Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Văn hoá là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội

VHO - Chiều 10.8, Đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban chỉ đạo tỉnh Ninh Bình về kết quả thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Văn hoá là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy làm việc với Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Ninh Bình

Dự buổi làm việc có đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; Cục Văn hóa cơ sở; Cục Di sản văn hóa; Vụ Gia đình; Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL)…

Về phía tỉnh Ninh Bình có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn, Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào tỉnh Ninh Bình cùng các thành viên Ban chỉ đạo Phong trào tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan…

Sau quá trình tổ chức thực hiện, Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Ninh Bình báo cáo kết quả thực hiện Phong trào trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, Ninh Bình đã nỗ lực cải cách, sáng tạo với nhiều cách làm đột phá để phát triển và đạt được những kết quả ấn tượng. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt mức tăng trưởng cao. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, kết cấu hạ tầng tiếp tục có những đột phá. Văn hóa - xã hội được quan tâm và đạt được nhiều kết quả, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện. Nhiều sự kiện văn hoá lớn của tỉnh và của trung ương tại Ninh Bình được tổ chức thành công đã góp phần giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người Ninh Bình. Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh tới cơ sở được củng cố, tăng cường; chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên. Công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở có nhiều tiến bộ góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi người dân có điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại diện mạo, không gian sống giàu giá trị văn hóa, văn minh, tiến bộ trong các khu dân cư từ thành thị cho tới nông thôn.

Đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình có 142/143 xã, phường, thị trấn có Nhà Văn hóa, đạt 99,30%; có 1.609/1.679, đạt 95,83% khu dân cư có Nhà văn hóa gắn với sân thể thao, đáp ứng nhu cầu tổ chức các sinh hoạt chính trị, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí của người dân. Toàn tỉnh hiện có hai CLB cấp tỉnh, 181 CLB cấp huyện và 837 tổ, đội, nhóm văn nghệ quần chúng, 670 CLB TDTT cơ sở.Tỉ lệ gia đình được công nhận gia đình văn hóa chiếm 92%; khu dân cư văn hóa đạt trên 97%; có trên 78% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hóa. Hiện nay, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 34%; số gia đình thể thao đạt 28,8%. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được quan tâm, toàn tỉnh hiện có 1821 di tích, trong đó, 395 di tích đã xếp hạng (314 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia), có ba di tích quốc gia đặc biệt; một di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới; năm bảo vật quốc gia; bốn di sản đã được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia ; 430 di sản văn hoá phi vật thể được kiểm kê; tám nghệ nhân được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Công tác tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích được thực hiện thường xuyên từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa từ nhân dân. Qua đó góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi người dân có điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại diện mạo, không gian sống giàu giá trị văn hóa, văn minh, tiến bộ trong các khu dân cư từ thành thị đến nông thôn...

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Văn hoá là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội - Anh 2

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu kết luận buổi làm việc

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai tổ chức thực hiện Phong trào tại tỉnh Ninh Binh còn gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện như công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Phong trào ở một số địa phương chưa thực sự, sâu sát; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo có nơi chưa chặt chẽ, thiếu chủ động. Việc nắm bắt, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện các nội dung Phong trào có lúc, có nơi chưa kịp thời. Chưa có nhiều giải pháp, sáng kiến, mô hình hay trong quá trình triển khai, thực hiện Phong trào. Cùng với đó, việc tổ chức đăng ký, kiểm tra, đánh giá, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chất lượng danh hiệu chưa bền vững. Kinh phí hoạt động cho Phong trào, việc biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc còn hạn hẹp...

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương và các thành viên Ban chỉ đạo Phong trào tỉnh, đại diện một số sở, ngành liên quan của tỉnh đã đóng góp, trao đổi, thảo luận, nêu ý kiến, tập trung vào một số vấn đề: Về xây dựng văn hóa trong công nhân lao động, vai trò của các cấp Công đoàn; việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao nông thôn, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống vùng miền; việc xét phong tặng các danh hiệu nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian cho các cá nhân trong bảo tồn các di sản văn hóa; sự cần thiết tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, làm du lịch, dịch vụ... Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cho rằng Ninh Bình có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, khu điểm du lịch, danh lam thắng cảnh phong phú, do đó tỉnh cần có cơ chế chính sách, điều kiện tự nhiên, đào tạo bồi dưỡng con người để làm du lịch văn minh, thân thiện; nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như hát Xẩm, Chèo, Mo mường..., qua đó phát huy vai trò của di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong thực hiện phong trào, đặc biệt là các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở luôn xác định và coi việc thực hiện nội dung phong trào là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đưa vào trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện... Từ đó đạt được những kết quả phấn khởi trong 5 nội dung hoạt động của Phong trào, khẳng định văn hóa là nền tảng tư tưởng tinh thần, sức mạnh mềm, là động lực, nguồn lực để tỉnh phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL cũng nêu lên một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần tập trung thực hiện, như tiếp tục triển khai Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 28.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 318/QĐ-UBND ngày 04.4.2022 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn liền với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.. Quan tâm kiện toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về Phong trào. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong tổ chức xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Nâng cao chất lượng bình xét và công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Nghiên cứu đầu tư xây dựng các Trung tâm Văn hóa-Thể thao phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Tăng cường công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp địa phương, nhất là việc bình xét các danh hiệu văn hóa nhằm đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.

Cùng với đó, quan tâm bố trí kinh phí đảm bảo các hoạt động của Phong trào đạt hiệu quả thiết thực, tránh lãng phí nhưng cũng không để thiếu điều kiện hoạt động, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, gắn công tác bảo tồn di tích, di sản với phát triển du lịch. Quan tâm phát triển kinh tế, tạo nguồn lực phát triển văn hóa-xã hội. Làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào. Đặc biệt, Ninh Bình đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo trong triển khai thực hiện Phong trào, cần được duy trì, phát triển và nhân rộng ra các địa phương…Thay mặt đoàn kiểm tra, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy ghi nhận những kiến nghị của tỉnh Ninh Bình trong quá trình thực hiện phong trào nhằm đề xuất Trung ương xem xét, giải quyết trong thời gian tới. 

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Văn hoá là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội - Anh 3

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn phát biểu tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương

Tiếp thu ý kiến kết luận, chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, cũng như các ý kiến của Đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn, Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào tỉnh khẳng định, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm và dành nguồn kinh phí cho phát triển văn hóa, xem phát triển văn hóa là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và kiên trì thực hiện... Đồng thời, đề nghị các ngành, địa phương tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Phong trào, linh hoạt, sáng tạo, lồng ghép các nội dung phong trào phù hợp với nhiệm vụ, đặc thù của từng cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị cùng phấn đấu xây dựng môi trường văn hóa, văn minh.  

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc