Xuất hiện những hình ảnh bạo lực, phản cảm trong lễ hội:
Vẫn phải cảnh báo nguy cơ
VHO - Chặng đường đầu tiên trong mùa lễ hội 2025 đang diễn ra tương đối yên ả, êm đềm. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những hình ảnh đám đông tranh cướp lộc tại một số lễ hội. Những khoảnh khắc quá tải, người người chen chân tranh giành lộc may mắn đầu Xuân vẫn mang đến cảm giác lo lắng, cảnh báo nguy cơ bạo lực, phản cảm tái diễn.

Đây là những hiện tượng vốn từng diễn ra ở nhiều “điểm nóng” trước đây như Hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)… Không ít ý kiến cho rằng, cảnh báo sẽ không thừa.
Khi những đám đông… cầu may
Những lễ hội từng gây chú ý bởi đông đúc, quá tải nhiều mùa trước như chùa Hương, đền Sóc…, đến thời điểm này đã diễn ra tương đối êm ả. Năm nay, tâm điểm gây chú ý lại tập trung ở những lễ hội mang thông điệp, niềm tin gửi gắm qua các nghi lễ cầu may như cầu sinh được con trai tại lễ hội Đúc Bụt (diễn ra ngày 8 tháng Giêng tại thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc); lễ hội Đả cầu cướp Phết (ngày 7 tháng Giêng tại xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) hay lễ hội giằng bông ở đình làng Trung Hà, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) vào ngày mùng 5 tháng Giêng vừa qua.
Ghi nhận chung tại những lễ hội này là tình trạng những đám đông chen lấn, xô đẩy để tranh lộc, cầu may. Tại đình làng Trung Hà, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), cảnh tượng được chia sẻ lan tràn trên mạng xã hội là hình ảnh hàng trăm người cùng chen lấn, xô đẩy, lao lên cửa đình làng để tranh giành hai cây bông sau lễ tế, nhằm mong lấy lộc đầu năm. Lễ hội này thu hút hàng ngàn người tham gia, đông kín sân đình. Mặc dù được lý giải đây là phong tục tại hội đình làng xã Trung Hà nhưng cảnh tượng quá đông đúc, chen lấn, bất chấp việc cần thiết phải giữ gìn sự linh thiêng trong nghi lễ truyền thống khiến nhiều người không khỏi cảm giác lo lắng. Lễ hội giằng bông được tổ chức 5 năm một lần, hàng ngàn người cùng đổ về một không gian hẹp, trong một thời điểm khiến những hình ảnh đông đúc, lộn xộn là điều khó tránh khỏi.
Tương tự, mùng 8 tháng Giêng, lễ hội Đúc Bụt tại thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) cũng tái diễn cảnh tượng hàng trăm người giành giật manh chiếu để cầu sinh được con trai. Đây là lễ hội thường niên, thu hút hàng ngàn người dân địa phương và du khách khắp nơi với niềm tin rằng giành được manh chiếu vụn tại đây sẽ may mắn sinh được con trai. Từ nhiều năm trước, BTC lễ hội đã tính toán thay đổi hình thức tản chiếu phát lộc, những manh chiếu được chia nhỏ để phát cho người dân và du khách nhằm tránh tình trạng đám đông hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau. Mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ, hình thức này tiếp tục được duy trì, tuy nhiên vẫn còn những thời điểm hàng trăm người xông vào giằng co khi những tấm chiếu được xé rồi chia ra ngoài sân đền. Khát vọng cầu may khiến nhiều người bất chấp xé tan tấm chiếu thành nhiều mảnh vụn. Bên cạnh các nghi lễ truyền thống đặc sắc, nhất là tích trò đúc bụt thì sôi động và ồn ã nhất tại lễ hội vẫn là phần giằng chiếu. Các mảnh chiếu được chia qua cửa đền, nhiều bàn tay thò vào mong muốn xin được dù chỉ là một sợi. Những pha tranh giành quyết liệt không tránh khỏi mỗi khi một manh chiếu được đưa ra. Đến cuối buổi lễ, một nửa chiếc chiếu được ném ra giữa sân, đám đông đua nhau giằng giật.
Nhiều năm liền, tâm điểm “cướp phết, đánh phết” khiến dư luận thường hướng đến lễ hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ). Tuy nhiên, năm nay, lễ hội Đả cầu cướp phết tại xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) lại tạo sự chú ý nhiều hơn, với hình ảnh hàng trăm thanh niên lao vào chen lấn xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để giành quả phết được làm bằng gỗ quý, với hy vọng cả năm may mắn. Nhiều người tranh thủ sờ quả phết trước khi lễ hội diễn ra để mong có một năm mới may mắn. Để cướp hoặc chạm vào quả phết được cho là gặp nhiều may mắn, nhiều người không ngại leo trèo, giẫm đạp lên nhau. Người dân địa phương lý giải, màn tranh đấu diễn ra quyết liệt, ai ai cũng mong chạm được vào quả phết vốn là truyền thống và niềm tin của người tham gia lễ hội. Không chỉ có người dân trên địa bàn mà còn đông đảo du khách cùng tham gia cướp phết.
Những đám đông cùng đổ xô cầu may nhiều năm trước đây đã dẫn đến không ít hình ảnh phản cảm, thậm chí có không ít hình ảnh biến tướng, bạo lực khiến cơ quan quản lý phải vào cuộc chấn chỉnh. Lễ hội Đả cầu cướp Phết tại Bàn Giản trong một số năm cũng đã dừng lại phần đánh Phết bởi chưa có được phương án tổ chức an toàn. Năm nay, phần đánh Phết được ghi nhận chưa diễn ra điều đáng tiếc, nhưng những thời khắc có phần hỗn loạn khi đám đông tranh cướp một lần nữa đặt ra những cảnh báo cần thiết đối với các mùa lễ hội sau.

Hội Phết Hiền Quan: Tiếp tục dừng đánh Phết
Vẫn luôn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận, tuy nhiên, trái với sự tò mò về phương án tổ chức đánh phết ở mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ, nhằm đảm bảo yếu tố văn minh, an toàn, hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ) năm nay quyết định tiếp tục dừng phần đánh phết.
Theo UBND huyện Tam Nông, trước mùa lễ hội, huyện đã có văn bản chỉ đạo về công tác tổ chức đối với hội Phết Hiền Quan. Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo UBND xã Hiền Quan tổ chức lễ hội Phết năm 2025, với phần lễ được tổ chức trang trọng theo truyền thống của địa phương; phần hội tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân trong dịp đầu xuân năm mới. “Tạm dừng nội dung trình diễn đánh phết trong lễ hội phết do chưa đảm bảo điều kiện, sân phết chưa đảm bảo, thể lệ và cách thức đánh phết chưa rõ ràng, chưa đảm bảo an toàn cho người tham gia đánh phết”, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông chỉ đạo. Lãnh đạo huyện Tam Nông đồng thời yêu cầu UBND xã Hiền Quan hoàn thiện phương án đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Quyết định thành lập BTC lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. Đặc biệt, tiếp tục hoàn chỉnh Đề án đổi mới trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội phết, các điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn, an ninh để tổ chức đánh phết cho mùa lễ hội năm sau khi đảm bảo các điều kiện, yêu cầu theo quy định…
Dường như những cảnh báo nguy cơ mất an toàn một lần nữa đã khiến lãnh đạo địa phương quyết định lựa chọn phương án dừng đánh Phết. Đây cũng là một trong những phương án từng được một số chuyên gia văn hóa lên tiếng tại hội nghị tìm giải pháp tổ chức an toàn, văn minh, lành mạnh cho hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) tổ chức hồi cuối năm 2024. Trước đó, lễ hội đã tạm dừng không tổ chức phần tranh phết từ năm 2019 bởi đại dịch Covid-19 cũng như chưa có phương án tổ chức an toàn và cho đến nay, một kịch bản hoàn hảo nhằm giải “bài toán” quản lý và tổ chức lễ hội dường như vẫn đang là một bài toán khó.
Theo ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), Cục vẫn luôn theo sát những diễn biến trong công tác quản lý và tổ chức đối với các lễ hội lớn như hội Phết Hiền Quan. Trước thời điểm năm 2019, do thu hút đông người, lễ hội Phết Hiền Quan có nội dung diễn ra chưa đúng với truyền thống của lễ hội, đặc biệt là phần tranh phết, dẫn đến bị nhìn nhận tiêu cực, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng đây là một lễ hội có nhiều yếu tố phản cảm, bạo lực. “Đây là nội dung cần có giải pháp trong thời gian tới. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội này cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh, tuân thủ đúng các quy định pháp luật, loại bỏ các yếu tố, hành vi không đúng với giá trị truyền thống. Đặc biệt, cần chú trọng việc đưa lễ hội trở về với cộng đồng, lấy ý kiến của người dân về những mong muốn bảo tồn, phát huy nét đẹp cội nguồn văn hóa truyền thống; kiểm soát chặt chẽ không để diễn ra sự quá tải và nguy cơ mất an toàn trong lễ hội…”, ông Thắng nhấn mạnh.
Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội
Bộ VHTTDL vừa có văn bản số 418/BVHTTDL-VHCS về việc bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân 2025 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai một số nội dung sau:
Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội theo phân cấp về thẩm quyền; thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11.12.2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18.12.2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Nghị định số 110/2018/ NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL.
Chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội tại các địa phương thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tổ chức lễ hội bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và Nhà nước; rà soát khu vực dịch vụ bảo đảm không lấn chiếm khuôn viên di tích; thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn sông nước, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh công cộng.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, nhân dân và khách du lịch, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội; vận động nhân dân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ. Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của nghi lễ truyền thống trong các hoạt động lễ hội. Thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc…
PHƯƠNG ANH