Di sản Quảng Nam cốt ở trong lịch sử cộng đồng
VHO - Sự kiện Mỳ Quảng vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang tạo hai luồng dư luận ngược nhau: một bên nghi hoặc những rối rắm định hình món mỳ vì sao lại vào danh mục; một bên khẳng định Mỳ Quảng cũng như những di sản văn hóa khác của mảnh đất này là đương nhiên không nghi ngờ.
Tuy nhiên, điều kỳ thú ở cả hai luồng tranh luận ấy, là sự chung nhập nhìn nhận chính mảnh đất, con người Quảng Nam bao đời qua đã hun đúc, nhào nặn nên những giá trị riêng khác về lịch sử đời sống nơi đây, và đó là nguyên cội để quê hương này đậm đầy dấu tình di sản.
Những không gian di sản
Chỉ mới đây, sự kiện khánh thành trùng tu di tích chùa Cầu Hội An đã gây một trường tranh cãi lớn ở dư luận, với những phân tích khen chê, bên nói trùng tu không chuẩn, bên ủng hộ vẫn bảo toàn hình ảnh công trình.
Đối mặt những lý luận ấy, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nhận xét: “Tranh cãi ở đây không có đúng sai, mà là sự quan tâm, bày tỏ yêu quý của dư luận với chùa Cầu Hội An, với không gian di sản nơi này”.
Theo ông, nếu không yêu, người ta đã không nóng đến vậy, khi thấy một diện mạo chùa Cầu tự nhiên sáng tươi… Mấu chốt vấn đề, công chúng đã và sẽ còn nhìn Hội An ở dáng dấp trăm năm trầm lắng, ở chung trong một không gian cộng đồng.
Khái niệm “không gian cộng đồng”, vốn được đưa ra, ở chứng nhận di sản văn hóa nhân loại mà tổ chức UNESCO “đóng mộc” với Hội An. Ông Võ Phùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn văn hóa Hội An nhìn nhận, khái niệm này “đóng khung” giá trị đô thị cổ có được.
Đó là chứng thực về lịch sử sinh hoạt đời sống, quá trình hội tụ mấy trăm năm của con người phố Hội, cộng đồng phố Hội, những thế hệ người dân Hội An sống nơi đây, từ từ hình thành nếp sinh hoạt, giao tiếp, kinh doanh và thờ cúng.
Giá trị không gian cộng đồng đó, là tổng hòa những công trình kiến trúc, vật phẩm tồn tại, song chúng không phải cá thể riêng lẻ, mà quây tụ lại, liên kết nhau, hiệp đồng với cuộc sống, con người Hội An, chứng thực cho lịch sử nơi đây, những thế hệ ở vùng đất này.
Tương tự như vậy, ông Lê Trí Công, một trong những người nghiên cứu về văn hóa Chăm tại Đà Nẵng – Quảng Nam bày tỏ, quần thể di tích thánh địa Mỹ Sơn không thể chỉ nhìn qua các đền tháp. Phải soi thấu cả một hành trình lịch sử mà con người nơi đây đã trải qua, những câu chuyện, hình ảnh, ký ức về các thế hệ người Chăm, người Việt hội tụ bên nhau, cùng sống với nhau.
Xương máu của họ, tinh thần của họ, tài hoa của họ, đã tạo nên một không gian linh thiêng cho vùng đất này, qua thời gian, qua mỗi trận thăng trầm, lại hiển hiện lên thành tinh thần và sức mạnh đầy giá trị, là di sản không gian lịch sử cộng đồng…
Trường tồn giá trị cuộc sống
Câu chuyện của Hội An, Mỹ Sơn và nhiều không gian di sản văn hóa đất Quảng như vậy, một lần nữa được khơi gợi, nhắc đến khi sự kiện Mỳ Quảng “lọt vào” danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Có những ý kiến cho rằng, sự pha trộn, biến tấu tưởng như tùy ý ở món ăn này của những người chế biến, không đem lại một chỉnh thể nhất quán, làm sao đạt tiêu chuẩn di sản.
Song, qua những tranh luận, người ta bật thấy một vấn đề, hóa ra, chính sự thay đổi khó liệu đoán ở công thức làm Mỳ Quảng, mới chính là thành quả tri thức dân gian, thành quả để tạo nên giá trị di sản đáng phải bảo tồn, tôn trọng.
Di sản văn hóa phi vật thể ở đây, không phải là tô Mỳ Quảng định dạng thế nào, mà là lịch sử bồi bổ làm nên hình hài tô mỳ ấy, những công thức chế biến tạo nên hương vị, màu sắc… ở tô mỳ ấy.
Những thành phần cơ bản của tô mỳ là lá bánh, rau sống và nước nhưn Mỳ Quảng, là ổn định phải có và phải giữ được cốt cách pha chế, xử lý trong đó.
Mỳ Quảng không “trói buộc” ở loại nguyên liệu cố hữu nào, thịt tôm cá trứng hay bất cứ thực phẩm pha chế nào cũng có thể là nhưn mỳ, song phải nấu ra sao và đảm bảo những thành phần pha chế thế nào để nêm nếm đúng vị, đúng chất gia vị, toát mùi hương như vậy, mới đúng là tô mỳ có tên gọi Mỳ Quảng.
Không những thế, việc bày biện ra một tô mỳ, rồi không gian, cách thức ăn của người dân xứ này, là một thành phần không thể bỏ qua về tri thức dân gian Mỳ Quảng.
Chỉ có những con người lao động Quảng Nam, qua từng thế hệ lịch sử, qua từng mảnh đất lớn lên mới có cách ăn uống, giao tiếp, thưởng thức món ăn dân dã này “đúng cách đúng điệu”.
Đơn giản như ăn Mỳ Quảng không thể thiếu rau sống, nhưng phải là loại nào, tươi xanh đến mức độ nào. Người bán mỳ nhất định không từ chối thực khách khi họ cần thêm rau, bởi “nguyên tắc” một tô mỳ có thể dùng cả rổ rau.
Họ cũng luôn để sẵn những trái ớt xanh, to cứng giòn tan, để người ăn thoải mái “cầm lên cắn cái cụp”. Người Quảng ăn Mỳ Quảng cũng với tác phong nhanh nhẹn, hô là “và”, động tác là “lùa” mỳ vào miệng, nhai thật nhanh và thật sảng khoái…
Tất cả những chi tiết, kiểu cách đó hợp lại, biến thành nếp văn hóa giao tiếp, lối ăn uống… của con người nơi đây và chuỗi dài hành trình lịch sử định vị nên những điều đó, chính là tri thức dân gian.
Sẽ không có cách nào thay thế được những giá trị đó, và cũng sẽ chỉ có không gian cuộc sống và con người xứ Quảng mới duy trì, thể hiện, bảo vệ nguyên vẹn không gian đó.
Càng rất thô mộc, càng dân dã và càng biến tấu đi, mới là tri thức dân gian trong tô Mỳ Quảng. Những tranh cãi đều xoay quanh chủ đề ấy, và nhất quán hội tụ lại, là ở chính không gian cuộc sống, lịch sử cộng đồng con người Quảng Nam.
“Quảng Nam hay cãi” chính nằm ở đó, và niềm yêu thương thiết tha để người Quảng bảo toàn những giá trị di sản văn hóa cộng đồng ấy, cũng nằm ở đó vậy!.