Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội:
Khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa
VHO - Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình 06-CTr/TU (Chương trình 06) của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025, TP Hà Nội đã đạt được những kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Có thể nói, Chương trình 06 đã góp phần giúp TP có thêm nguồn lực để tập trung vào nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Thủ đô trong thời kỳ mới.
Nhiều kết quả tích cực
Nhấn mạnh về nguồn lực phát triển văn hóa, biến văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri ngày 14.10.2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ: “Quốc gia nào cũng có thủ đô. Nhưng Hà Nội là một Thủ đô thật đặc biệt. Hà Nội vô cùng giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử, cả xưa và nay…”.
Để phát huy vốn văn hóa sẵn có theo đánh giá của Tổng Bí thư, cùng những chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Chương trình 06, việc thực hiện chương trình liên tục được các cấp, các ngành dồn lực triển khai; tạo tác động tích cực đến đời sống người dân, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng. Theo bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, đáng mừng là hiện nay có 14/18 chỉ tiêu của chương trình đã hoàn thành và đang tập trung nâng cao chất lượng. Đối với những chỉ tiêu còn lại, TP đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để “về đích”, nhất là với những chỉ tiêu khó.
Trong xây dựng môi trường văn hóa, bà Trần Thị Vân Anh nêu rõ, đây là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm. Cụ thể trong thời gian qua, TP đã chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí về lĩnh vực VHTTDL trong xây dựng nông thôn mới các cấp đến năm 2025. Nâng cao chất lượng công tác quản lý và tổ chức lễ hội truyền thống theo các tiêu chí do Bộ VHTTDL ban hành. Nhiều quận, huyện đã tập trung nâng quy mô lễ hội từ xã, phường, thị trấn lên cấp quận, huyện; đầu tư xây dựng các chương trình nghệ thuật dựa trên tích sử lễ hội để trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa (CNVH), thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế; phục vụ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương.
TP đã tập trung tuyên truyền, nâng cao vai trò của mỗi công dân Thủ đô, gia đình, thôn, làng, tổ dân phố, phường, xã trong việc xây dựng môi trường văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh, sống nhân ái, nghĩa tình. Đồng thời, triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021...
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Trần Thị Vân Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, việc phát triển CNVH, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa sau đầu tư còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Việc đầu tư nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển văn hóa, giáo dục, CNVH chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị cũng còn hạn chế, tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra ở nhiều nơi…
Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô là đô thị đứng đầu, chỉ có một. Hà Nội là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa của cả nước. Do đó, người Hà Nội phải làm sao phát huy được truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, xây dựng môi trường hòa bình ổn định là chức năng rất cơ bản của Thủ đô. Mỗi tỉnh, thành phố có một đặc thù riêng, nhưng Hà Nội chỉ có một, vẻ đẹp không nơi nào có được. Hà Nội cần xây dựng văn hóa, giữ gìn cho được các di sản văn hóa bởi đây là “nguồn sống, động lực, trách nhiệm của các thế hệ đi sau.
(Trích phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 của Hà Nội ngày 1.7.2023)
Tập trung xây dựng môi trường văn hóa, lối sống văn minh
Có thể nói, tồn tại nêu trên cũ có, mới có nhưng đều đặt ra cho văn hóa Hà Nội những nhiệm vụ mới trong phát triển. Đặc biệt, để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc Chương trình 06, Hà Nội cần triển khai nhiều hoạt động có tầm chiến lược, đồng bộ và có tính khả thi cao.
Cụ thể trong xây dựng môi trường văn hóa, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, phải bắt đầu từ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học; từ các hoạt động liên quan đến thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; chú trọng thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử đã được ban hành… Đặc biệt, phải nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây dựng môi trường văn hóa; có kế hoạch khen thưởng kịp thời nhằm động viên những cá nhân, điển hình tiên tiến trong xây dựng môi trường văn hóa. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang xây dựng các tiêu chí về gia đình văn hóa, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn tiêu biểu. Do đó, các đơn vị cần có sự rà soát, đánh giá để có được bộ tiêu chí phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô.
Về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bà Trần Thị Vân Anh cho hay, phải tập trung vào các từ khóa “hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh”; chú trọng đến đối tượng học sinh, xây dựng trường học hạnh phúc, thân thiện, nói không với bạo lực. Đối với xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội lưu ý, cần thực hiện nghiêm túc từ những việc làm nhỏ nhất như dạy học sinh văn hóa chào hỏi, cho đến giáo dục lối sống văn minh, ý thức chấp hành pháp luật…
Bà Trần Thị Vân Anh cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc nghiên cứu, sớm đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong các trường để góp phần giáo dục cho thế hệ học sinh Thủ đô niềm tự hào và trân trọng những giá trị truyền thống; khơi dậy khát vọng cống hiến; nâng tầm văn hóa, phát triển con người Hà Nội.
Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa gia đình, nhà trường và xã hội; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức và kỹ năng ứng xử văn minh. Hà Nội cũng cần tiếp tục phát huy hiệu quả việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”.
Để tạo hiệu ứng lan tỏa, theo nhiều chuyên gia, các địa phương của Hà Nội cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về trách nhiệm của mỗi công dân trong phát triển văn hóa Thủ đô, thực hiện nếp sống văn minh; đưa yếu tố văn hóa vào tuyên truyền một cách sáng tạo. Trong đó, cần làm rõ các thành tố của hệ giá trị gia đình, đặc trưng của người Hà Nội thanh lịch, văn minh để người dân hiểu và làm theo. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác biểu dương gia đình văn hóa; cùng với người dân đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi phản văn hóa, đi ngược với thuần phong mỹ tục...