Về "diện mạo" mới sau trùng tu của di tích chùa Cầu:
“Không làm giả” vì sẽ dẫn đến làm sai lệch yếu tố gốc
VHO - Trước những tranh cãi nhiều chiều về “diện mạo” mới của di tích chùa Cầu sau trùng tu, đặc biệt là luồng ý kiến cho rằng “màu sơn quá mới”, “quá sáng” khiến di tích này trở nên “lạ lẫm”, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (Trung tâm), đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án này đã có những phản hồi chính thức.
Theo Trung tâm, việc tu bổ di tích chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần như một cuộc “giải phẫu, chữa bệnh” nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công tu bổ di tích. Việc thu thập, nghiên cứu thông tin, tư liệu; thám sát địa tầng, phân tích dấu vết kiến trúc qua các thời kỳ; tham vấn chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân đối với những vấn đề phát hiện mới, vướng mắc nảy sinh… luôn được chú trọng thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình thi công tu bổ.
Tôn trọng nguyên tắc “không làm giả”
Với quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa, có thể.
Từ từng thanh đá, khối xây viên gạch ngói; từ cấu kiện gỗ hệ khung, dầm, sàn, rui mái đến từng chi tiết con ke, ván vách; từ con giống, đoạn bờ mái đến từng chi tiết hoa văn gốm, đĩa cổ… đều được xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, nghiên cứu bóc tách các thành phần hư hỏng, cố gắng giữ lại tối đa những thành phần còn tốt, sử dụng kỹ thuật thi công truyền thống kết hợp các loại vật liệu, hóa chất hiện đại để gia cố, gia cường sự chắc chắn để tận dụng lắp dựng lại. Điều này phản ánh một cách cụ thể, chân xác qua những số liệu thống kê như có gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ. Theo ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm, một vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của những ai yêu mến di sản kiến trúc nói chung, di tích chùa Cầu nói riêng, đồng thời cũng là nỗi đắn đo, trăn trở của những người trực tiếp thực hiện dự án, đó là làm thế nào, sau lần đại trùng tu này, di tích vẫn giữ được nét cổ kính, vẻ đẹp nhuốm màu thời gian như chúng ta vẫn từng chiêm ngưỡng. Đây cũng là câu chuyện đang được dư luận quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều về màu sắc của chùa Cầu sau trùng tu, trong đó có luồng ý kiến cho rằng quá mới, quá sáng khiến chùa Cầu lạ lẫm, “khập khiễng” với không gian phố cổ xung quanh.
Phản hồi về vấn đề này, ông Ngọc cho biết, màu sắc hoàn thiện sau tu bổ của chùa Cầu được quyết định giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc trang trí, hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm; cấu kiện thay mới hoặc thành phần gia cố chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên không can thiệp về màu sắc. Riêng đối với phần tường và chi tiết trang trí trên mái cần phải được phục hồi, bởi hiện trạng gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu của chúng đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi phần lớn đã bị mục mủn, mất liên kết nên phải được thay thế hoặc gia cố chắp vá để tận dụng.
Chính vì vậy, việc phục hồi màu sắc cho tường và trang trí mái là cần thiết, bởi nếu giữ nguyên sắc thái của thành phần được giữ lại trong khi đã phải được gia cố chắp vá loang lổ cùng với những thành phần buộc phải thay mới cũng sẽ không đảm bảo thẩm mỹ, đặc biệt làm thiếu sự tôn nghiêm đối với một công trình tín ngưỡng như chùa Cầu, là chức năng quan trọng đã tồn tại hàng trăm năm, từ trước khi được xếp hạng di tích. “Cũng có ý kiến cho rằng, nên chọn tông màu, sắc thái sao cho gần nhất với hình ảnh trước khi tu bổ, hoặc làm cho chùa Cầu bớt “mới” đi. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với quan điểm, nguyên tắc “không làm giả” mà dự án đã đề ra, đặc biệt dẫn đến lo ngại sẽ làm sai lệch yếu tố gốc, gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến kết quả của việc nghiên cứu về sau”, ông Ngọc giải thích thêm. Thực tế màu sắc của hệ trang trí mái chùa Cầu được tu bổ, phục hồi dựa theo một số vị trí hiện tồn đang giữ màu sắc nguyên trạng, kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An như đề xuất của nhiều chuyên gia qua các lần tham vấn, tọa đàm. Việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần “mới”, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích.
Để rồi theo thời gian, chùa Cầu lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như đã từng trải qua trong lịch sử sau những lần trùng tu, hay trong mỗi dịp cúng tế, lễ hội, Tết đến xuân về hằng năm.
Thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc trùng tu
Được biết, tháng 7.1999, Hội nghị tư vấn trùng tu chùa Cầu đã được tổ chức với sự quan tâm của nhiều chuyên gia nghiên cứu và bảo tồn di sản kiến trúc trong nước. Trong hơn một thập niên tiếp theo, những nội dung liên quan đến việc tu bổ cứu nguy chùa Cầu liên tục được thảo luận, bàn bạc.
Tuy nhiên, xuất phát từ quan ngại sẽ làm chùa Cầu “mới đi và trẻ ra”, và cũng do chưa tìm được giải pháp phù hợp cho việc trùng tu một công trình mang tính biểu tượng, có giá trị đặc sắc như chùa Cầu… nên trong suốt thời gian dài, việc tu bổ chỉ dừng lại ở mức gia cố, chống đỡ để tránh nguy cơ sụp đổ di tích. Tháng 8.2016, hội thảo quốc tế về trùng tu chùa Cầu được tổ chức với quy mô lớn đã đi đến thống nhất quan điểm, cần thiết và cấp thiết phải được xây dựng dự án trùng tu tổng thể, căn cơ vì mục tiêu gìn giữ nguyên vẹn và lâu dài giá trị di tích chùa Cầu. Ngày 28.12.2022, chùa Cầu được khởi công tu bổ. Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, việc dư luận và nhiều người quan tâm có ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu chùa Cầu là việc rất bình thường. Qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến chùa Cầu, Hội An, nhất là hình ảnh cổ kính của chùa Cầu. “Chùa Cầu đã được trùng tu nhiều lần chứ không phải lần đầu tiên. Việc trùng tu lần này là cấp bách vì nếu không công trình có nguy cơ sụp đổ khi mùa mưa bão đến. Việc trùng tu lần này đã được UBND TP Hội An tiến hành rất kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý. Đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, tham vấn ý kiến cộng đồng, lãnh đạo Hội An qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu phía Nhật Bản và đã được UBND tỉnh, Bộ VHTTDL phê duyệt trên cơ sở thẩm định của các cơ quan chuyên môn”, ông Hồng cho biết.
Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cũng thông tin, theo báo cáo của Hội An và thực tế tại di tích chùa Cầu hiện nay sau khi trùng tu cho thấy, Hội An đã thực hiện đúng như thiết kế dự án đã được phê duyệt và đảm bảo các quy định pháp lý về trùng tu di tích.