Củng cố thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực VHNT tại Việt Nam
VHO- Sáng nay 16.2 tại Hà Nội, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) tổ chức khoá tập huấn về bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hoá và nghệ thuật (VHNT) tại Việt Nam. Khoá tập huấn sẽ diễn ra trong 2 ngày 16 và 17.2.
Khoá tập huấn nhằm cung cấp các thông tin, quy định trong thực thi sở hữu trí tuệ lĩnh vực VHNT
Phát biểu tại buổi tập huấn, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo đang nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với hơn 8.081 tỷ USD (chiếm 3,61%) tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018 và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động (chiếm 6,1%) tổng lao động có việc làm trên cả nước vào năm 2019. Được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hoá sáng tạo nội địa nhưng các ngành này đang gặp phải nhiều thử thách. Trong đó, một trong những rào cản lớn nhất là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sĩ và những người sáng tạo, gây ảnh hưởng tiêu cực kéo dài tới sự phát triển khoẻ mạnh của các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo.
Để tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực VHNT tại Việt Nam, Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam là dự án do Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) thực hiện từ tháng 3.2022 – 3.2023 dưới sự hỗ trợ của Quỹ quốc tế vì Đa dạng Văn hoá quốc tế của UNESCO. Dự án triển khai loạt các hoạt động gồm nghiên cứu, đánh giá, hội thảo, tập huấn và workshop… nhằm cải thiện việc bảo vệ và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và đóng góp vào sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo trong nước.
Các đại biểu tham dự tập huấn
Dự án có 3 mục tiêu cụ thể là đánh giá tổng quan thực trạng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, để xây dựng nhận thức chung và hiểu biết thực tiễn về khuôn khổ pháp lý sở hữu trí tuệ cho các ngành văn hoá và sáng tạo; nâng cao năng lực thể chế trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hoá sáng tạo thông qua một chuỗi các khoá đào tạo dành cho cán bộ nhà nước các cấp, các ngành liên quan; đẩy mạnh, nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp văn hoá sáng tạo tại Việt Nam thông qua các khoá đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ dành cho các nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.
Tại khoá tập huấn lần này, học viên sẽ được tìm hiểu các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực VHNT; quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong các điều ước quốc tế liên quan; các biện pháp bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực VHNT; thực trạng và kinh nghiệm xử lý hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong VHNT và thương mại hoá các tài sản trí tuệ trong VHNT cùng phần hỏi đáp.
ĐÌNH TOÁN