Thanh Hoá:
Hoàn thiện thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần người dân
VHO - Thiết chế văn hóa cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng dân cư, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển phong trào rèn luyện thể dục - thể thao, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Theo đó, trong hơn 1 thập kỷ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt là việc xây dựng các thiết chế văn hóa - thể dục thể thao từng bước được hoàn thiện theo tiêu chí của Bộ VHTTDL tạo đà cho phong trào văn hóa - thể dục thể thao ngày càng phát triển.
Thôn Xuân Yên, xã Phú Lộc (Hậu Lộc) - là thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 252 hộ, với 933 nhân khẩu. Trước đây nhà văn hóa, nhà truyền thống - nơi thờ vị Thành hoàng làng, nhỏ hẹp, xuống cấp.
Từ năm 2019 đến nay, cùng với sự đồng thuận đóng góp sức người, sức của của bà con trong thôn và nguồn ngân sách xã, đã từng bước xây dựng nhà văn hóa, nhà truyền thống, sân thể thao rộng rãi với diện tích hơn 4.200m2, tổng kinh phí đầu tư gần 5 tỷ đồng, trong đó những người con xa quê, các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 2,9 tỷ đồng. Có nhà văn hóa, sân thể thao, khuôn viên rộng rãi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của bà con.
Đây cũng là tiêu chí quan trọng, góp phần xây dựng thành công thôn Xuân Yên đạt nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Thôn đã ban hành hương ước, quy ước, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng nếp sống văn hóa thôn kiểu mẫu. Hiện nay, tỷ lệ gia đình văn hóa của thôn đạt 98,6%, thôn chỉ còn 1 hộ nghèo.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hậu Lộc cho biết, sau 13 năm xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn huyện Hậu Lộc đã tập trung nguồn lực đầu tư xây thiết chế văn hóa các cấp khang trang, đồng bộ. Thiết chế văn hóa ở cấp huyện được đầu tư xây mới như khối hành chính sự nghiệp Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện; nhà thi đấu đa năng; hội trường văn hóa đa năng; cải tạo nâng cấp sân vận động huyện.
Hiện tại, sân vận động đảm bảo các điều kiện tổ chức tốt các hoạt động thi đấu, tập luyện cho vận động viên và Nhân dân. Nguồn ngân sách huyện dành cho đầu tư các hạng mục thiết chế cấp huyện là 88,6 tỷ đồng.
Thiết chế nhà văn hóa thôn, cơ sở vật chất văn hóa xã từng bước được dành nguồn lực đầu tư. 100% xã, thị trấn đã bố trí được quỹ đất công cộng dành cho xây dựng thiết chế văn hóa xã, thôn. 23/23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có trung tâm văn hóa - thể thao; 153/153 thôn có nơi sinh hoạt văn hóa - thể thao cho Nhân dân.
Toàn huyện đã xây mới 108/153 nhà văn hóa - khu thể thao thôn thuộc 23 xã, thị trấn; cải tạo, nâng cấp 23 nhà văn hóa thôn. Cơ sở vật chất văn hóa cấp xã được các địa phương quan tâm; nhiều hội trường văn hóa xã có quy mô từ 300 - 360 chỗ ngồi, bàn ghế, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, như các xã: Phú Lộc, Hưng Lộc, Hoa Lộc, Triệu Lộc, Minh Lộc...
Song song với nâng cao, phát huy thiết chế văn hóa, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao trên địa bàn được quan tâm triển khai và ngày càng phát triển.
Đến nay, huyện Hậu Lộc xây dựng và hình thành được 80 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian; 212 câu lạc bộ thể thao tại khu dân cư, nâng tổng số người tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 42%; tổng số dân đến tham gia sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa thôn, xã đạt 50%, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dưng nông thôn mới ở địa phương.
Tương tự, như huyện Hậu Lộc, với phương châm hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân làm mục tiêu, thời gian qua, huyện Vĩnh Lộc đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Toàn huyện Vĩnh Lộc có 118 thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, trong đó có 105 thiết chế văn hóa thôn, khu phố; 13 thiết chế văn hóa cấp xã.
Đối với Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện hiện đã được quy hoạch và xây dựng với diện tích 63.000m2. Một trong những điểm nhấn đó là, về cơ bản hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện tới xã, thôn đều có bộ máy quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị để duy trì hoạt động thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định.
Riêng nhà văn hóa thôn, khu phố được xây dựng với diện tích trên 500m2 và từ 120 - 150 chỗ ngồi, sân khấu trên 30m2, với đầy đủ các thiết chế, trang thiết bị theo yêu cầu. Qua đó, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thể dục, thể thao và vui chơi giải trí của Nhân dân. Qua đó, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.
Cùng với đó, đến nay, 100% các thôn, khu phố trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đã thành lập các tổ, đội, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ thể dục, thể thao. Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện có 58 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ (gồm các loại hình: thơ, “Gia đình phát triển bền vững”, văn nghệ truyền thống, tuồng, chèo, liên thế hệ) và 85 câu lạc bộ thể dục, thể thao.
Đáng chú ý, các câu lạc bộ, tổ, đội văn hóa, văn nghệ thể dục, thể thao chủ yếu hoạt động trên tinh thần tự nguyện và đóng góp kinh phí để tập luyện, biểu diễn hay tham gia các sự kiện quan trọng của huyện, tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, thúc đẩy sự phát triển phong trào TDĐKXDĐSVH tại địa phương.
Hoàn thiện hệ thống thiết chế là một trong nhiều nội dung được tỉnh Thanh Hoá đặc biệt chú trọng, quan tâm chỉ đạo sâu sát trong suốt thời gian qua, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần, hiểu biết pháp luật cũng như xây dựng, duy trì nếp sống văn minh trong nhân dân.
Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hoá hiện có 442/469 xã có cơ sở vật chất văn hóa, thể thao gồm: hội trường đa năng và trung tâm văn hóa, thể dục thể thao xã đạt tỷ lệ 94,2%; 365/469 xã đạt tiêu chí văn hóa; 3.698/3.835 thôn, bản có nhà văn hóa – khu thể thao thôn, bản. Điều đó có ý nghĩa rất lớn khi người dân đã nhận thức đúng về vai trò, vị trí của xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và tự giác tích cực tham gia, đóng góp.
Nhà văn hóa hoặc trung tâm văn hóa, thể dục thể thao xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá được xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ 2 - 3 tỷ đồng. Mỗi trung tâm có diện tích từ 3.000 - 5.000m2. Vốn còn lại do xã khai thác từ nguồn hợp pháp khác...
Đối với nhà văn hóa thôn chủ yếu do Nhân dân hiến đất mở rộng và đầu tư xây dựng từ 1 - 2 tỷ đồng, có nhà văn hóa thôn kết hợp cả khu thể thao nên diện tích lên tới 5.000m2, xây dựng cả sân khấu ngoài trời, khu vui chơi trẻ em, luyện tập thể thao của người già...
Những nhà văn hóa được cải tạo cũng phải đạt từ 300 chỗ ngồi và nguồn kinh phí đóng góp từ 300 - 600 triệu đồng. Những xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thường chọn tiêu chí nổi trội văn hóa thực hiện nên các thiết chế văn hoá, thể dục thể thao ngày càng hoàn thiện và phong trào phát triển mạnh mẽ hơn.
Có thể nói quá trình xây dựng nông thôn mới làm cho việc hoàn thiện các thiết chế văn hoá, thể dục thể thao tốt hơn, tạo đà cho phong trào văn hóa và thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ. Qua đó, người dân tích cực tham gia các phong trào thi đua tại cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.