Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch di sản Mỹ Sơn
VHO - Các đơn vị liên quan cùng tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Công Khiết, Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết, các đơn vị liên quan đang khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (gọi tắt quy hoạch Mỹ Sơn).
Theo ông Khiết, việc lập quy hoạch mới là nhiệm vụ hết sức cấp thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để Mỹ Sơn triển khai đầu tư, phát huy giá trị di sản. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm đẩy mạnh quy hoạch Mỹ Sơn khi quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008-2020 đã hết thời hạn gần 5 năm.
Được biết, dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12.2008, tổng diện tích phạm vi đề xuất nghiên cứu quy hoạch là 1.158 ha.
Ngoài quy hoạch sử dụng đất, nội dung dự án cũng tập trung vào công tác bảo tồn, trùng tu di tích như rà phá bom mìn, vật liệu nổ, xử lý chất độc hóa học; nghiên cứu điều kiện tự nhiên, vật liệu xây dựng; phát lộ, khai quật khảo cổ học; trùng tu gia cố, bảo tồn di tích; sưu tầm, trưng bày hiện vật; cải tạo hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan…, kết quả bước đầu khá tích cực.
Tuy vậy, vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân do vướng dịch Covid-19, thiếu nguồn lực đầu tư nên khối lượng và các nội dung công việc theo quy hoạch mới chỉ thực hiện một phần so với yêu cầu đặt ra.
Trong khi đó, quá trình triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch gặp nhiều vấn đề phát sinh, phát hiện mới bổ sung cho các giá trị của di tích, các yếu tố điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và nhu cầu phát triển dịch vụ du lịch đã có nhiều thay đổi,…
Những khó khăn trên đã gây ra nhiều bất lợi trong công tác quản lý, bảo vệ, huy động các nguồn lực xã hội để bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, dịch vụ và thu hút phát triển du lịch.

“Nhằm khắc phục vấn đề nêu trên, đồng thời tạo dựng cơ sở pháp lý thúc đẩy phát huy mọi nguồn lực đầu tư, hình thành điểm du lịch di sản đặc sắc xứng tầm với nội dung, giá trị của di tích, tiến tới hình thành vùng không gian di sản tiêu biểu của quốc gia và thế giới, cần thiết phải lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo các quy định của pháp luật”, ông Khiết cho biết.
Đề án quy hoạch mới do Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn làm chủ đầu tư. Theo đó, bên cạnh tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn giá trị Khu đền tháp Mỹ Sơn; phát triển các phân khu chức năng, hạ tầng du lịch, dịch vụ…, cũng sẽ tập trung mạnh vào việc hoàn thiện các hạng mục hạ tầng phục vụ du lịch khu vực bên ngoài Khe Thẻ; thu hút nhà đầu tư; kết nối cộng đồng cùng tham gia.
Việc xây dựng đề án luôn dựa trên quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Bên cạnh bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đề án cũng chú trọng phát huy giá trị di tích đáp ứng nhu cầu của người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Quy hoạch mới sẽ phải đảm bảo các giá trị tiêu biểu về lịch sử, giá trị về khảo cổ học, giá trị về kiến trúc nghệ thuật, giá trị về cảnh quan đa dạng sinh học, giá trị về sử dụng và phát huy, đặc biệt đóng vai trò hạt nhân kết nối, tạo động lực phát triển.
Tạo lập sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bao gồm bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học và di sản văn hóa của cộng đồng trong khu vực nghiên cứu quy hoạch trên cơ sở kế thừa các mục tiêu Quy hoạch giai đoạn 2008 - 2020.
Hướng tới phát huy giá trị Khu đền tháp Mỹ Sơn là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn của tỉnh, quốc gia và thế giới, đồng thời kết nối với các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh khác tại địa phương, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch.
Ông Khiết cũng thông tin thêm, mới đây, Hội đồng thẩm định nhiệm vụ quy hoạch Mỹ Sơn đã tổ chức cuộc họp tại trụ sở Bộ VHTTDL với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cùng các đơn vị liên quan, các nhà khoa học, nhà quản lý,… nhằm thông qua nhiệm vụ lập quy hoạch.