Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam: Những cánh én mùa Xuân

VHO - Bên cạnh sự phục hồi của thị trường phim, những sự kiện, hoạt động điện ảnh lần đầu tiên xuất hiện trong năm 2023 không chỉ tạo ra một không khí sôi nổi, xôm tụ mà quan trọng là mở ra sự liên kết, hợp tác giữa nhà sản xuất phim và các địa phương trong sự gắn kết với du lịch cùng các ngành văn hóa, dịch vụ liên quan. Đây có thể xem là những cánh én góp mặt trong một “mùa Xuân” của công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam.

Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam: Những cánh én mùa Xuân - Anh 1

Tạo sự đa dạng cho công nghiệp điện ảnh phát triển 

Trong mấy năm gần đây, xây dựng  và phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam được nhắc đến nhiều trong các cuộc hội nghị, hội thảo, tổng kết… Bước tiến mới trong tư duy quản lý khi điện ảnh được xem là ngành mũi nhọn trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, phê duyệt theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg  ngày 8.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ.  

Đáng mừng hơn, Luật Điện ảnh  số 05/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 15.6.2022, có hiệu lực từ 1.1.2023 đã đưa khái niệm “Công nghiệp điện ảnh” vào phần giải thích từ ngữ là phần rất quan trọng, đồng thời có một số quy định tạo hành lang pháp lý để đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp điện ảnh.

Năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện Luật Điện ảnh mới, đã có những dấu hiệu tích cực trong hoạt động điện ảnh. Sự phục hồi của thị trường chiếu  phim sau đại dịch Covid-19 ở Việt Nam có những kết quả khả quan hơn một  số nước trong khu vực. Năm 2023, dự tính tổng doanh thu khoảng 3.700 tỉ; phim Việt 1.563 tỉ, chiếm hơn 42% thị phần, vượt trung bình các năm trước  (đạt khoảng 30%). Doanh thu toàn thị  trường đạt gần 90% so với trước dịch.  

Tỷ lệ doanh thu phim Việt so với  phim nước ngoài tăng lên so với những năm trước, trong đó có những phim đạt  doanh thu cao trên 100 tỉ đồng theo  thống kê trên trang web độc lập Box Office Việt Nam. Đó là Nhà bà Nữ (thu  gần 500 tỉ, lập kỷ lục doanh thu trong  lịch sử phòng vé tại Việt Nam), theo sau  là Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Đất  rừng Phương Nam, Siêu lừa gặp siêu  lầy và Chị chị em em 2. Để phát triển công nghiệp điện ảnh, thị trường đóng  vai trò quan trọng, nên thị trường tăng  trưởng là điều kiện quyết định cho đầu tư tái sản xuất phim.  

Bên cạnh sự phục hồi của thị trường  phim, những sự kiện, hoạt động điện ảnh lần đầu tiên xuất hiện trong năm 2023 không chỉ tạo ra không khí sôi nổi, xôm tụ mà quan trọng là mở ra sự liên kết, hợp tác giữa nhà sản xuất phim và các địa phương trong sự gắn kết với  du lịch cùng các ngành văn hóa, dịch vụ liên quan. Đây có thể xem là những  cánh én góp mặt trong một “mùa xuân”  của công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam.  
Mở đầu là LHP châu Á Đà Nẵng  lần thứ Nhất (DANAFF 1) với chủ  đề “DANAFF - Nhịp cầu châu Á” do  UBND TP Đà Nẵng bảo trợ, Hiệp hội  Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam  (VFDA) chủ trì, phối hợp với các đơn vị  liên quan tổ chức. Đây là sự kiện điện  ảnh quốc tế tiên phong minh chứng  cho việc đưa quy định mới trong Luật  Điện ảnh 2022 vào cuộc sống, nghĩa  là LHP đầu tiên được tổ chức bởi một  thành phố và Hội nghề nghiệp. Xu thế  này phù hợp với sự phát triển của công  nghiệp điện ảnh, gắn kết thành phố Đà  Nẵng giàu tiềm năng với điện ảnh khu  vực và thế giới; mặt khác, điện ảnh đã làm thăng hoa và lan tỏa sức cuốn hút  của TP Đà Nẵng tươi đẹp.  
DANAFF 1 đã đạt được mục tiêu: Lựa  chọn và vinh danh các tác phẩm điện  ảnh xuất sắc, giàu giá trị nhân văn, có  khám phá mới mẻ, nghệ thuật thể hiện độc đáo, khích lệ những tài năng mới  của điện ảnh Việt Nam và khu vực châu  Á. Thành công của DANAFF 1 đã tạo  được dấu ấn riêng của một LHP trẻ, giàu sức sống, sự cân bằng cho dòng  phim nghệ thuật và giải trí, đóng góp  vào sự phát triển của công nghiệp  điện ảnh Việt Nam, đồng thời hứa hẹn  một thương hiệu LHP mới trong khu  vực. Vượt qua những bộ phim xuất sắc đến từ các nền điện ảnh lớn như  Ấn Độ, Iran, Hàn Quốc…, bộ  phim Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm được  Ban Giám khảo quốc tế gồm những  chuyên gia và nghệ sĩ điện ảnh tên  tuổi chọn vào ngôi vị cao nhất “Phim  châu Á xuất sắc nhất”, vừa khẳng định  vị thế điện ảnh Việt Nam, vừa đem lại  uy tín cho DANAFF. 
Bên cạnh giải thưởng DANAFF 1, năm 2023 Giải Cánh diều của Hội Điện  ảnh Việt Nam và LHP Việt Nam lần  thứ XXIII cũng vinh danh những tác  phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật. Cánh diều Vàng và Bông sen Vàng  phim truyện đều được trao cho phim Tro tàn rực rỡ, Bông sen Vàng phim  tài liệu trao cho Những đứa trẻ trong  sương. Những giải thưởng trao trúng  tác phẩm như vậy đã khích lệ các nhà  làm phim, góp phần nuôi dưỡng dòng  phim nghệ thuật bên cạnh dòng phim  giải trí - thương mại, tạo sự đa dạng cho  công nghiệp điện ảnh phát triển.  

Dấu ấn điện ảnh - du lịch 

Tuy nhiên, cần khẳng định là dấu ấn  của điện ảnh năm 2023 là những sự  kiện gắn kết giữa điện ảnh và du lịch.  Từ nhiều năm nay, những người làm  điện ảnh, văn hóa, du lịch ở nhiều địa  phương trong cả nước rất quan tâm  đến hiệu quả to lớn của điện ảnh trong  quảng bá đất nước, con người gắn với  phát triển du lịch cùng các ngành dịch  vụ. Tháng 6.2023, Bộ VHTTDL phối  hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ  chức chương trình “Liên kết phát triển  thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện  ảnh” với sự tham gia của các nhà quản  lý, các chuyên gia trong và ngoài nước,  các nhà làm phim tên tuổi. Chuỗi sự  kiện gồm chiếu phim, triển lãm ảnh,  Hội thảo quốc tế “Xúc tiến  đầu tư phát triển thương hiệu du lịch  qua điện ảnh”, diễn đàn “Điện ảnh và  du lịch Việt Nam - liên kết vươn xa, tạo  đà cất cánh” và Đại nhạc hội “Đôi cánh  diệu kỳ” khẳng định tầm quan trọng  của liên kết, hợp tác giữa điện ảnh và  du lịch, tạo sự cộng hưởng để cùng phát  triển. Chương trình cũng xới lên nhiều  vấn đề thực tế cần khắc phục, chia sẻ  nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc  gắn kết điện ảnh với du lịch.  
Chuỗi sự kiện liên kết điện ảnh - du  lịch tại Khánh Hòa đã thể hiện “khát  khao” của cả hai phía là địa phương và  nhà làm phim, muốn bắt tay nhau cùng phát triển. Tuy nhiên, làm cách nào để  cái bắt tay thật hiệu quả, thu hút được  đoàn phim đến địa phương quay phim  thì còn rất nhiều bối rối. Nhìn vào thực trạng Việt Nam, thấy rõ mặc dù chúng  ta có thiên nhiên đẹp vào hàng nhất  nhì thế giới, con người thân thiện, giá  cả chi tiêu thấp nhưng tất cả những lợi thế đó cứ mãi ở dạng tiềm năng, tiềm  ẩn! Sức thu hút các đoàn làm phim đến  Việt Nam quá yếu, trong hơn ba chục  năm qua, các dự án phim lớn đến Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay! Sau ba  phim Pháp từ đầu những năm 1990 là  Đông Dương, Người tình và Điện Biên  Phủ, hơn chục năm sau mới có phim Người Mỹ trầm lặng (2002) quay ở  Việt Nam. Tiếp theo, lại 14 năm nữa mới có phim lớn Kong - Đảo Đầu Lâu (2016) đến Việt Nam. Trong khi đó,  Thái Lan hằng năm đón hàng trăm dự  án phim lớn nhỏ; các nước Đông Nam  Á khác như Philippines, Campuchia,  Malaysia, Indonesia… cũng đón số  đoàn làm phim gấp nhiều lần Việt  Nam. Thậm chí có những bộ phim kể  câu chuyện về Việt Nam, những nhà  làm phim lại chọn bối cảnh quay ở  các nước khác trong khu vực. Nguyên  nhân là do chúng ta chưa có ưu đãi  (hoàn thuế và % chi phí quay phim tại  địa phương), trong khi các nước, kể cả  Mỹ, Anh, Australia… đều có tỷ lệ ưu đãi  lên đến 25-40%. Bên cạnh đó, thủ tục  quay phim ở hầu khắp các nước đơn  giản, gọn nhẹ, thông tin được niêm yết  minh bạch...
Với mong muốn khắc phục tình  trạng bất cập, chuyển hóa thế mạnh  “tiềm ẩn” tồn tại mấy thập kỷ ở Việt  Nam thành lợi thế thực sự, Hiệp hội  Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam  (VFDA) đã tìm giải pháp để biến “khát  khao” bắt tay hợp tác của các bên trở  thảnh hiện thực bằng Bộ Chỉ số thu  hút đoàn làm phim, gọi tắt là PAI  (Production Attraction Index). Cho dù  Luật Điện ảnh đã có quy định về ưu đãi  cho đoàn phim đến quay phim, nhưng  chờ các văn bản dưới Luật hướng dẫn  thực hiện là một khoảng thời gian chưa  xác định. Bởi vậy, VFDA cố gắng xây  dựng “gói ưu đãi” khả thi của từng địa  phương để rút ngắn thời gian chờ đợi  trong tình trạng “ngập ngừng bắt tay”  giữa địa phương và đoàn phim.  
Lấy Phú Yên - nơi bối cảnh phim Tôi  thấy hoa vàng trên cỏ xanh thu hút du  khách cả nước đã mở ra trào lưu du lịch  “check in” theo phim - làm thí điểm,  
VFDA phối hợp với UBND tỉnh Phú  Yên tổ chức chương trình “Điện ảnh với  Phú Yên” trong 3 ngày 15-17.11.2023  với quy mô và nội dung như một “liên hoan phim thu nhỏ”. Chương trình  thành công với đầy ắp hoạt động và sự  kiện cuốn hút, có ý nghĩa thiết thực góp  phần phát triển công nghiệp điện ảnh trong mối gắn kết với phát triển du lịch  và các ngành kinh tế - xã hội. 
Lần đầu tiên tại Việt Nam, VFDA xây  dựng, công bố Bộ Chỉ số PAI và đã nhận  được sự ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ  của nhiều địa phương, chuyên gia điện  ảnh và các nhà làm phim. PAI đánh  giá sự quan tâm của các tỉnh, thành  phố trong việc đón đoàn làm phim,  từ đó nâng cao sức hấp dẫn của từng  địa phương theo 5 tiêu chí: Hỗ trợ tài  chính; Hỗ trợ thông tin; Hỗ trợ thực  địa; Hỗ trợ thủ tục pháp lý và Hạ tầng  sẵn có của địa phương. Trên cơ sở địa phương tự đánh giá theo Tiêu chí PAI,  Phú Yên đang đứng đầu bảng xếp hạng  Chỉ số thu hút đoàn làm phim PAI.  Điều này cho thấy tỉnh Phú Yên đang có sự quan tâm rất lớn và sẵn sàng tạo  mọi điều kiện để đón các đoàn phim  trong và ngoài nước đến quay phim. Từ  mô hình thí điểm tỉnh Phú Yên, 9 tỉnh  thành trong cả nước là Tuyên Quang,  Khánh Hòa, Nam Định, Đà Nẵng, Hà  Nội, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Bắc  Cạn và Cần Thơ đã tham gia giới thiệu  và tự đánh giá mức độ sẵn sàng đón các  dự án phim đến địa phương mình. Đây  chính là Lời mời và Lời cam kết đáng giá nhất của mỗi địa phương gửi đến  các nhà làm phim, các hãng phim Việt  Nam và quốc tế, thu hút họ chọn quay  phim tại các vùng đất tươi đẹp, hấp dẫn  trên đất nước Việt Nam.  
Cũng trong dịp này, VFDA phối hợp  với Công ty Baker & Mckenzie Việt  Nam ra mắt trang web VietnamFilm Production, lần đầu tiên giới thiệu một  cách bài bản “hệ sinh thái” làm phim ở  Việt Nam để các nhà làm phim, hãng  phim quốc tế và Việt Nam tìm được  tiếng nói chung, tiến đến các dự án hợp  tác làm phim hiệu quả. Như vậy, thông  tin liên quan đến môi trường làm phim  ở các địa phương của Việt Nam cũng  như thông tin về các hãng phim, công  ty sản xuất/ cung cấp dịch vụ sản xuất  phim sẽ được minh bạch hóa và cập  nhật dần, tiến đến một bức tranh hoàn  chỉnh chứa đựng đầy đủ, cụ thể những  gì mà đoàn phim muốn tìm hiểu để  quyết định chọn địa diểm quay phim.  
Rất mừng là ngay sau chương trình  “Điện ảnh với Phú Yên”, bộ phim Ngày  xưa có một chuyện tình - chuyển thể  từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được nhà sản  xuất HK Film quyết định chọn Phú Yên  làm bối cảnh phim. Hy vọng bộ phim  sẽ nối tiếp thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, lập kỳ tích mới về  thu hút khách du lịch theo phim! 
“Những cánh én mùa xuân” tuy nhỏ,  nhưng chắc chắn sẽ hữu ích, góp phần  tích cực xây dựng và phát triển công  nghiệp điện ảnh Việt Nam trong những  năm tiếp theo.

TS NGÔ PHƯƠNG LAN; ảnh: TRẦN HUẤN 

Ý kiến bạn đọc