Nỗ lực phát triển văn hóa trong Báo cáo của Thủ tướng

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

VHO - Báo cáo của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 21.10 vừa qua đã thể hiện rõ bức tranh kinh tế, xã hội của Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới đầy biến động.

Năm 2024, thế giới đối mặt với nhiều thách thức lớn như xung đột vũ trang, biến động kinh tế, thiên tai, và những căng thẳng địa chính trị. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế, thương mại và các lĩnh vực khác ở cấp độ toàn cầu. Việt Nam, trong bối cảnh đó đã phải ứng phó linh hoạt và quyết liệt trước các biến động bên ngoài, đồng thời giải quyết những vấn đề nội tại tồn tại trong nhiều năm qua

 Đáng chú ý, trong lĩnh vực văn hóa, Báo cáo của Thủ tướng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Chính phủ đã triển khai thành công các chính sách phát triển văn hóa như chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, quy hoạch mạng lưới văn hóa và thể thao, du lịch, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi),... góp phần tạo điều kiện phát triển văn hóa không chỉ trong giai đoạn hiện tại mà cả trong tương lai. Việc nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị; việc xếp hạng, tu bổ, phục hồi di tích, di sản đạt nhiều kết quả, và tổ chức thành công các ngày lễ lớn như 70 năm chiến thắng Điện Biên, 70 năm giải phóng Thủ đô,... là minh chứng cho những nỗ lực duy trì và phát huy bản sắc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa. Điều này cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong cả nhận thức và hành động về tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Phương châm hành động “Kỷ cương, trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” đã được thực hiện một cách nhất quán. Việc nhấn mạnh “đã nói là làm” và cam kết thực hiện có hiệu quả không chỉ thể hiện quyết tâm của Chính phủ mà còn tạo ra niềm tin và sự đồng lòng trong toàn xã hội. Phương châm này không chỉ định hình trong quản lý kinh tế mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ sang lĩnh vực văn hóa. Chính phủ đã thực hiện các chính sách văn hóa theo cách thức chủ động và có trách nhiệm, với quyết tâm đưa văn hóa trở thành nền tảng của phát triển xã hội và kinh tế. Phương châm “đã nói là làm” đặc biệt thể hiện qua việc nhanh chóng triển khai các chính sách và kế hoạch cụ thể để xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và di sản.

Trong công nghiệp văn hóa, việc nhấn mạnh vào tính “sáng tạo” và “hiệu quả bền vững” đã tạo động lực cho các ngành như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, và nghệ thuật đương đại ở các địa phương, nhất là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,... phát triển nhanh chóng. Các dự án, chương trình nghệ thuật và sáng tạo nội dung không chỉ được đầu tư kỹ lưỡng mà còn khuyến khích sự đột phá trong cách tiếp cận và triển khai, góp phần thúc đẩy năng lực sáng tạo của người Việt Nam, đồng thời xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra thế giới, xây dựng thương hiệu quốc gia về văn hóa. Ở cấp độ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phương châm “chủ động kịp thời” được thể hiện qua việc xử lý và bảo vệ những di sản có nguy cơ bị mai một.

Việc triển khai các dự án phục dựng và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã giúp gìn giữ bản sắc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, góp phần giữ vững giá trị truyền thống và tăng cường sức mạnh văn hóa mềm của Việt Nam. Phương châm này cũng giúp nâng cao nhận thức xã hội về văn hóa, khi những giá trị văn hóa được coi trọng và trở thành nền tảng tinh thần cho sự phát triển. Nhờ sự quyết tâm và tính hiệu quả trong các chiến lược văn hóa, sự đồng lòng của xã hội đã ngày càng được củng cố, giúp văn hóa không chỉ là yếu tố nền tảng mà còn là động lực để phát triển bền vững.

Dù đạt được nhiều kết quả thành công nhưng chúng ta cũng thấy nhiều thách thức, khó khăn trong phát triển văn hóa hiện nay cũng như giai đoạn sắp tới. Để tiếp tục phát triển và đảm bảo sự ổn định lâu dài đóng góp của văn hóa đối với sự thịnh vượng của đất nước, việc duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng, Chính phủ, Quốc hội và sự đồng tình của nhân dân sẽ là chìa khóa quan trọng. Những nỗ lực này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển bền vững đất nước.