Phát triển CNVH không phải nhiệm vụ của riêng Bộ, ngành nào...

VHO- Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) không phải nhiệm vụ của riêng Bộ, ngành nào mà cần huy động các cấp, các ngành, các địa phương cùng vào cuộc, huy động sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Phát triển CNVH không phải nhiệm vụ của riêng Bộ, ngành nào... - Anh 1

 Các đại biểu dự tại điểm cầu trụ sở Bộ VHTTDL Ảnh: TR HUẤN

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, lực hấp dẫn của văn hóa tạo ra hiệu ứng lớn. Đơn cử như phim Hàn Quốc đi tới đâu thì các sản phẩm của Hàn Quốc đi ra thế giới tới đó. Quảng cáo từ phim đã cộng hưởng để tạo ra nguồn kinh phí lớn, hiệu ứng tốt. Đó cũng là không gian phát triển cho các nhà làm văn hóa. “Chúng ta có thể nhìn văn hóa ở khía cạnh bán hàng. Gần đây, tỉnh Phú Yên đã sử dụng phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh để làm thương hiệu du lịch cho tỉnh và tương đối thành công. Đây chính là sức mạnh của văn hóa…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. Nhìn rộng ra, CNVH không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà sâu xa là quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương và các sản phẩm mang đậm bản sắc.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ những ý kiến về thuế do các đơn vị làm CNVH nêu lên. Ông đề nghị các đơn vị cùng tổng hợp để có kế hoạch thảo luận, sửa các quy định thuế liên quan đến CNVH, sau đó báo cáo Chính phủ để điều chỉnh. “Doanh nghiệp nên có danh sách, đề xuất các vấn đề cần thay đổi chính sách. Điều chỉnh để các ngành CNVH có điều kiện phát triển tốt nhất”, ông Chi cho biết.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, CNVH là lĩnh vực ít phải kêu gọi tinh thần dám nghĩ, dám làm mà bài toán ở chỗ chúng ta có dám cho làm không. Theo Thứ trưởng, cần có những công cụ đo, đếm thống nhất bằng cả phương pháp về kinh tế và công nghệ để quan sát đầy đủ lĩnh vực này. Hiện nay, bên cạnh lực lượng chính thống chúng ta quan sát và quản lý được thì có một lực lượng sáng tạo nội dung trên mạng cũng mang về doanh thu rất lớn. Bên cạnh đó, cần sớm có phương thức và mô hình phát triển. “Trong những quyết sách tới đây, Nhà nước cần thúc đẩy CNVH bằng biện pháp tham gia thị trường như là một khách hàng lớn của văn hóa, là khách hàng khó tính nhưng cũng là khách hàng sòng phẳng có đủ nguồn lực để trang trải”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề xuất.

Ông Lâm cũng nhức nhối nhắc tên một thực trạng gọi là “xâm lăng văn hóa” đang vào tận phòng ngủ của mỗi gia đình, hiện diện trên điều khiển tivi, xem YouTube, các kênh nước ngoài dễ hơn Truyền hình Việt Nam. Đây là bất cập cần lập lại trật tự và cân bằng trong phát triển CNVH. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất 2 nhóm giải pháp là huy động nguồn lực và đánh giá sự đóng góp của các ngành CNVH. Đồng tình với chia sẻ của đại diện doanh nghiệp về những doanh nghiệp văn hóa quy mô nhỏ, làm sao cạnh tranh được khi thuê địa điểm ở những trung tâm thương mại. “Nhà nước có những chính sách gì? Đây là quan hệ dân sự giữa người thuê và cho thuê, chúng ta không thể can thiệp vào được, nhưng những doanh nghiệp như vậy cũng được hưởng các chính sách ưu đãi. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để báo cáo và tham mưu cấp có thẩm quyền về vấn đề này…”, bà Ngọc chia sẻ.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD bày tỏ, CNVH vẫn là một thứ rất mới với Việt Nam. Trong điện ảnh, bà Hạnh nhấn mạnh, chính sách của Nhà nước rất quan trọng hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển. Người Việt Nam sẽ có cơ hội xem nhiều phim Việt Nam hơn khi CNVH phát triển. Tổng Giám đốc BHD bày tỏ, các chính sách để văn hóa phát triển phải coi trọng luật pháp và sản phẩm văn hóa. Sản phẩm văn hóa là tài sản trí tuệ nhưng bây giờ tài sản trí tuệ không thể mang ra vay vốn ngân hàng được, tài sản trí tuệ cũng không được bảo hộ. Liên quan đến vi phạm bản quyền, khi ăn trộm một cái xe máy thì bị đi tù nhưng ăn trộm một bộ phim 30-40 tỉ đồng lại chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Những bất cập này đã được đề cập rất nhiều lần nhưng cho đến nay vẫn là vấn đề nhức nhối, cản trở sự phát triển của công nghiệp điện ảnh.

Để xây dựng được CNVH thì phải xây dựng được cơ sở vật chất cho công nghiệp đó. Ví dụ như rạp chiếu phim, phim trường. Rạp chiếu phim cần được giảm giá hoặc những địa điểm hơi xa thì được miễn tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước cho doanh nghiệp làm văn hóa. Chẳng hạn, BHD thuê rạp chiếu phim ở các trung tâm thương mại thì phải cạnh tranh với các lĩnh vực khác, rất khó khăn. Một vé xem phim giá chỉ bằng cốc cà phê vì nó là văn hóa đại chúng, mọi người dân đều được tiếp cận, nếu giá thuê cao cạnh tranh với những hàng ăn, hàng xa xỉ thì không cạnh tranh được, trong khi các doanh nghiệp cho thuê không giảm giá. Nên giảm giá tiền thuê đất, tiền điện, nước... “Làm sao để khơi thông nguồn vốn ngân hàng, vốn vay cho văn hóa. Rất mong Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như lãi suất cho vay nông nghiệp. Làm sao để các bộ phim không có tài sản hữu hình mà có thể đi vay để sản xuất được”, bà Hạnh nhấn mạnh.

TS Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cũng cho rằng, nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật trong môi trường số ở Việt Nam hiện nay là một tất yếu để văn nghệ sĩ dấn thân vào lĩnh vực CNVH. Nhưng môi trường số có nhiều thuận lợi, cũng không ít thách thức, ví dụ như vấn đề bản quyền và sự phụ thuộc vào công nghệ. Ông Nô nhấn mạnh, sáng tạo tác phẩm là khâu đầu tiên, là chất liệu quan trọng trong phát triển các ngành CNVH liên quan đến văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, tác phẩm văn học nghệ thuật tốt, hấp dẫn chưa đủ để đóng góp vào CNVH. Văn nghệ sĩ không chỉ dồn tâm sức trí tuệ sáng tạo tác phẩm mà còn phải tìm hiểu thị trường, nhu cầu của công chúng, trực tiếp tham gia vào chuỗi CNVH. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group Nguyễn Thái Hoài Anh đề xuất, cần có cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư văn hóa. Về cơ chế xã hội hóa đầu tư, bà Hoài Anh đề nghị có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án công trình văn hóa như Nhà hát, Trung tâm Thể dục thể thao, Công viên văn hóa… theo hình thức đối tác công tư. Bên cạnh đó, cần có những chính sách ưu tiên về nguồn nhân lực. Để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đẳng cấp, chất lượng, đòi hỏi nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao, am hiểu văn hóa dân tộc, cũng như, cần có trình độ, kỹ thuật, ngoại ngữ…

Khẳng định tiềm năng của các không gian sáng tạo trong phát triển CNVH, bà Trương Uyên Ly (Không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine) cho rằng, thách thức lớn trong phát triển không gian sáng tạo và CNVH ở Việt Nam là thiếu sự liên kết, chưa đồng bộ, nhận thức về sức mạnh CNVH chưa đồng đều. Với tiềm lực của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành trung tâm công nghiệp sáng tạo của khu vực. Nhiều không gian sáng tạo đang hoạt động phi lợi nhuận, nhưng thuế đóng rất cao. Vì vậy, cần có chính sách giảm thuế, miễn thuế thu nhập trong vài năm đầu cho doanh nghiệp. 

 BẢO NGÂN - HÀ VY

Ý kiến bạn đọc