Tu bổ, tôn tạo di tích Đền Đuổm (Thái Nguyên):
Cần được triển khai bài bản, khoa học
VHO - PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, trong thực trạng xuống cấp hiện nay, di tích quốc gia Đền Đuổm (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) cần nhanh chóng được triển khai tu bổ, tôn tạo nhằm bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử của di tích một cách xứng tầm; đồng thời đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.

Ông Biền nhấn mạnh, việc tu bổ, tôn tạo nhất thiết phải tuân thủ các quy định pháp luật về di sản văn hóa; phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và triển khai một cách bài bản, khoa học, xứng tầm với công lao của danh tướng Dương Tự Minh, vị tướng tài ba dưới vương triều Lý, người có công lớn trong việc giữ yên bờ cõi phía Bắc nước Đại Việt ở thế kỷ XII.
. PV: Thưa PGS Trần Lâm Biền, liên quan đến những thông tin về việc tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia tại đền Đuổm trong những ngày qua, với góc nhìn của một chuyên gia di sản, ông nhận định như thế nào về tính cấp thiết của dự án tu bổ, tôn tạo di tích này?
PGS. TS Trần Lâm Biền: Trước hết, về giá trị lịch sử, Đền Đuổm là một di tích đặc biệt quan trọng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.
Ngôi đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XII (năm 1180), là nơi thờ danh tướng Dương Tự Minh, vị tướng tài ba dưới vương triều nhà Lý, người có công lớn trong việc giữ yên bờ cõi phía Bắc nước Đại Việt ở thế kỷ thứ XII. Với tài năng xuất chúng, ông đã được các vua triều Lý phong sắc làm thủ lĩnh Phủ Phú Lương, lãnh đạo nhân dân xây dựng địa hạt phồn vinh, thịnh trị.
Danh tướng Dương Tự Minh không chỉ có vai trò cực lớn ở lĩnh vực chính trị mà còn đi vào lòng dân một cách sâu sắc, được nhân dân tôn vinh như một vị Thánh. Nhân dân gọi ông là Đức Thánh Đuổm.
Với uy lực lớn, vị tướng dân tộc Tày đã làm thủ lĩnh Phủ Phú Lương xưa trong suốt ba đời vua nhà Lý: Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông và Lý Anh Tông. Tin cậy và ghi nhận công lao của Dương Tự Minh, ông được vua Lý Nhân Tông gả công chúa Diên Bình, vua Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung.
Như vậy, Dương Tự Minh hai lần được phong làm Phò mã. Cuối đời, ông trở về Điểm Sơn và mất tại đây (núi Đuổm). Ông được nhà Lý phong sắc “Uy Viễn Đôn Tĩnh Cao Sơn Quảng Độ Chi Thần”. Các đời sau đều phong sắc cho ông là “Cao Sơn Quý Minh”.

Với ý nghĩa lịch sử và tầm vóc quan trọng, năm 1993, đền Đuổm đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích lịch sử - thắng cảnh. Lễ hội đền Đuổm được Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.
Nhìn lại để thấy rằng, nhằm tôn vinh công lao to lớn của danh tướng Dương Tự Minh, quần thể di tích liên quan đến Ngài cần được xây dựng, tu bổ, tôn tạo xứng tầm. Tuy nhiên, di tích lịch sử- văn hóa đền Đuổm gắn liền với tên tuổi và công trạng của vị danh tướng người Tày từ xưa chưa thật khang trang, tương xứng.
Vấn đề đặt ra là phải làm sao để ngôi đền có vị thế xứng đáng với công lao danh tướng đã để lại cho lịch sử. Ngôi đền không chỉ là nơi thờ tự mà phải là sự kết tinh công sức, tâm hồn, tình cảm của dân tộc trước bậc tiền nhân đã có công lao với dân, với nước.
Được xếp hạng di tích lịch sử- danh thắng quốc gia từ năm 1993 nhưng về tổng thể, có thể đánh giá các hạng mục trong quần thể di tích không xứng tầm, chủ yếu là các hạng mục nhỏ bé. Trước đây, hạ tầng di tích là tranh tre nứa lá, đơn sơ, không có nhiều hạng mục mang giá trị nghệ thuật.
Vì thế mà từ năm 1980 đến nay, quần thể di tích đã trải qua đến 9 lần tu bổ, tôn tạo. Do điều kiện khó khăn về kinh phí nên việc tu bổ còn nhỏ lẻ, chắp vá, thậm chí tùy tiện. Thực trạng hiện nay, nhiều hạng mục đang tiếp tục xuống cấp trầm trọng. Không chỉ kết cấu mà tính thẩm mỹ, độ an toàn của hạng mục công trình di tích cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thời gian, thời tiết và địa thế của di tích nằm ở vị trí sườn núi đá.
Việc tu bổ, tôn tạo di tích do đó không chỉ là nguyện vọng, mong muốn của chính quyền địa phương và nhân dân mà còn là yêu cầu cấp thiết, như một cách ứng xử văn hóa nhằm tôn vinh công lao to lớn của bậc tiền nhân.
. Như vậy, việc tu bổ, tôn tạo di tích cần triển khai như thế nào để đảm bảo giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh lịch sử cũng như tạo điểm đến văn hóa tâm linh cho đông đảo người dân và du khách thập phương, thưa ông?
Như đã phân tích, những hạng mục kiến trúc trong tổng thể di tích chưa đạt được yêu cầu về mặt giá trị nghệ thuật, chưa xứng tầm để tôn vinh một danh tướng lịch sử nhiều công lao như tướng Dương Tự Minh.

Vấn đề đặt ra là cần phải tu bổ, tôn tạo di tích một cách chuẩn mực, không làm to hơn nhưng phải đẹp hơn, tốt hơn. Hiện trạng di tích cho thấy dấu vết nhiều lần sửa chữa, nhiều hạng mục được xây dựng mới làm phai mờ dấu tích khởi nguyên. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, ở đây dấu tích khởi nguyên của thời Lý là không có.
Bằng lòng kính trọng của thế hệ hôm nay, với mong muốn đặt đền thờ danh tướng Dương Tự Minh trong hệ thống đền thờ mang dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc, với đầy đủ những giá trị biểu tượng truyền thống, chúng ta cần có ý thức làm cho ngôi đền thờ ngài đẹp hơn, mang ý nghĩa về giá trị biểu tượng văn hóa tâm linh cao hơn.
Việc nghiên cứu kỹ mọi khía cạnh để triển khai tu bổ, tôn tạo sẽ giúp thể hiện rõ được những giá trị lịch sử, những thông điệp từ các bậc tiền nhân, thể hiện qua kiến trúc và các hiện vật, đồ thờ. Như thế, việc tu bổ, tôn tạo sẽ góp phần nâng tầm giá trị di tích, tạo điểm nhấn đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương và du khách thập phương.
Điều cần chú ý là những giá trị biểu tượng trong văn hóa truyền thống của người Việt nói chung, tại công trình di tích đền Đuổm nói riêng cần được chú trọng. Ý nghĩa sâu xa của từng biểu tượng linh vật, từng đường nét, ẩn ý, thông điệp… đều cần được làm cho ra bản sắc văn hóa Việt Nam, không thể tùy tiện, chắp vá như một số yếu tố đang tồn tại trong các hạng mục tại di tích hiện nay.
Tinh thần đó cần phải là nguyên tắc trong từng bước thực hiện tu bổ, tôn tạo ở di tích, sao cho mỗi bước đi của khách hành hương đều là đi vào văn hóa, đi vào truyền thống.
. Về hạng mục nghi môn vừa được phá dỡ, nhiều ý kiến cho rằng việc làm này đã phá bỏ một công trình mang dấu ấn thời gian hàng trăm năm. Ông có nhận định như thế nào?
Với đặc thù nằm sát đường quốc lộ, lượng ô tô và các phương tiện qua lại thường xuyên, tạo độ rung và tác động lớn sẽ khiến cái cổng đó chắc chắn ngày càng xuống cấp, thậm chí đổ sập.
Mặt khác, phải khẳng định rằng đó không phải là nghi môn được xây dựng và tồn tại qua nhiều thế hệ. Cổng được phá dỡ vốn là hạng mục được xây dựng cách hiện nay không xa, từ năm 1996, có tính chất lấp những khuyết thiếu trước đây, do di tích không có cổng. Chưa kể, cả về vật liệu lẫn kiến trúc đều được làm một cách không theo quy chuẩn nào.
Việc chắp vá cho đủ như vậy ở một di tích cũng dẫn đến sự phản cảm, tùy tiện. Sau khi phá dỡ, cũng cần sớm xây lại một nghi môn theo đúng quy chuẩn, cùng với việc tu bổ, tôn tạo các hạng mục khác chắc chắn, tầm vóc và giá trị của di tích sẽ được nâng lên.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích, nguyên tắc đầu tiên là phải tôn trọng thực tế, bảo vệ những hạng mục, giá trị có tính chất nguyên gốc.
Yếu tố nguyên gốc tại đền Đuổm không phải là những yếu tố hiện còn ở di tích, các hạng mục cần được tu bổ và tôn tạo, cần được bổ sung những khuyết thiếu và đưa về đúng các giá trị truyền thống, chuẩn mực. Muốn vậy, toàn bộ quá trình này cần được triển khai bài bản, đúng quy định pháp luật về di sản văn hóa.
. Khoảng 22 tỉ đồng đã được huy động nhằm tu bổ, tôn tạo di tích đền Đuổm. Ông suy nghĩ gì về khía cạnh xã hội hóa trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích?
Với tâm huyết với di sản của ông cha, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào việc tu bổ, tôn tạo di tích. Phải thấy rằng, thúc đẩy xã hội hóa luôn là biện pháp tối ưu cho việc bảo vệ di sản văn hóa, đặc biệt khi có nhiều di tích trong tình trạng kêu cứu nhưng chưa có tiền để cứu.
Tất nhiên, xã hội hóa cũng luôn cần tuân thủ đầy đủ các quy trình, điều kiện cần thiết.
. Xin trân trọng cảm ơn ông!