Giải "bài toán" loại trừ biến tướng trong lễ hội:

Còn đó những lúng túng

BẢO ANH

VHO - Hình ảnh đám đông thanh niên Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ) túm tụm tranh giành, mong được chạm vào quả phết khi các cụ cao niên thực hiện nghi thức “tiễn phết” xuất hiện cuối giờ chiều ngày 13 tháng Giêng năm Ất Tỵ (ngày 10.2.2025), một lần nữa cho thấy sự tiếc nuối của người dân địa phương. Năm thứ 7 ở Hiền Quan, lễ hội không có phần vui đánh phết, với lý do chưa đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn.

Còn đó những lúng túng - ảnh 1
Lễ tế được tiến hành trang trọng

Giải bài toán tìm sự hài hòa giữa văn hóa truyền thống cũng như bài trừ tiêu cực vẫn đang đặt ra và xuất hiện sự lúng túng đối với không ít địa phương, đặc biệt ở những lễ hội có yếu tố tranh giành, cướp lộc cầu may…

Khi lễ hội không còn “tả tơi”

Gần hết chặng đường sôi động trong mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025, người dân chứng kiến hầu hết các lễ hội lớn ở miền Bắc đã diễn ra yên bình, cảnh tượng “tả tơi”, bạo lực, biến tướng giảm đi phần nhiều. Nghị định 110 về công tác quản lý và tổ chức lễ hội được ban hành năm 2018 đã trở thành một “barie” hữu hiệu, các địa phương quan tâm, quyết liệt chấn chỉnh biến tướng, tiêu cực, những đám đông tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bạo lực.

Tuy nhiên, vẫn còn những tâm tư về chuyện dừng tổ chức nghi thức phần hội có tính chất cầu may, thu hút đám đông tranh giành, cướp lộc. Lễ hội Phết Hiền Quan sau 7 năm không đánh phết, người dân vẫn không khỏi mong chờ chính quyền địa phương sớm hoàn thiện kịch bản với phương án hài hòa để lễ hội được diễn ra trọn vẹn, an toàn.

Không có đánh phết, không khí lễ hội Hiền Quan (diễn ra trong hai ngày 12-13 tháng Giêng) trầm lắng hơn hẳn. Người Hiền Quan vốn xem lễ hội là ngày Tết riêng của mình, thậm chí tổ chức lớn hơn Tết cổ truyền. Buổi sáng, các gia đình cùng gặp mặt, chúc tụng đầu Xuân, buổi chiều ra đình làng dâng hương, đánh phết.

“Dù lễ hội có nhiều phần, phần nào cũng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống nhưng với dân Hiền Quan, có lẽ phần được mong chờ nhất chính là đánh phết. Để đảm bảo an toàn, văn minh, nhiều năm nay lễ hội đã không có phần này, những người con quê hương vô cùng tiếc nuối, nhiều người không về quê dự hội nữa”, ông Bùi Phúc Khánh, bậc cao niên quê gốc Hiền Quan bày tỏ.

Ông cũng kể chuyện, tương truyền lễ hội có từ thời Hai Bà Trưng, được tổ chức để tưởng nhớ công lao của hai vị thành hoàng làng là Thiều Hoa công chúa (nữ tướng của Hai Bà Trưng) và Mộc Trang đại vương có công dẹp loạn 12 sứ quân. Quả phết xưa được đẽo từ gốc tre già để binh lính rèn luyện, sau này được làm bằng gỗ, sơn đỏ trở thành vật thiêng để người dân chạm vào lấy may, ai giành được xem như rước may mắn về nhà.

 Dân Hiền Quan tiếc nuối “tiễn phết”

Hội phết Hiền Quan 2025 không có đánh phết, nhưng đến cuối ngày 13 tháng Giêng lại có sự xuất hiện một số hình ảnh, video lan truyền cảnh đám đông cướp phết.

Tại bãi sông cạnh ngôi đền thờ Thiều Hoa công chúa, nhóm hơn trăm người túm tụm để tranh giành quả phết. Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Lê Trung Huyên, Chủ tịch UBND xã Hiền Quan cho biết, địa phương không tổ chức phần tranh phết trong lễ hội năm 2025.

BTC chấp hành quy định và các văn bản hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền trong quá trình tổ chức lễ hội. Sở dĩ có những hình ảnh này là vì sau khi tổ chức lễ hội, các cụ cao niên sẽ tìm thời gian phù hợp để “tiễn phết”.

Một cán bộ văn hóa xã Hiền Quan khẳng định, các năm trước nghi thức tiễn phết diễn ra gần nửa đêm. Tuy nhiên, năm nay các cụ cao niên thấy số lượng người ở lại không đông nên tiến hành tiễn phết, thời gian nhanh chóng và an toàn.

Cuộc sống thay đổi, lễ hội Hiền Quan không chỉ còn tồn tại trong phạm vi làng xã mà được đông đảo du khách thập phương biết đến, tìm về. Trước thời điểm năm 2019, mỗi dịp lễ, không chỉ hàng trăm trai tráng trong làng mà người dân vùng lân cận, hàng ngàn vị khách tỉnh xa cũng đổ về Hiền Quan. Khi quả phết tung ra, đám đông hùa theo không khí tranh phết, gây nên khung cảnh hỗn loạn, đôi khi xảy ra xô xát và thương tích.

Có thời gian, những hình ảnh bạo lực trong lễ hội lan tràn và để chấn chỉnh, từ năm 2019, hội Phết Hiền Quan bị tạm dừng phần đánh phết. Tiếp tục không có phần đánh phết khiến mùa hội năm 2025 vắng đến lạ thường.

Ngày hội 12 tháng Giêng dù rơi vào Chủ nhật (9.2), nghi thức tế lễ tại đền thờ Thiều Hoa công chúa cũng không có nhiều người dân đến tham dự, quây kín vòng trong vòng ngoài như trước.

Ngày 13 diễn ra tương tự. Cho đến cuối ngày 13, một số video lan truyền hình ảnh đám đông cướp phết Hiền Quan. Ông Lê Trung Huyên, Chủ tịch UBND xã Hiền Quan cho biết, không hề có phần tranh cướp phết, đây là những hình ảnh xuất hiện khi thực hiện nghi thức “tiễn phết”. Tuy nhiên, diễn ra không lâu nên phần này cũng kết thúc an toàn.

Khi không còn sự “tả tơi”, những lễ hội truyền thống như Phết Hiền Quan trở nên trầm lắng. Mấy năm trước, hội Đả cầu cướp phết, một lễ hội có tính chất tương tự trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng diễn ra êm đềm khi màn tranh phết tạm dừng tổ chức.

Còn đó những lúng túng - ảnh 2
Cụ tiên chỉ chỉnh trang lại những quả phết trước khi tiến hành thực hiện các nghi lễ

Bài toán từ những tiếc nuối

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Phúc Khánh tâm tư: “Việc không được tổ chức đánh phết qua nhiều mùa lễ hội là điều rất trăn trở của dân làng Hiền Quan. Chúng tôi hiểu rằng trong bối cảnh hiện nay, đánh phết cần có nhiều thay đổi, trong đó phải đảm bảo yếu tố truyền thống, văn minh, an toàn. Đây là những điều cần tính toán kỹ, tuy nhiên kéo dài thời gian không đánh phết khiến người dân vô cùng tiếc nuối”.

Ông Thu, một người con tâm huyết bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương chia sẻ: “Mấy năm nay dân làng vẫn thấy day dứt vì trong hội làng không còn thấy nghi thức tranh phết cầu may. Mùa lễ hội năm nay, dân làng càng mong mỏi được tranh phết. Hơn ai hết, người dân Hiền Quan khao khát được sống lại trong bầu không khí đậm bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương”.

Mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ, được chọn vào vai ông Tiên chỉ trong lễ hội Hiền Quan, ông Nguyễn Tiến Nhân (Khu 10, xã Hiền Quan) cho biết, nguyện vọng của người dân Hiền Quan là chính quyền địa phương sớm hoàn thiện các điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu để có thể tổ chức lại phần đánh Phết.

Để chuẩn bị cho lễ hội Phết Hiền Quan 2025, từ cuối năm 2024, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ phối hợp với UBND huyện Tam Nông tổ chức hội thảo khoa học “Lễ hội Phết Hiền Quan - Nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý, tổ chức”. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý khẳng định, không cần bàn cãi về giá trị truyền thống của hội phết, thế nhưng cái khó ở chỗ tìm ra giải pháp cho màn tranh cướp phết đảm bảo an toàn.

Bài toán ở Hiền Quan cũng từng đặt ra ở nhiều lễ hội và trước khi những “đáp án” hài hòa được đưa ra cũng có nhiều cân nhắc, tính toán đau đầu từ chính quyền địa phương, nhà quản lý và các chuyên gia. Dư luận chưa quên những hình ảnh hỗn loạn từng xảy ra với Hội Gióng đền Sóc, lễ hội đền Trần (Nam Định), lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc)...

Còn đó những lúng túng - ảnh 3
Những nghi thức tiến hành trang trọng

Cuối cùng, BTC Hội Gióng đền Sóc tìm đến giải pháp tán lộc hoa tre cho dân làng và du khách, xóa bỏ điểm nóng cướp lộc hoa tre. Lễ khai ấn đền Trần chuyển thời gian khai ấn sang sớm ngày Rằm tháng Giêng cũng đã khắc phục tình trạng xô đẩy, giẫm đạp cướp ấn trong đêm. Lễ hội Đúc Bụt dù vẫn có rất đông người cùng chen chân tranh manh chiếu lộc nhưng quyết định chọn hình thức tản chiếu phát lộc cũng đã ít nhiều giảm thiểu những hình ảnh xô đẩy, hỗn loạn.

Hội Phết Hiền Quan đến nay vẫn tiếp tục đứng trước bài toán tìm giải pháp hài hòa. Hiểu rõ những mục tiêu đặt ra đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, người dân Hiền Quan vẫn kỳ vọng sẽ sớm được đầu tư hạ tầng, với một bãi phết quy củ hơn, đồng thời xây dựng kịch bản khoa học đảm bảo không xảy ra sự cố đáng tiếc.

Ông Trần Kim Tuyến, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Quan bày tỏ: “Việc tổ chức phần hội đánh phết nếu chỉ dựa vào trách nhiệm của xã thì không thể đảm đương được, cần có sự chung tay của các cấp huyện, tỉnh và nguồn lực xã hội hóa. Ngày nay, hội phết không chỉ là của người dân Hiền Quan nữa mà của rất đông người dân, du khách thập phương. Vì vậy, để tổ chức hội phết phải đảm bảo mọi điều kiện về an toàn, lên kịch bản khoa học, khuôn viên đánh phết, cơ sở hạ tầng,…”. 

 Lễ hội đền Trần không diễn ra cảnh tượng lộn xộn, tiêu cực

Còn đó những lúng túng - ảnh 4
Du khách xếp hàng nhận ấn lộc vào sáng ngày Rằm

Hàng vạn du khách đã đổ về đền Trần (Nam Định) trong những ngày lễ hội Xuân Ất Tỵ để chiêm bái, hành lễ và xin ấn lộc đầu năm. Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL Khu di tích đền Trần - chùa Tháp cho biết, lễ hội diễn ra suôn sẻ, với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức, công tác đảm bảo an ninh trật tự được đảm bảo.

Năm nay, lực lượng hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ thực hiện các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong lễ hội. “Mặc dù diễn ra giữa tuần nhưng BTC lễ hội vẫn dự đoán sẽ có hàng ngàn người đổ về đền vào thời điểm khai ấn. Vì vậy, các biện pháp an ninh được siết chặt, BTC lễ hội đổi mới trong công tác kiểm soát người vào đền nên thời điểm này, hạn chế cảnh tượng xô bồ, chen lấn...”, theo ông Bình.

Về một số thông tin, hình ảnh du khách chen lấn, lộn xộn, ông Bình cho biết, thời điểm chuẩn bị mở cửa đền, rất đông người dân ùa vào. Một số cảnh tượng lộn xộn, không đẹp mắt chỉ là nhất thời, không phản ánh tổng thể công tác đảm bảo an ninh tại lễ hội.

Ngay sau đó, lực lượng làm nhiệm vụ đã giải thích, hướng dẫn để du khách di chuyển, đảm bảo an toàn, trật tự. Từ sáng ngày Rằm tháng Giêng cho đến nay, lễ hội Đền Trần diễn ra suôn sẻ, đảm bảo các yếu tố văn hóa, văn minh của một lễ hội truyền thống. Công tác tuyên truyền về ý nghĩa của di tích, lễ hội, về thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, về việc phòng ngừa trộm cắp và các tệ nạn tiêu cực được tăng cường.

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN