Thiết chế văn hóa ở TP.HCM:
Bao nhiêu công trình đã thành “ký ức đô thị”?
VHO - Sau ngày đất nước thống nhất, TP.HCM có khoảng 70 rạp hát, trong đó có khoảng 30 rạp hát vừa phục vụ chiếu phim vừa biểu diễn nghệ thuật. Từ khi bước vào công cuộc đổi mới và “hiện đại hóa”, các rạp hát giảm dần, thậm chí “biến mất”. Những thiết chế văn hóa như rạp hát, rạp phim... đã trở thành “ký ức đô thị”.
TS Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đã tâm tư như trên khi nói về các thiết chế văn hóa, nghệ thuật tại TP.HCM hiện nay, nhất là khi địa phương này đang thực hiện xây dựng nền công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo.
Sự “hiện diện” khiêm tốn
Theo nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, thực tế cho thấy, đến nay, số lượng rạp hát đúng nghĩa tại TP.HCM chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Từ hàng chục đoàn nghệ thuật biểu diễn với thế mạnh là sân khấu cải lương, kịch nói, hàng trăm phòng trà và tụ điểm ca nhạc... nay chỉ có khoảng 10 sân khấu kịch và 20 địa điểm có thể sử dụng biểu diễn nghệ thuật.
Trong số này có năm nhà hát đáp ứng đạt yêu cầu của hoạt động biểu diễn: Nhà hát Hòa Bình, nhà hát Bến Thành, nhà hát Thành phố, nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nhà hát Quân đội. Còn lại, một số trụ sở nhà hát chỉ là nơi làm việc, không phù hợp để biểu diễn, không có lợi thế về vị trí của một thiết chế văn hóa, gây thu hút đối với khán giả. Ra đời từ thời Pháp thuộc và trải qua hơn một trăm năm tồn tại, những thiết chế đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp thị dân, trong đó đặc biệt rạp hát gắn liền với sự phát triển của một loại hình nghệ thuật đặc thù là cải lương. Thế nhưng, từ thập kỷ cuối của thế kỷ XX đến nay, những thiết chế văn hóa này đã bị cư dân đô thị “quên lãng”, mặc dù bảo tàng, thư viện đã có sự thay đổi nhất định nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển các loại hình giải trí, truyền thông cũng như tri thức khoa học kỹ thuật. Còn mấy chục rạp hát và rạp phim đã lần lượt “biến mất”, nhường chỗ cho trung tâm thương mại, nhà hàng và tổ chức tiệc cưới…
“TP.HCM không còn rạp cải lương sáng đèn hằng đêm, đó là sự mất mát quá lớn đối với một di sản văn hóa tiêu biểu của Sài Gòn, của Nam Bộ”, TS Nguyễn Thị Hậu tâm tư. Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng, văn hóa, nghệ thuật đang “hiện diện” khiêm tốn trong kinh tế du lịch, văn hóa nói riêng và đời sống của TP.HCM nói chung. Các sản phẩm nghệ thuật vẫn còn khá xa lạ và không được khách du lịch chú ý do thiếu tính độc đáo, thiếu chuyên nghiệp trong quảng bá; thiếu các chương trình biểu diễn có phiên dịch tiếng Anh. TP.HCM thiếu sản phẩm “bom tấn” về văn hóa địa phương như loại hình “sân khấu thực cảnh” hay các chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp trên những sân khấu hoành tráng hiện đại...
Đặc biệt tại thành phố chưa có những sự kiện văn hóa nghệ thuật định kỳ mang tầm quốc tế, khu vực như triển lãm mỹ thuật, liên hoan phim, hội chợ sách, hoặc lễ hội được nâng cấp trở thành lễ hội của khu vực... Mỗi đô thị có quá trình hình thành và phát triển theo quy luật chung nhưng cũng có những đặc thù riêng, về cộng đồng dân cư, về tích tụ văn hóa, về truyền thống lịch sử… tạo thành vị thế riêng của nó trong hệ thống đô thị một vùng miền hay của quốc gia. Do đó các đô thị có nhu cầu khác nhau và thiết chế văn hóa phải thể hiện nhu cầu đó. Nói cách khác, thiết chế văn hóa cũng là “của dân, do dân, vì dân” chứ không phải là sản phẩm mà chính quyền, nhà quản lý mang lại cho dân “hưởng thụ”. Vì vậy, nhu cầu và mức độ tham gia sinh hoạt các thiết chế văn hóa là sự phản ánh những nhu cầu tinh thần và trình độ văn hóa của một đô thị.
Chuyển biến nhưng còn lắm quy trình…
Thực hiện cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 98/2023/QH15, TP.HCM đang triển khai thí điểm áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa (PPP). Thông tin về tiến độ thực hiện Nghị quyết 98, Sở VHTT TP.HCM cho biết, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị đã phối hợp với các Sở, ngành, quận huyện đề xuất mức tối thiểu cho dự án, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Sau Nghị quyết 98 ra đời, ngày 19.9.2023, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND về Quy định quy mô đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, thể thao và văn hóa. Trong đó có quy định, đối với các thiết chế văn hóa, thể thao do thành phố quản lý phải có quy mô từ 45 tỉ đồng trở lên; đối với thiết chế văn hóa, thể thao do quận, huyện và thành phố Thủ Đức quản lý phải có quy mô từ 10 tỉ đồng trở lên.
Ngày 8.12.2023, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP, ngành văn hóa và thể thao có 23 dự án để thực hiện kêu gọi đầu tư. Sở VHTT đã đăng tải thông tin danh mục 23 dự án dự kiến thực hiện lên trang thông tin điện tử của Sở. Đồng thời cung cấp danh mục dự án cho Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) để giới thiệu, mời gọi dự án đầu tư. Ngày 31.5.2024, ITPC đã có văn bản gửi 24 Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước; các hội, hiệp hội ngành nghề thành phố; các Hội doanh nghiệp quận huyện; các doanh nghiệp trong và ngoài nước về thông tin các dự án mời gọi đầu tư năm 2024.
Ngày 25.6.2024, Sở VHTT phối hợp với Sở KH&ĐT và ITPC tiếp xúc, gặp gỡ các nhà đầu tư quan tâm để giới thiệu, cung cấp thông tin các dự án văn hóa và thể thao của ngành; qua đó lựa chọn và đề xuất các nhà đầu tư tiềm năng để triển khai các bước quy trình thực hiện dự án theo quy định và làm cơ sở để chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư. Ngày 9.7.2024, UBND thành phố ban hành Kế hoạch về tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa thể thao thành phố năm 2024. Theo đánh giá, các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa và thể thao nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; việc tổ chức hội nghị không chỉ để xúc tiến đầu tư các dự án của ngành văn hóa và thể thao mà còn là dịp để tuyên truyền, quảng bá cho Đề án Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030.
“Các dự án trong danh mục do Sở VHTT đề xuất đều là các dự án quan trọng, có tầm chiến lược cho ngành văn hóa, thể thao thành phố, không những phục vụ các lễ hội, các chương trình nghệ thuật, các giải đấu cấp thành phố, quốc gia; nhu cầu vui chơi, giải trí, học tập. Hơn thế nữa, đây là những dự án tiêu biểu có kiến trúc hiện đại của thành phố, tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa trong khu vực và quốc tế”, Sở VHTT TP.HCM khẳng định, đồng thời cho biết việc thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư mất nhiều thời gian, quy trình, thủ tục, cần có sự phối hợp của các Sở, ngành liên quan, nhất là trong việc thực hiện các bước quy trình, thủ tục đầu tư dự án theo đúng quy định.
Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa ở TP.HCM
UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả triển khai thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 và phương hướng thực hiện 6 tháng cuối năm 2024 về “Đề án Chiến lược phát triển ngành văn hóa TP.HCM giai đoạn 2020-2035”. Theo đó, về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, UBND TP giao Sở VHTT phối hợp Sở KH&CN hoàn thiện hồ sơ “Đề án Phát triển tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn TP đến năm 2035”; triển khai khảo sát, thống kê, đánh giá thực trạng, nhận định phương hướng, đề xuất cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở theo đề cương Đề án đã được phê duyệt.
Trong đó nổi bật có các thiết chế: Dự án Rạp xiếc và Biểu diễn đa năng Phú Thọ đã khởi công, đang thực hiện đúng tiến độ; dự án xây dựng Cung Thiếu nhi thành phố đã được HĐND TP thông qua; dự án xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã hoàn thành công tác thi công hạ tầng, nội thất, đang lựa chọn nhà thầu về thiết bị trưng bày; dự án Bảo tàng TP.HCM và dự án Cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TP.HCM đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; dự án Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM đã được HĐND TP thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư, hiện đang xem xét phương án kiến trúc…
Riêng hai dự án xây dựng mới Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống và Trung tâm Văn hóa Thành phố, đã được Sở VHTT đề xuất trong danh mục các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa và thể thao, hiện đang chờ Sở KH&ĐT thẩm định theo quy định.