Lần đầu tiên công khai tiền công đức tại di tích:

Đang dần minh bạch… “tiền chùa”

PHƯƠNG ANH

VHO - Những lùm xùm không đáng có xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo tiền công đức, tài trợ tại một số di tích thời gian qua đã khiến dư luận không ít lần bức xúc. Trên thực tế, đây là số tiền rất lớn và nếu được quản lý chặt chẽ, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị các di tích.

Năm 2023, lần đầu tiên việc kiểm tra tổng thể công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử, văn hóa trên toàn quốc được triển khai. Con số được công bố cho biết, tổng số thu tiền công đức trong năm tại các di tích là 4.100 tỉ đồng, và đây vẫn chưa phải con số đầy đủ.

Đang dần minh bạch… “tiền chùa” - ảnh 1

 Điểm tiếp nhận tiền công đức tại di tích đền Cửa Ông (Quảng Ninh)

Nhiều di tích thu hàng chục tỉ đồng

Cả nước hiện có 31.211 di tích lịch sử, văn hóa (gồm 31.581 di tích thành phần), trong đó có 206 di tích quốc gia đặc biệt, 3.875 di tích quốc gia, 10.963 di tích cấp tỉnh và 16.167 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương. Thực hiện hướng dẫn của Bộ Tài chính, các địa phương triển khai kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ trong năm 2023 tại các di tích lịch sử, văn hóa đã xếp hạng, hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương.

Qua kiểm tra trên toàn quốc, trong tổng số 31.581 di tích thành phần, có 15.324 di tích (49%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ. Trong tổng số 5.683 di tích là cơ sở tôn giáo, có 3.912 di tích (69%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ, số còn lại không báo cáo. Với 25.898 di tích khác, có 11.412 di tích (44%) có số liệu thu, chi. Số còn lại chủ yếu là di tích tư nhân, nhà thờ dòng họ không báo cáo và các di tích đặc thù không có công đức, tài trợ. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số tiền thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỉ đồng. Trong đó, số thu tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng 3.062 tỉ đồng, chiếm 75%. Có 63 di tích thu trên 5 tỉ đồng, trong đó có 28 di tích thu trên 10 tỉ đồng, 7 di tích có số thu trên 25 tỉ đồng, cao nhất là Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang) thu 220 tỉ đồng; Đền Bảo Hà ở Bảo Yên (Lào Cai) 71 tỉ đồng; Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) 34 tỉ đồng; Đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) 28 tỉ đồng; Đền Hùng (Phú Thọ) 26 tỉ đồng và 2 di tích tại Hà Nội: Đình La Khê (Hà Đông) 28 tỉ đồng, Đền trình Ngũ Nhạc (chùa Hương, Mỹ Đức) 33 tỉ đồng.

Số thu tại các di tích là cơ sở tôn giáo 1.038 tỉ đồng (25%). Có 15 di tích thu trên 5 tỉ đồng, trong đó có 4 di tích thu trên 10 tỉ đồng, gồm: Chùa Tranh (huyện Ninh Giang, Hải Dương); Chùa Tàm Xá (Đông Anh, Hà Nội); Chùa Ông (Biên Hòa, Đồng Nai); Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo (Cà Mau). 7 tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỉ đồng là Hà Nội, Hải Dương, An Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định. Tỉnh Quảng Ninh được giao thực hiện thí điểm việc kiểm tra, số thu 4 tháng đầu năm 2023 trên 67 tỉ đồng, ước thu cả năm trên 200 tỉ đồng. 9 tỉnh, thành phố có số thu trên 100 tỉ đồng đến dưới 200 tỉ đồng gồm Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Cùng với mức tổng thu trên, tổng số chi trong năm 2023 là 3.612 tỉ đồng. Trong đó có các khoản chi cho quản lý, hoạt động lễ hội và khoản lớn nhất là chi cho việc tu bổ, tôn tạo di tích, các công trình phụ trợ.

Công khai, minh bạch, tránh mất niềm tin

Trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách cho văn hóa còn khiêm tốn thì tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử, văn hóa được nhận định là nguồn tài chính rất quan trọng, đóng góp tích cực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung. Từ số tiền này, nhiều công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với lịch sử của dân tộc được bảo tồn và phát huy như: Đền Hùng (Phú Thọ); di tích Bạch Đằng Giang (Hải Phòng); Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)... Nhiều lễ hội truyền thống tổ chức tại di tích được tôn vinh, kế thừa, tiêu biểu như Giỗ Tổ Hùng Vương; lễ hội Yên Tử; lễ hội miếu Bà Chúa Xứ…

 Việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích được đánh giá đã và đang chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch. Tuy nhiên, đa số địa phương cho rằng số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ. Tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31% tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo; trong số này có nhiều chùa thuộc sở hữu chung của cộng đồng không báo cáo.

Nguồn thu công đức, tài trợ tại các di tích ngoài sử dụng cho tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội còn đóng góp tích cực cho các hoạt động cộng đồng. Tiêu biểu là di tích Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang, với số thu công đức, tài trợ năm 2023 là 220 tỉ đồng, đã sử dụng 93 tỉ đồng (42%) để chi cho các hoạt động cộng đồng. Việc tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội đã tạo sức hấp dẫn đối với du khách, là nguồn tài nguyên hình thành các điểm du lịch, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng. Việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích được đánh giá đã và đang chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch. Tuy nhiên, đa số địa phương cho rằng số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ. Tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31% tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo; trong số này có nhiều chùa thuộc sở hữu chung của cộng đồng không báo cáo.

Một bất cập khác là tại nhiều di tích đền, chùa, việc đặt đĩa, khay trên ban thờ khiến du khách đặt nhiều loại tiền lộn xộn, không chỉ làm mất đi sự tôn nghiêm mà còn gây lòng tham cho người khác. Theo quy định tại Thông tư số 04/2023/ TT-BTC, các khoản tiền nêu trên được thu gom để kiểm đếm, sử dụng cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và lễ hội. Tuy nhiên, việc thực hiện tại những di tích chưa lắp camera có bảo đảm minh bạch hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của người đại diện di tích. Trên thực tế, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro dẫn đến thất thoát, trộm cắp. Một số di tích giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm, cho vay, đã có trường hợp bị lừa nhiều tỉ đồng. Một số di tích có thói quen giữ tiền mặt mà không gửi vào tài khoản bị kẻ gian lấy trộm; nhiều di tích tiếp nhận tiền trong hòm công đức chưa kịp thời bị kẻ gian cạy phá hòm lấy tiền... Đáng chú ý, vẫn còn xảy ra “va chạm” trong việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ tại một số di tích đan xen các chủ thể khác nhau quản lý, nhất là những di tích vừa có cơ sở tín ngưỡng, vừa có cơ sở tôn giáo và một số cụm di tích là cơ sở tín ngưỡng giao khoán cho các hộ gia đình quản lý, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.

Lần đầu tiên thực hiện kiểm tra tổng thể về quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử, văn hóa trên phạm vi toàn quốc đã tạo cơ sở quan trọng giúp các địa phương đánh giá toàn diện về hoạt động này. Qua đợt kiểm tra, ngoài việc giúp cho các tổ chức, cá nhân tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, còn cung cấp tương đối đầy đủ thông tin về số lượng di tích lịch sử, văn hóa, về quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích. Mặc dù còn nhiều di tích chưa báo cáo, số liệu báo cáo chưa đầy đủ, nhưng với tổng số thu 4.100 tỉ đồng trong năm 2023 cho thấy người dân có nhu cầu rất lớn trong việc đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội.

Theo các nhà quản lý cũng như các chuyên gia văn hóa, hoạt động công đức, tài trợ cho tu bổ, tôn tạo di tích và hoạt động lễ hội là nét văn hóa tốt đẹp. Công đức là dựa vào niềm tin. Tổ chức, cá nhân tự nguyện công đức, tài trợ có thể không quan tâm tới mục đích sử dụng, nhưng người tiếp nhận và sử dụng số tiền đó cần phải công khai, minh bạch. Sự công khai, minh bạch sẽ làm cho niềm tin được bền vững, nguồn tài chính đóng góp cho di tích tốt hơn.