống, tâm linh tại các vùng trên địa bàn huyện.
Chú trọng nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Trước đó, tối 19.8, UBND huyện Duy Xuyên tổ chức chương trình nghệ thuật “Tự hào một dải gấm hoa” chào mừng kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên (1604 - 2024).
Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Chương 1 “Cội nguồn”; Chương 2 “Đất và người Duy Xuyên”; Chương 3 “Duy Xuyên ngày mới”; tái hiện lại chặng đường hàng trăm năm lịch sử kể từ ngày tên gọi “Duy Xuyên” được xác lập vào năm Giáp Thìn (1604) bởi chúa Tiên Nguyễn Hoàng, mang đậm dấu ấn lịch sử và tính nhân văn của một miền quê xứ Quảng.