Tháo gỡ điểm nghẽn để văn hóa vươn mình trong kỷ nguyên mới (Bài 1):

“Điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”

THU SÂM - BÙI HOÀI SƠN

VHO - Phát biểu chỉ đạo tại phiên Khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21.10.2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.

“Điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” - ảnh 1
Phát biểu chỉ đạo trong phiên Khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn” (Ảnh: QUỐC HỘI)

Trong lĩnh vực Văn hóa, bên cạnh những thành tựu đạt được cũng đã xuất hiện nhiều điểm nghẽn; đòi hỏi sựchung sức, đồng lòng với nỗ lực lớn, quyết tâm cao trong việc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, để văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, sẵn sàng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đã đạt được, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ một trong các nguyên nhân chính của những hạn chế, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa là việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả.

Cố Tổng Bí thư yêu cầu phải sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người; phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.

 Chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay Tổng Bí thư Tô Lâm đều chỉ rõ thực tế bức bối hiện nay: “Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”! Ở lĩnh vực Văn hóa, bên cạnh những thành tựu, trong thời gian qua, việc các cơ chế, chính sách pháp luật chưa theo kịp cuộc sống đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy. Hàng loạt thiết chế văn hóa đang “oằn mình”, xuống cấp hoặc không phát huy được hiệu quả vì vướng quy định quản lý sử dụng tài sản công, hoặc không có các chính sách ưu đãi về thuế nhằm thu hút sự đóng góp của xã hội.

“Điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” - ảnh 2

Dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân…, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tuy nhiên, văn hóa vẫn chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế.

Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao…

(Chủ tịch Quốc hội TRẦN THANH MẪN)

“Oằn mình” vì quy định quản lý tài sản công

Là mô hình đặc biệt được xây dựng với ý nghĩa nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc anh em, đồng thời phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những năm qua, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên những vướng mắc về cơ chế, chính sách đã khiến cho đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc phát huy được hết tiềm năng.

Quyết định số 39/2014/QĐ- TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nêu rõ: Có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phù hợp với điều kiện phát triển thực tế trong từng thời kỳ. Thế nhưng, khi sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư công và nhiều luật khác có liên quan, thì những cơ chế, chính sách ưu đãi cho những mô hình đặc biệt như Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam lại bị… bỏ quên; hay như Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cũng không có danh mục dành cho các công trình văn hóa, nên “cái khó bó cái khôn”!

Trong quy hoạch chung, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có 2 khu vực, trong đó khu vực đầu tư công là tái hiện không gian, cảnh quan sống của 54 dân tộc Việt Nam và cơ sở hạ tầng phục vụ công tác vận hành tổ chức các hoạt động. Mặc dù chưa đầu tư xong, nhưng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã đi vào vận hành hoạt động cục bộ, mỗi năm đón được khoảng trên 500.000 lượt khách, bước đầu phát huy hiệu quả. Đó là con số đáng ghi nhận cho những nỗ lực, cố gắng.

Thế nhưng, nếu khu vực này không vướng quy định về quản lý, sử dụng tài sản công thì chắc chắn sẽ tập trung được nguồn lực để hoàn thiện theo quy hoạch, phục vụ cho du khách tốt hơn. Ở khu vực được xác định thu hút đầu tư, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có thể đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu để hấp dẫn các nhà đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách; hoàn thiện tổng thể theo quy hoạch với nhiều loại hình hoạt động đa dạng, quy mô lớn. Nhưng cái vướng lại chính là cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án văn hóa, du lịch. Vì thế, mong muốn lớn nhất của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là những “điểm nghẽn” sớm được tháo gỡ để phát triển như kỳ vọng.

Trên thực tế, điểm nghẽn về thể chế không phải là câu chuyện riêng của đơn vị này. NSND Xuân Bắc, khi còn là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, từng chia sẻ: “Nhà hát có chủ trương liên doanh, liên kết trong khai thác mặt bằng, tuy nhiên, vì áp giá thuê quá cao nên khó thu hút nhà đầu tư”.

Hay như Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, từng được xem là niềm tự hào của thể thao Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, và đây cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng, thế nhưng sau hơn 20 năm đưa vào sử dụng, những vướng mắc, bất cập trong quy định về quản lý, sử dụng tài sản công đã khiến nơi này trở thành “điểm nóng”, ngồi trên “mỏ vàng” mà không thể khai thác được dẫn đến tình trạng nhiều hạng mục xuống cấp, thậm chí có thời điểm còn không đủ kinh phí để duy trì đội ngũ dọn vệ sinh. Từ niềm tự hào, Mỹ Đình giờ đây trởnên cũ kỹ, xuống cấp.

Nhìn sang láng giềng Campuchia, hệ thống khu phức hợp thể thao của nước bạn hiện đại, trong đó có Sân vận động Morodok Techcho với 60.000 chỗ ngồi, mặt cỏ tự nhiên rất đẹp. Trên thực tế, những sân vận động nổi tiếng thế giới như: Stade de France (Pháp), Wembley (Anh), Allianz Arena (Đức)... đều tiến hành hàng loạt các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan, và việc này đã mang lại nguồn thu lớn để phục vụ cho đội bóng và duy tu bảo dưỡng.

“Điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” - ảnh 3
Dù Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam rất nỗ lực trong việc tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn du khách, nhưng lại thiếu hệ thống lưu trú đảm bảo điều kiện do vướng mắc về cơ chế, chính sách (Ảnh: Đồng bào dân tộc Tày tái hiện Tết cổ truyền tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam)

Thể chế văn hóa còn chậm đổi mới

Vướng mắc về cơ chế, chính sách đã khiến Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình chưa thu hút được đầu tư, khai thác chưa hiệu quả, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Nếu nơi đây được mởrộng đầu tư theo phương thức đối tác công tư(PPP); điều chỉnh, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đặc thù phù hợp, nhằm huy động, bố trí nguồn lực tài chính để phát triển, thì chắc chắn sẽ được vận hành một cách hiệu quả…

Bên cạnh đó, nếu có cơ chế quản lý, tự chủ; cho phép đổi mới phương thức tổchức, quản lý và nâng cấp chất lượng hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao phù hợp với tình hình thực tế, thì chắc chắn Khu Liên hợp thể thao quốc gia và các thiết chế văn hóa, thể thao ở Trung ương, các tỉnh, thành phố sẽ khắc phục được tình trạng bất cập như hiện nay. Từ đó sẽ có cơ sở kêu gọi nhà đầu tư cho các dự án, công trình đã được phê duyệt; đồng thời, việc quản trị vận hành và khai thác dịch vụ công sẽ hiệu quả, có được những công trình thể thao hiện đại, nâng lên tầm cao mới, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước...

Từ những ví dụ trên, có thể thấy rằng, các cơ chế, chính sách nhằm phát triển hệ thống thiết chế văn hóa vẫn chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Từ đó dẫn đến hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu, hoạt động kém hiệu quả, lãng phí.

Hay trong lĩnh vực Di sản văn hóa, sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009, đến nay đã lỗi thời, không phù hợp và theo kịp thực tiễn. Phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội về Dự thảo Luật, đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện bày tỏ: Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng hơn 40.000 di tích vật thể, 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và 9 di sản tư liệu. Đây vừa là niềm tự hào của dân tộc, vừa là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Dù đã được Nhà nước quan tâm đầu tư, nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo còn rất thấp so với yêu cầu thực tế, trong khi các di tích, di sản đang xuống cấp theo thời gian cần được bảo tồn, tôn tạo. Nêu ví dụ đau xót từ sự xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sụp đổ nếu không có giải pháp bảo vệ kịp thời của Phật viện Đồng Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), Thượng tọa Thích Đức Thiện mong muốn Dự án Luật Di sản (sửa đổi) đang trình Quốc hội tại kỳ họp này sớm được thông qua và đi vào thực tế, nhất là bổ sung quy định về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, nhằm tháo gỡ vướng mắc, kêu gọi được sự đóng góp của xã hội để các di sản ngàn năm của cha ông được trường tồn theo thời gian.

(Còn tiếp)