Tu bổ, tôn tạo di tích Đền Đuổm (Thái Nguyên):
Sớm hoàn thiện các điều kiện, thủ tục cần thiết
VHO - Liên quan đến những thông tin về cổng di tích quốc gia đền Đuổm (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) bị phá dỡ, chiều qua 18.3, P.V Báo Văn Hóa đã có mặt tại Đền Đuổm để ghi nhận thực trạng tu bổ, tôn tạo đang diễn ra tại di tích này.

Nhu cầu cấp thiết
Cảnh tượng được ghi nhận tại di tích chiều 18.3 là những chiếc cần cẩu đang hoạt động, dọn dẹp sắt thép, bê tông, gạch vỡ… sau khi hạng mục nghi môn (cổng), hàng rào tại di tích được phá dỡ trước đó. Theo phản ánh của người dân quanh đền, từ ngày 17.3, các hạng mục nói trên tại Đền Đuổm đã được phá dỡ.
Đền Đuổm nằm trên quốc lộ 3, cách TP. Thái Nguyên hơn 20 km, được xây dựng thời vua Lý Cao Tông năm 1180. Đền thờ Đức thánh Đuổm hay Cao Sơn Quy Minh - vị tướng người Tày đã có công giữ vững an ninh vùng núi phía Bắc.
Trao đổi với Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên Đỗ Xuân Hòa cho biết, đền Đuổm đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích lịch sử - thắng cảnh năm 1993; Lễ hội đền Đuổm được Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.
Lễ hội đền Đuổm là một trong những sự kiện đầu năm có ý nghĩa quan trọng đối với Nhân dân huyện Phú Lương. Từ năm 2015, UBND huyện Phú Lương, các sở, ban ngành liên quan đã phối hợp với Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) và các chuyên gia nghiên cứu, phục dựng nghi thức lễ hội, trùng tu, tôn tạo di tích.
Đến nay, các nghi thức trong phần tế lễ, rước đất, rước nước đã dần được phục dựng, hoàn thiện để phù hợp với điều kiện thực tế của không gian đền Đuổm, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc.

Về quá trình đầu tư, tôn tạo di tích, ông Đỗ Xuân Hòa cho hay, Đền Đuổm là một trong những di tích lịch sử quan trọng của tỉnh, là điểm đến trong thực hành nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương.
Tuy nhiên, có một thực trạng là trước đây, toàn bộ hạ tầng di tích là tranh tre nứa lá, đơn sơ, không có nhiều hạng mục mang giá trị nghệ thuật.
Từ năm 1980 đến nay, quần thể di tích lịch sử - thắng cảnh quốc gia đền Đuổm đã trải qua 9 lần tu bổ, tôn tạo. Năm 2023, đền tiếp tục được trùng tu, tôn tạo, tuy nhiên, do điều kiện khó khăn về kinh phí nên việc tu bổ còn nhỏ lẻ, chắp vá.
Trải qua thời gian, do thời tiết ẩm ướt bởi khu di tích nằm ở vị trí sườn núi đá nên ảnh hưởng đến các hạng mục công trình, kết cấu cũng như tính thẩm mỹ của hạng mục công trình di tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng, xuống cấp, sụt lún, rạn nứt, thấm dột.
Hệ thống các công trình đền Trung, Phủ Bà (phủ Diên Bình, phủ Thiều Dung), gác Chuông chưa đáp ứng được với nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân cũng như đạt được giá trị về mặt kiến trúc - nghệ thuật của di tích thuộc giai đoạn thời nhà Lý - Trần (thế kỷ XII - XIII).

“Hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích tại Đền Đuổm lâu nay trong tình trạng có đến đâu làm đến đấy, chưa mang tính tổng thể toàn diện để nâng tầm giá trị di tích.
Trước thực trạng ngày càng xuống cấp của di tích, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của chính quyền địa phương và đông đảo nhân dân, việc sớm triển khai công tác tu bổ, tôn tạo Đền Đuổm là một nhu cầu thực sự cấp thiết”, ông Đỗ Xuân Hòa khẳng định.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL cũng chia sẻ, trong số các thông tin liên quan đến hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích Đền Đuổm vài ngày qua, có những thông tin không chính xác, thậm chí gây bức xúc trong dư luận.
“Nhiều ý kiến khẳng định việc phá dỡ nghi môn (cổng) là phá bỏ một công trình mang dấu ấn thời gian hàng trăm năm, nhưng thực tế năm 1996 cổng này mới được xây dựng. Tuy nhiên, do chất liệu, vật liệu không đảm bảo, lại có vị trí nằm sát đường Quốc lộ, lưu lượng xe đi lại lớn… nên hạng mục này cũng nhanh chóng xuống cấp, cần sớm tu bổ, tôn tạo”, ông Đỗ Xuân Hòa cho hay.
22 tỉ đồng huy động cho tu bổ Đền Đuổm
Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm, để triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích, Sở VHTTDL, UBND huyện Phú Lương đã phối hợp, mời đại diện cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL, các chuyên gia nghiên cứu, khảo sát thực địa, thảo luận phương án thiết kế tổng thể dự án.
Dự án tu bổ, tôn tạo di tích gồm các hạng mục Đền Thượng, Đền Trung; Phủ bà Diên Bình và phủ bà Thiều Dung, Đình Niêng; Lầu chuông, lầu trống: Tu bổ, gia cố ngôi đền phù hợp với quy mô, cảnh quan chung quần thể di tích đền Đuổm. Nghi môn được tu bổ, tôn tạo gồm 1 lối đi chính và 2 lối đi phụ.

“Trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, địa phương đã nỗ lực triển khai, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa. Khoảng 22 tỉ đồng đã được huy động nhằm tu bổ, tôn tạo di tích…”, ông Đỗ Xuân Hòa thông tin.
Trên cơ sở Tờ trình của UBND huyện Phú Lương, Sở VHTTDL đã tham mưu trình UBND tỉnh cho chủ trương tu bổ, tôn tạo di tích. Ngày 10.3.2025, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1473/UBND-KGVX về việc cho chủ trương tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Đền Đuổm; đồng thời có Tờ trình số 24/TTr-UBND ngày 11.3.2025 trình Bộ VHTTDL thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và thắng cảnh Đền Đuổm (xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên).
Di tích lịch sử - danh thắng đền Đuổm là điểm đến du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh của du khách thập phương, nhất là vào dịp đầu năm mới. Dự kiến, trong năm 2025, Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và thắng cảnh đền Đuổm sẽ thực hiện hoàn thành.
Theo chúng tôi, trước thực trạng rất nhiều di tích quốc gia, thậm chí là di tích quốc gia đặc biệt đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng nhưng loay hoay với bài toán nguồn vốn trùng tu thì việc Di tích lịch sử - danh thắng đền Đuốm kêu gọi, huy động được nguồn kinh phí xã hội hoá khoảng 22 tỉ đồng là nỗ lực đáng ghi nhận của lãnh đạo chính quyền các cấp ở đây.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, quá trình triển khai dự án đã nảy sinh một số thiếu sót đáng tiếc, dẫn đến những dư luận trái chiều. Trong đó có việc phá dỡ hạng mục nghi môn (cổng di tích) khi dự án chưa được Bộ VHTTDL thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật. Điều này đã dẫn đến những thông tin tiêu cực về dự án, vì vậy cần sớm được khắc phục, tháo gỡ, đảm bảo để dự án được thực hiện đảm bảo đúng quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản.
Ông Đỗ Xuân Hòa cho biết, hiện nay, Sở VHTTDL đang tiếp tục phối hợp với UBND huyện Phú Lương, các cơ quan, đơn vị liên quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hoàn thiện các điều kiện, thủ tục cần thiết để Dự án sớm được triển khai thực hiện, hoàn thành đúng quy định pháp luật.
Cục Di sản Văn hóa yêu cầu kiểm tra
Liên quan đến sự việc tại di tích Đền Đuổm, ngày 17.3, ngày Cục Di sản văn hóa đã có Công văn số 226/DSVH-DT đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, có biện pháp xử lý.
Cụ thể, công văn của Cục Di sản văn hóa nêu, nhận được thông tin về việc cổng di tích quốc gia đền Đuổm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên bị phá dỡ, Cục đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, có biện pháp xử lý; báo cáo kết quả kiểm tra và phương án giải quyết đến UBND tỉnh Thái Nguyên và Bộ VHTTDL trước ngày 20.3.2025.
Đồng thời, đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên tăng cường công tác quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; thực hiện nghiêm túc Công văn số 1083/BVHTTDL-DSVH ngày 31.3.2022 của Bộ VHTTDL về việc tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.