Xung quanh phát hiện hai thuyền cổ “kỳ lạ” ở Bắc Ninh
Công cuộc tìm “bến” cho thuyền
VHO - Phát hiện ngẫu nhiên vào cuối năm ngoái và đã lộ diện một phần sau cuộc khai quật khẩn cấp, hai thuyền cổ ở Bắc Ninh đang chứa đựng nhiều điều “kỳ lạ”, hấp dẫn với những thách thức đặt ra cho giới nghiên cứu lịch sử, khảo cổ. Hiện đã, đang có nhiều giả thiết với vô số câu chuyện bên lề…

Những ngày này, thị xã Thuận Thành đông đúc lạ thường. Hết đoàn khảo cổ, nghiên cứu này đến nhóm phóng viên khác kéo về khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, nơi phát hiện hai thuyền cổ trong quá trình cải tạo đất, đào ao nuôi cá, để tìm hiểu.
Vị trí phát hiện ngẫu nhiên hai con thuyền cổ chỉ cách chùa Dâu non chừng cây số, tọa trong một không gian lịch sử, văn hóa Luy Lâu xưa, cách nay vài ngàn năm. Bao xung quanh là ruộng rau muống xen lẫn ao chuôm khá bằng phẳng. Xa hơn chút nữa là cộng đồng làng xóm.
Cuối năm ngoái, khi gầu xúc làm ao phát lộ dấu tích của con thuyền, chủ nhà đã chủ động dừng thi công, báo với chính quyền.
Đầu tháng 3, Sở VHTTDL Bắc Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khẩn cấp trên diện tích 300m2.
Mới chỉ 300m2 nhưng đã hứa hẹn mở thêm nhiều cánh cửa tìm hiểu về trầm tích lịch sử, văn hóa hàng ngàn năm của cha ông, vốn vẫn là ẩn số đối với giới khoa học khảo cổ, lịch sử…

Qua thám sát, khai quật bước đầu, hai thuyền cổ được phát hiện ở độ sâu 4m. Mặc dù gầu xúc “gọt” mất một đoạn chừng 30-40cm nhưng nhìn chung hai thuyền cổ vẫn còn khá nguyên vẹn.
TS Vũ Thế Long, chuyên gia khảo cổ học cho biết, chưa bao giờ phát hiện được mẫu thuyền nào có kiểu dáng “kỳ lạ” như thế ở Việt Nam, và đây là một phát hiện khảo cổ học rất thú vị, giá trị.
Tại hiện trường khai quật, hai thuyền nằm song song với nhau, đặt chỉnh tề theo chính hướng Đông - Tây, cách nhau khoảng 2m, được đấu nối chặt bằng một thanh gỗ lớn.
Số liệu đo đạc cho thấy hai thuyền cùng có chiều dài 16,2m nhưng chiều rộng khác nhau. Thuyền thứ nhất rộng lòng 1,95m, thuyền thứ hai rộng 2,05m. Mỗi thuyền đều có 6 khoang, độ sâu rộng khác nhau, sâu nhất 1,5m.
Chiều 19.3, nhóm phóng viên Văn Hóa có mặt tại hiện trường khai quật khi các nhân công đang dùng xẻng, bai múc đất, cát, bùn trong lòng thuyền cổ thứ hai.

Công việc của những nhân công ở đây khá dễ dàng vì bùn, đất, cát chứa trong lòng thuyền khá mềm. Khối đất, bùn, cát sau khi lấy ra từ lòng thuyền sẽ được sàng đãi kỹ nhằm tìm ra những di vật, hiện vật nằm lẩn khuất bên trong.
Trao đổi với cán bộ khảo cổ đang giám sát tại hiện trường, chúng tôi được biết có một điều kỳ lạ là, ngay trong lòng thuyền số một (và không loại trừ thuyền số hai) không chứa đựng bất kỳ một hiện vật gốm, sứ, đồng… nào, để qua đó có thể đoán định bước đầu niên đại thuyền cổ, mà chỉ chứa những tạp chất cành cây gỗ và… một số hạt của loài cây nào đó.
Sở dĩ nói “kỳ lạ” là bởi, những thập niên gần đây, những tàu, thuyền cổ được phát hiện trong lòng đất hay ngoài biển khơi ở nước ta đều chứa đựng di vật, hiện vật đi kèm.
Từ hiện tượng này đã xuất hiện một số giả thuyết cho rằng, phải chăng đây là xưởng đóng tàu của người cổ xưa, vì thuyền vẫn còn nằm trong xưởng nên sẽ không có hiện vật đi kèm. Hoặc, hai thuyền cổ này đang nằm tại bến chờ xếp, bốc hàng.

Niên đại của hai thuyền cổ vẫn đang là ẩn số, hiện đang được lấy mẫu đưa đi xác định song giới chuyên gia đều có chung nhận định ban đầu đây là một phát hiện độc đáo, có cấu trúc, kiểu dáng rất lạ với kết cấu kiên cố chịu lực, chịu nước tốt.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, vị trí xuất lộ thuyền cổ nằm trên (bên) dòng sông Dâu, là một nhánh của sông Thiên Đức (sông Đuống) chảy sát bờ phía Tây của thành Luy Lâu, địa điểm gắn với khu vực giàu di sản văn hóa, lịch sử.
Ảnh vệ tinh cũng thể hiện vị trí phát hiện hai thuyền cổ nằm ngay cạnh dòng chảy của một con sông. Người dân vùng Dâu - Luy Lâu kể lại rằng, sông Dâu cổ vốn là tuyến đường thủy sầm uất thông thương ra tận biển.

Làng Công Hà (khu phố Công Hà nay) nằm trong lòng sông Dâu thuở trước. Nhiều câu hỏi lẫn giả thuyết thú vị đang được các chuyên gia đặt ra cần lời giải đáp. Người xưa nối thuyền để làm gì?
Nếu là thuyền hai thân, vậy thanh giằng đấu nối đầu còn lại nằm ở đâu? Nếu là thuyền độc mộc, vậy hẳn nhiên niên đại hai con thuyền phải từ rất xa xưa? Đánh giá sơ bộ kiểu dáng thuyền ảnh hưởng vùng Đông Nam Á, phải chăng liên quan đến cư dân sinh sống ở Indonesia?
Nếu là thuyền neo trên bến, vậy cộc neo nằm ở đâu? Nếu là thuyền trong xưởng, vậy quy mô xưởng như thế nào? Thuyền là thuyền chiến hay thương mại?
Các chuyên gia vẫn đang tiếp tục khai quật, nghiên cứu để xác định. Cho đến khi có câu trả lời đích xác dựa trên khoa học về niên đại, loại gỗ đóng thuyền, hai chiếc thuyền cổ tiền nhân để lại kia vẫn là “không bến” cả về không gian lẫn thời gian. Mấu nối duy nhất là con sông Dâu cổ, vốn chỉ còn phế tích và huyền tích.
Sông Dâu vốn là một sông lớn, là nhánh của sông Hồng chảy qua Đình Bảng, xuống Phật Tích rồi về Dâu tạo thành hào phía Tây thành Luy Lâu, sau đó đổ xuống Hà Mãn, nơi phát hiện hai con thuyền cổ, Cửu Yên rẽ sang Cẩm Giàng, Gia Bình, Lương Tài đổ ra sông Thái Bình để ra Biển Đông. Đời nhà Trần, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đã cho xây cầu chín nhịp bắc qua sông. Thế nên, sông Dâu xưa hẳn phải rộng lắm.
Chỉ đến khi sông Đuống trở thành dòng chảy lớn theo kế hoạch trị thủy của hoàng giáp Nguyễn Tư Giản thời Nguyễn, một phụ lưu sông Hồng cắt ngang dòng chảy sông Dâu thì sông Dâu mới hết vai trò thông thương của mình.
Đây có lẽ là nguyên nhân chính làm cho một dòng sông có vai trò lớn với đời sống xã hội trở thành cổ tích và những huyền sử văn hóa.

Sông Dâu giữ vai trò trục không gian kiến trúc chính của khu đô thị Luy Lâu, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo đầu tiên của nền văn minh sông Hồng, hình thành hơn 2.000 năm trước, từ cuối thế kỷ thứ II và phát triển không ngừng đến thế kỷ IX-X.
Không gian này là nơi tiếp xúc, hội tụ, dung hòa và kết tinh văn hóa người Việt cổ với văn hóa Phật - Ấn, Nam Á và Trung Á, Trung Hoa. Thế nên hệ thống di tích, chùa tháp quần tụ đậm đặc với trung tâm là chùa Dâu.
Trung tâm đô thị xưa kia là tòa thành Luy Lâu kiên cố và bề thế, trụ sở chính và căn cứ quân sự của bộ máy cai trị.
Thành cổ Luy Lâu được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ II trước Công nguyên, gắn liền với giai đoạn dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Thành Luy Lâu đã chứng kiến nhiều biến cố oanh liệt. Nơi đây từng là chiến trường diễn ra nhiều trận đánh khốc liệt để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Luy Lâu nay đã “nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.
Từng là một ngôi thành cổ từng nổi tiếng phồn hoa, đô hội của xứ Giao Chỉ xưa, tuy nhiên, cho tới nay chỉ còn lại một cây cầu đá ngót 2.000 năm tuổi dẫn vào ngôi đền thờ Sĩ Nhiếp, người đầu tiên đưa Nho giáo vào Việt Nam.
Sông Dâu tấp nập, nhộn nhịp như câu ca dao Lênh đênh ba bốn chiếc thuyền kề, Chiếc ra bãi bể, chiếc về sông Dâu cũng chỉ còn dấu vết qua vài mương nước cạn. Cầu chín nhịp bắc qua sông nay chỉ còn một nhịp, vậy mới có câu thơ Chạnh lòng một kiếp sông Dâu, Trầm mặc cố đô xa vắng”...
Phát hiện hai thuyền cổ này theo giới nghiên cứu, khoa học là rất có giá trị và quý hiếm. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi, vấn đề đang chờ đợi sự trả lời, giải đáp từ giới chuyên môn trong và ngoài nước.
(Còn tiếp)