Để các ngành công nghiệp văn hóa... “hái ra tiền”

PHƯƠNG ANH

VHO - Ngày 9.7 tại Hà Nội, Viện VHNT quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo tham vấn Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam.

Để các ngành công nghiệp văn hóa... “hái ra tiền” - ảnh 1

Hội thảo tham vấn Đề án Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam

Cần chủ động đầu tư các nguồn lực 

Nhận định tầm quan trọng của phát triển các ngành CNVH, các ý kiến tham vấn chung nhận định cho rằng cần có thêm những động lực thúc đẩy, những cơ chế chính sách hỗ trợ để CNVH thực sự trở thành những lĩnh vực “hái ra tiền”.

Các nguồn lực đầu tư cũng cần được chủ động nhằm mở rộng cơ hội cho phát triển các ngành CNVH. Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thời trang, du lịch văn hóa... đều đang rất cần những nguồn lực để thúc đẩy sự sáng tạo.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, đại diện các đơn vị tổ chức văn hóa nghệ thuật, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp văn hoá sáng tạo, không gian sáng tạo, văn nghệ sĩ, người thực hành văn hóa…

Để các ngành công nghiệp văn hóa... “hái ra tiền” - ảnh 2

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam), Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là chiến lược quốc gia đầu tiên của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Việc ban hành Chiến lược đã tạo chuyển biến tích cực đối với phát triển các ngành CNVH. Năm 2022, các ngành CNVH Việt Nam đóng góp ước đạt 4,04% đối với GDP, tạo 1 triệu việc làm cho xã hội.

Những chuyển biến trên cho thấy khả năng tác động, hiệu quả thực tiễn của Chiến lược trong quá trình hoàn thiện khung khổ chính sách, kiện toàn cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành liên quan cho tới việc triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể ở cả cấp trung ương và địa phương, cùng sự tích cực, chủ động tham gia của các văn nghệ sĩ, người thực hành văn hóa, doanh nhân, nhà nghiên cứu, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế... 

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết, trong vòng chục năm qua, các ngành CNVH và sáng tạo tại Việt Nam đã đạt được nhiều sự tăng trưởng, từ các lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, đến thiết kế, thủ công mỹ nghệ, trò chơi điện tử... 

Để các ngành công nghiệp văn hóa... “hái ra tiền” - ảnh 3

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL)

Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ra đời trong bối cảnh còn nhiều hạn chế, là nỗ lực cụ thể đầu tiên Chính phủ đối với vấn đề này. Việc ban hành Chiến lược đã tạo chuyển biến tích cực, đổi mới trên các lĩnh vực văn hóa. 

Qua thực tiễn 8 năm triển khai, các ngành CNVH Việt Nam đạt được những kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh đóng góp về kinh tế, nỗ lực của các nhân tố tham gia vào các ngành CNVH, sáng tạo đã mang lại nhiều sản phẩm, sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật có chất lượng quốc tế; phản ánh nội dung, tinh thần sáng tạo Việt Nam sâu sắc.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, sở hữu quỹ di sản đô thị đặc trưng cùng nhiều thiết chế văn hóa quan trọng, những năm qua nhiều nguồn lực cho phát triển CNVH đã được quận Hoàn Kiếm nỗ lực đầu tư. 

Để các ngành công nghiệp văn hóa... “hái ra tiền” - ảnh 4

“Thành quả thu được chính là sự phát triển trên địa bàn. Thống kê thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 của quận Hoàn Kiếm đạt mức cao nhất  từ trước tới nay. Tăng trưởng du lịch đã ổn định, phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Mỗi tuần trung bình có hơn 3 vạn khách du lịch trên địa bàn...”, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết.

Để CNVH... “đẻ trứng vàng”

Theo ông Trần Hoàng, hành trình phát triển các ngành CNVH thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế và trong những năm tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Bản chất năng động của các ngành CNVH và sáng tạo sẽ đòi hỏi phải có những đánh giá thường xuyên, điều chỉnh kịp thời và thích ứng liên tục với bối cảnh mới để tối đa hóa nguồn lực hiện có, nắm bắt xu hướng phát triển của tương lai trong lĩnh vực này.

 PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, trong những hạn chế khi triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH thời gian qua, đáng chú ý là nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển các ngành CNVH gắn với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước chưa rõ. Quan niệm văn hóa là ngành “tiêu tiền” cũng tạo rào cản nhận thức về đầu tư các nguồn lực cho phát triển các ngành CNVH.

Để các ngành công nghiệp văn hóa... “hái ra tiền” - ảnh 5

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa nêu một số khuyến nghị nhằm phát triển CNVH tại Việt Nam

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 xác định, cần tiếp tục xây dựng Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát huy mọi tiềm năng, cơ hội, giải quyết thách thức để phát triển các ngành CNVH có trọng tâm, trọng điểm; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị di sản văn hoá, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng.

Ông Nguyễn Bá Hải (Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và công thương, Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương) nhìn nhận tiềm năng từ lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, cho rằng, từ thế mạnh của các sản phẩm văn hóa truyền thống được sản xuất từ các làng nghề, cần tính toán phát triển các sản phẩm trên cơ sở giữ được hồn cốt văn hóa, xác định mỗi sản phẩm phải trở thành một “viên nam châm” để thu hút và phát triển du lịch.

Để các ngành công nghiệp văn hóa... “hái ra tiền” - ảnh 6
Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung

Đề cập thực tế các chính sách chưa đồng đều giữa các lực lượng sáng tạo trong và ngoài nhà nước, nhà sản xuất, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, đây là rào cản hạn chế sự đóng góp, cạnh tranh để thúc đẩy sáng tạo, phát triển CNVH từ lực lượng này. 

“Qua kinh nghiệm tổ chức một số sự kiện âm nhạc như Festival Gió mùa, tôi nhận thấy khoảng trống về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ nghệ sĩ hoạt động ngoài nhà nước. Cần xóa ranh giới trong và ngoài nhà nước để thúc đẩy nhiệt huyết sáng tạo nói chung của giới nghệ sĩ, vốn là lực lượng rất dồi dào…”, nhạc sĩ Quốc Trung đề nghị.

Để các ngành công nghiệp văn hóa... “hái ra tiền” - ảnh 7
Mai là bộ phim điện ảnh minh chứng sống động cho tiềm năng phát triển của CNĐA, với doanh thu trong nước trên 500 tỉ đồng

Chia sẻ kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới như Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc…, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa nêu một số khuyến nghị nhằm phát triển CNVH tại Việt Nam. 

Theo đó, cần thay đổi nhận thức và áp dụng khái niệm mới “các ngành CNVH và sáng tạo” tại Việt Nam. Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện đồng bộ thể chế, gắn kết chính sách CNVH sáng tạo trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển các ngành CNVH sáng tạo.

Bà Nguyễn Phương Hòa cũng nêu những khuyến nghị về đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển văn hóa số; đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế…

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc