Về miền biển xem Lễ hội Cầu Ngư
VHO - Đến hẹn lại lên, cứ sau Tết Nguyên đán là dịp các lễ hội truyền thống, đặc biệt là lễ hội tạ Thần biển và cầu bình an được người dân Đà Nẵng chung tay tái hiện và phục dựng. Qua đó, họ bày tỏ khát vọng gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa tín ngưỡng cổ truyền được ngư dân trân trọng và lưu giữ từ bao đời nay…

Nơi ngư dân gửi gắm thông điệp cho biển cả
Tại Đà Nẵng, việc Lễ hội Cầu Ngư được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 3.2026 là niềm vinh dự lớn lao, đặc biệt đối với ngư dân - những người trực tiếp tham gia và giữ gìn lễ hội. Đây không chỉ là sự ghi nhận cho việc duy trì tín ngưỡng đầy tính nhân văn, mà còn là nguồn động viên mạnh mẽ để ngư dân tiếp tục gắn bó với biển cả và bảo vệ ngư trường.
Từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức long trọng và trang nghiêm tại các vùng ven biển Đà Nẵng như Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Khê, Nam Ô… Lễ hội gắn liền với tín ngưỡng thờ Cá Ông của cư dân vùng biển. Cá Ông được dân làng gọi bằng nhiều danh xưng tôn kính như: Ông Đông Hải, Đức Ngư Ông, Ngài… Đây cũng là lễ hội cầu an, mong ước mưa thuận gió hòa, người đi biển thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang. Không gian văn hóa của lễ hội không chỉ bao gồm các hoạt động lễ nghi trang trọng mà còn là những trò chơi dân gian sôi động, mang theo rất nhiều tâm tư, thông điệp mà người dân khát khao gửi gắm.
Lão ngư Trần Văn Liên (72 tuổi, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) chia sẻ: “Bốn mùa xuân hạ thu đông, ngư dân sống bám biển, vì vậy mỗi dịp lễ đều cầu khấn thần linh cho trời yên, biển lặng, để ngư phủ bội thu. Lễ hội Cầu Ngư là niềm tin, là nguồn động viên giúp ngư dân vững tay chèo lái, nên ai cũng muốn gìn giữ nét đẹp này như một cách thể hiện lòng biết ơn và tin tưởng vào Cá Ông và thần Nam Hải, những chư vị luôn bảo hộ cho những chuyến ra khơi thuận lợi, thành công. Lễ hội được truyền từ đời này sang đời khác, là một nét đẹp văn hóa biển cần được bảo tồn và phát huy”.
Thời gian tổ chức lễ hội tùy thuộc vào từng địa phương, nhưng thường diễn ra trong hai ngày. Ngày đầu là lễ tiên thường, ngày sau là lễ tế chính thức. Trong ngày lễ, bàn thờ được trang hoàng lộng lẫy và trang nghiêm, các gia đình đặt bàn hương án với đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền, người ta cũng trang trí đèn và kết hoa. Vị chánh bái dâng đồ lễ và đọc văn tế, bày tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với công đức của Cá Ông, đồng thời cầu mong Ông chứng dám lòng thành của ngư dân, mang lại mùa đánh bắt bội thu và an toàn cho thuyền bè ra khơi.
Về phần hội, ngư dân và du khách tham gia các trò chơi dân gian như lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng… Ngoài các tiết mục hát tuồng, hát hò khoan, phần đặc sắc nhất của lễ hội là múa hát bả trạo, thể hiện tinh thần đoàn kết của các thành viên trên một con thuyền, vượt qua sóng gió. Vào buổi tối, lễ phóng đăng trên biển được tổ chức cùng lễ thả thuyền cúng các linh hồn đã khuất và lễ phóng sinh.
Chia sẻ về tầm quan trọng của Lễ hội Cầu Ngư trong đời sống ngư dân, ông Nguyễn Hữu Công (Trưởng BTC Lễ hội Cầu Ngư quận Thanh Khê năm 2024) cho biết: “Ngày nay, nghề đánh bắt cá ở làng biển Thanh Khê vẫn tiếp tục phát triển, mặc dù còn gặp một số khó khăn nhất định. Tuy vậy, truyền thống nghề cá của dân vạn chài và đời sống tinh thần, tín ngưỡng vẫn được duy trì và giữ vững. Đây chính là nền tảng để Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức hằng năm trên mảnh đất đầu sóng, ngọn gió. Lễ hội là minh chứng vật chất và tinh thần rõ ràng về sự gắn bó và ứng xử của người dân Thanh Khê với biển đảo, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển”.

Khát vọng bảo tồn giá trị, không gian văn hóa truyền thống
Thông thường, vào những ngày cuối tháng 2 hằng năm, người dân quận Sơn Trà sẽ tập trung tại Lăng Ngư Ông Tân Thái để tham dự lễ rước Cá Ông. Cụ Trần Văn Lịch (83 tuổi), gắn bó với biển từ năm 15 tuổi, luôn có mặt từ sớm để nhắc nhở và đôn đốc mọi người, với mong muốn lễ hội diễn ra suôn sẻ và chỉn chu. Chia sẻ về đời sống của ngư dân, ông Lịch bày tỏ ước vọng của người dân làng biển Sơn Trà và ngư dân nói chung, là dù đô thị hóa có diễn ra mạnh mẽ đến đâu, thì những di sản văn hóa phi vật thể vẫn cần được bảo tồn để đời sống văn hóa biển không bị phai mờ, mai một.
Còn lão ngư Cao Văn Minh lại đưa những kiến thức về đời sống văn hóa biển vào nghệ thuật để giúp người dân hiểu rõ hơn về các lễ tục vùng biển, từ đó yêu mến và gìn giữ các giá trị này. Lão ngư đã sáng tác vở dân ca Bài chòi Hồn biển, chạm đến sự sâu thẳm trong tâm hồn mộc mạc của bà con, khiến ai xem cũng xúc động rơi nước mắt. Nội dung vở diễn xoay quanh những khó khăn, vất vả giữa muôn trùng sóng gió, trong đó có những người yêu biển tha thiết, nhưng cũng có những người vì lợi ích riêng mà phá hoại môi trường. Mục đích ông sáng tác Hồn biển là phục vụ Lễ hội Cầu Ngư của người dân làng Nại Hiên Đông. Ông cũng là người dàn dựng chương trình cho Lễ hội và nhiều năm trong vai trò chủ tế.
Ngư dân Huỳnh Văn Mười với hơn 50 năm gắn bó với biển cả và 40 năm làm nghề nước mắm truyền thống ở làng Mân Thái, là người luôn túc trực trong các Lễ hội Cầu Ngư ở Lăng Ngư Ông Tân Thái. Ông đã vận động dân làng phục dựng lại đời sống ngư dân và cẩn thận ghi lại những thước phim quý để giới thiệu đến bạn bè, công chúng, biến những tư liệu này thành “sản phẩm du lịch làng”. Ông cũng in một cuốn sách dày 150 trang về văn hóa làng biển và dựng một bảo tàng chuyên đề về làng chài xưa. Tại đây, ông sưu tầm và trưng bày hiện vật liên quan đến nghề đi biển, thu hút sự tham quan hào hứng từ đông đảo du khách quốc tế và người dân địa phương.
Theo thống kê từ Sở VH&TT Đà Nẵng, hiện nay TP có tổng cộng 61 lễ hội, trong đó có những lễ hội quy mô lớn như: Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ hội tạ kỵ Hậu hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, Lễ hội Đình làng Túy Loan, Lễ hội Cầu Ngư... Những năm gần đây, Lễ hội Cầu Ngư ở Đà Nẵng không chỉ được tổ chức trong phạm vi cộng đồng địa phương mà còn thu hút sự tham gia của đông đảo du khách thập phương.
Sự phục hồi và phục dựng các lễ hội thể hiện sự hòa quyện giữa các giá trị truyền thống và hiện đại. UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội trên địa bàn đến năm 2030, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, các chủ thể văn hóa, cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan về tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội. Kế hoạch cũng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa địa phương, đồng thời tạo nền tảng để hình thành và bảo tồn các giá trị bản sắc đặc trưng của TP biển Đà Nẵng.