Bồi đắp hệ giá trị văn hóa, con người Hà Nội:

Bài 2: Khi những giá trị cũ đã tròn sứ mệnh

THUÝ HÀ - THU TRANG; ảnh: TRẦN HUẤN; trình bày: LÊ MẠNH
Chia sẻ

VHO - Dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng trong ký ức của nhiều thế hệ người dân Hà Nội, những ngôi làng cổ vùng Kẻ Chợ (Thăng Long - Hà Nội xưa), những khu tập thể cũ từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước đã hằn sâu và mãi mãi không phai mờ.

Bài 2: Khi những giá trị cũ đã tròn sứ mệnh - ảnh 1
Bài 2: Khi những giá trị cũ đã tròn sứ mệnh - ảnh 2
Bài 2: Khi những giá trị cũ đã tròn sứ mệnh - ảnh 3

Sau giải phóng, đặc biệt là thời kỳ bao cấp, từ những tập thể đầu tiên ở Hàm Tử Quan (khu tập thể bờ sông) đã có thêm hàng loạt những khu tập thể cũ do Liên Xô hỗ trợ xây dựng như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Giảng Võ, Vĩnh Hồ, Nghĩa Tân, Thành Công, Thanh Xuân, Kim Giang… 

Một thời, những tập thể cũ này là bộ mặt của Thủ đô, nơi phần lớn được phân cho cán bộ, công nhân viên nhà nước… Thế hệ 5X, 6X, 7X, có vô vàn ký ức đẹp được hình thành trong những dãy nhà mà câu chuyện của một gia đình cũng có thể là chuyện của cả khu tập thể.

Thoát khỏi không gian làng xã, những khu nhà tập thể cấp 4 lợp giấy dầu hay những biệt thự cổ cũ nát với nhà vệ sinh không khép kín, không tự hoại…. thì những khu tập thể cao 3, 4, 5 tầng ở những khu dân cư nói trên, không ngập nước, không dột nát, công trình phụ khép kín, tường sơn vàng, ô cửa xanh thời đó là những hình mẫu nhà ở đáng mơ ước. Nói không quá là sự đổi đời.

Cư dân ở những khu tập thể này nhiều người không phải là dân Hà Nội gốc mà người tứ xứ tới. Có lẽ vì thế, các khu tập thể vẫn giữ được không gian chung và nếp sinh hoạt “xóm làng”. Đâu đó, vẫn bắt gặp cảnh buổi sáng một ông bố hoặc một bà mẹ đưa con mình và con hàng xóm đi học; tiếng con trẻ ríu rít “con chào bà, con chào ông” dưới sân; tiếng í ới gọi nhau rút quần áo khi trời mưa; tiếng hò nhau đóng van vì bể nước đầy…

Bài 2: Khi những giá trị cũ đã tròn sứ mệnh - ảnh 4

Người Hà Nội, cả người bản xứ lẫn dân nhập cư đều giữ được nét ứng xử văn minh, thanh lịch. Ở các khu tập thể cũng vậy, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, dĩ hoà vi quý, tôn trọng mọi người. Những hệ giá trị văn hóa của Hà Nội, một phần đã được hình thành và trao truyền, lưu giữ trong những dãy nhà nhuốm màu năm tháng như thế.

Đưa chúng tôi vào khoảng sân rộng rãi của khu tập thể, nơi giàn hoa sử quân tử đang nở hoa vàng vàng, cam cam rực rỡ, mấy ông già bà cả ngồi dưới hoa bầu bạn, đám trẻ nhỏ đang tập đi xe đạp, bà Nguyễn Thị Lâm (78 tuổi), nhà B3, ngõ 5 Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tập thể chúng tôi có người quê Hà Nội nhưng cũng nhiều người ở nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước cùng ở đây. Chúng tôi ai cũng coi đây là quê hương thứ 2 của mình, đều đã thoát ly từ khi trẻ, sống ở đây mấy chục năm. Chính việc thường xuyên ra đụng vào chạm, cùng một lối đi, cùng chung bể nước, chung cầu thang nên việc tôn trọng không gian chung, tôn trọng nhau được đặt lên hàng đầu và “bán anh em xa, mua láng giềng gần” là điều dễ hiểu”.

Bài 2: Khi những giá trị cũ đã tròn sứ mệnh - ảnh 5

Lối sống của người trong các khu tập thể cũ luôn thể hiện tính khiêm nhường, nói năng nhẹ nhàng, lễ phép, thanh lịch, văn minh, cần cù lao động. Sống ở giữa Thủ đô, những người không phải Hà Nội gốc lâu dần cũng hình thành nếp nghĩ, nếp ứng xử của người Hà Nội, giữ được cốt cách văn minh, thanh lịch ấy. Gia đình bà Lâm hiện nay có 3 thế hệ cùng chung sống trong căn hộ ở tập thể cũ này. Tuy điều kiện vật chất không thể bằng những khu chung cư, khu đô thị mới của thành phố nhưng không gian, môi trường sống rất dễ chịu, dân trí cao và người dân sống bên nhau rất hiền hoà, đùm bọc.

“Đến bây giờ, chúng tôi vẫn duy trì bữa cơm tất niên của cư dân toàn bộ tổ dân phố, hàng năm vẫn đi du lịch cùng nhau, cùng vui tết Trung thu, liên hoan Tết thiếu nhi…. để trẻ em, người lớn, hàng xóm láng giềng thắt chặt tình đoàn kết”.

Bà Nguyễn Thị Lâm kể, bao nhiêu năm sống cùng nhau, chưa thấy lời bấc, tiếng chì bao giờ. Ai cũng thân ái, yêu thương nhau. Đặc biệt là hồi dịch Covid-19 hoành hành, các nhà chia nhau từng cây bắp cải, từng lạng thịt, từng cân gạo, từng chiếc khẩu trang. Nhớ lại, vẫn thấy sợ hãi dịch bệnh nhưng lại vô cùng ấm áp về tình người trong gian khó, hoạn nạn.

Bài 2: Khi những giá trị cũ đã tròn sứ mệnh - ảnh 6

Sau nửa thế kỷ, đất nước thay đổi, xã hội thay đổi, cuộc sống của người dân cũng có nhiều thay đổi. Mấy chục năm, những căn hộ 20-30m2 được cơi nới, làm thêm “chuồng cọp” để có thêm không gian sinh hoạt, phục vụ cuộc sống và nhu cầu riêng của các gia đình, đến giờ nhiều nhà đã có 3 thế hệ cùng chung sống. Những bất cập, tồn tại, mâu thuẫn thế hệ phát sinh. Cuộc sống của người dân vì thế có phần bức bối.

Những khu tập thể cũ giờ chỉ còn khoảng 30-40% là những gia đình được phân nhà, ở những thời kỳ đầu, còn lại là dân nhập cư, người ở địa phương khác về.

Thành phần cư dân sinh sống thay đổi, kéo theo nếp sinh hoạt văn hoá, cộng đồng thay đổi. Nhiều khu tập thể cũ bây giờ không ai biết mặt ai, ở cạnh nhà nhau cả năm không gặp, gặp nhau cũng không biết ở phòng nào để chào hỏi. Những hệ giá trị vốn được xem là chuẩn mực trong những tháng năm cũ, giờ đây phai phôi, nhạt nhòa đi không ít.

Bài 2: Khi những giá trị cũ đã tròn sứ mệnh - ảnh 7

“Đứt gãy” về giao tiếp cộng đồng, xáo trộn trong lối sống, nếp sống văn minh nơi công cộng khiến nhiều người luyến tiếc và day dứt khi nghĩ về những tháng ngày ấm áp tình hàng xóm ngày trước.

Tiếc nuối, nhớ nhung khi đám bạn ngày trẻ sống trong những dãy nhà tập thể cũ nay có dịp cùng gặp lại, hàn huyên ký ức. Nhưng thảng trong những câu chuyện ấy, nhiều người cũng cho rằng, có vẻ như trong bối cảnh thời cuộc bây giờ, những giá trị cũ, trong đó có những giá trị văn hóa ở nhà tập thể đã làm tròn sứ mệnh. Đã đến lúc phải có những thay đổi phù hợp với thời cuộc, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhân dân trong tình hình mới.

Năm 2004, M3-M4 Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) đưa vào sử dụng là một trong những khu chung cư hiện đại đầu tiên của Hà Nội. Sau đó, hàng loạt các khu chung cư cao tầng (không phải 3,4,5 tầng như trước đây mà là 20-40 tầng), biệt thự, nhà ở liền kề... Không phải mấy chục, mấy trăm hộ trong một khu tập thể mà hàng nghìn, chục nghìn hộ trong những khu đô thị, khu chung cư, thành phố thông minh…

Những đô thị, chung cư san sát mọc lên: Nam Trung Yên, Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Bắc Thăng Long, Vinhomes Ocean Park, Vinsmart city, Royal city, Times city, Bắc Hà, Nam Cường, An Hưng, Tây Mỗ - Đại Mỗ, Dương Nội, Văn Phú, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Ciputra- Nam Thăng Long, Thanh Hà, Gamuda, Vinhomes Riverside, The Manor Central Park…

Dáng dấp hào nhoáng của những đô thị hiện đại cũng đã tạo ra những “cơn địa chấn” về bất động sản, nhà ở, tạo ra các cuộc di dân từ mặt đất, nhà tập thể đến những tầng cao, kéo theo là những làn sóng chuyển nhượng, thay đổi chỗ ở đến chóng mặt. Nhiều giá trị mới của văn hóa, con người Hà Nội bắt đầu được hình thành, thay thế giá trị cũ đang ngày càng mờ nhạt.

Bài 2: Khi những giá trị cũ đã tròn sứ mệnh - ảnh 8

Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 17.3.2021 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn; bảo đảm tính bền vững của quá trình đô thị hóa, đồng thời giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị.

Trong đó, Chương trình xác định “Hoàn thành xây dựng đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại hai đến ba khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại”.

Trước mắt thực hiện việc di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D; thực hiện thí điểm dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể chung cư cũ Nguyễn Công Trứ; hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, thông tin; tiến độ thực hiện 38 dự án, công trình trọng điểm thuộc Chương trình...

Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU cũng đã đề nghị các đơn vị rà lại kế hoạch năm 2024 và tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế trong việc triển khai cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ nhằm phù hợp hơn với thực tiễn triển khai. Trước đó, năm 2021, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ ưu tiên triển khai trong đợt 1 là 4 khu có nhà nguy hiểm cấp độ D (gồm Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp) và 6 khu có tính khả thi cao (gồm Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân).

Bài 2: Khi những giá trị cũ đã tròn sứ mệnh - ảnh 9

Rồi sẽ đến lúc, Hà Nội sẽ không còn những khu tập thể cũ, những cầu thang tối với dây điện loằng ngoằng giăng như mạng nhện, những bể nước dùng chung, những bảng đen dưới gầm cầu thang ghi đủ thứ dặn dò cư dân. Nhưng những câu chuyện về ngày tháng cũ, những khu tập thể một thời với những căn hộ “trong mơ” ngày ấy thì sẽ vẫn được kể cho thế hệ sau nghe.

Và dù thế nào, vẫn luôn có một sợi dây kết nối các hệ giá trị cũ và mới, khi những dãy nhà tập thể không còn là lựa chọn tối ưu nhưng vẫn tồn tại như một phần thực thể của cuộc sống, văn hóa Hà Nội. Những hệ giá trị văn hóa, con người Thủ đô ít nhiều vẫn được duy trì trong nếp sống của nhiều dãy nhà tập thể mà tuổi đời cũng ngót ngét 5-6 thập kỷ.

Những năm trở lại đây, dù vẫn còn ở trong các khu tập thể cũ, điều kiện sinh hoạt thua kém nhiều so với các chung cư mới, hiện đại nhưng các tổ dân phố, khu dân cư tích cực hơn trong việc vận động người dân thực hiện nếp sống mới, đặc biệt là có những thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện tại. Từ đó, góp phần xây dựng hệ giá trị gia đình, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới.

Chỉ thị 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 19.2.2024 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” xác định, với vị trí, tầm vóc của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước, Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó thường xuyên nhấn mạnh vai trò gương mẫu, đi đầu trong phát triển văn hóa, con người.

Tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu “Hà Nội cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc”.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Tổ trưởng Tổ dân phố 14 (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) chia sẻ, ghi nhớ lời của  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại nhưng phải tôn trọng pháp luật”.

Bài 2: Khi những giá trị cũ đã tròn sứ mệnh - ảnh 10

Để tiếp tục nâng cao hiệu và xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trên địa bàn, mà trước hết là để phục vụ đời sống người dân, cuối năm 2022, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành quyết định về việc công nhận Quy ước xây dựng đời sống văn hoá của 29 Tổ dân phố phường Thanh Xuân Trung.

“Từ đó đến nay, chúng tôi thường xuyên vận động người dân thực hiện theo Quy ước này, khuyến khích mọi người dân chấp hành nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và quản lý của chính quyền địa phương”, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết.

Các vấn đề về xây dựng hạ tầng cơ sở, bảo vệ công trình công cộng; xây dựng nếp sống văn minh; giáo dục; giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy… cũng được tuyên truyền, vận động đến từ tổ dân phố, từng hộ dân, từng cư dân thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật và Quy ước.

“Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi tình trạng cháy nổ diễn ra nhiều hơn trên địa bàn thành phố, để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chúng tôi đã thường xuyên vận động từng hộ dân nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy, nhà nào cũng có bình cứu hoả, sử dụng thiết bị điện an toàn; thực hiện tháo dỡ “chuồng cọp”, tạo lối thoát hiểm, hoá vàng mã ở đỉnh hoá vàng mã chung ngoài trời…”, ông Nguyễn Xuân Hồng nhiều lần nhắc lại với chúng tôi.

Như những “cánh tay nối dài” của pháp luật, các quy định trong quy ước, hương ước  của dân, do dân và vì dân, đã được người dân biết, dân bàn, dân thực hiện, góp phần tạo sự chuyển biến, đóng góp tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hoá ở các khu dân cư, tổ dân phố. Đồng thời, cũng từ những quy định đó đã giúp duy trì lối ứng xử chuẩn mực; gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch người Hà Nội.

Trong câu chuyện với chúng tôi về những giao thoa nét văn hóa cũ- mới của người Hà Nội, nhiều bậc cao niên- chứng nhân một thời trong ký ức trên đất kinh kỳ cho rằng, không thể nói thay thế những giá trị cũ là bỏ luôn, cũng như sự tồn tại của những nhà tập thể cũ sẽ mãi là những dấu ấn của cuộc sống Hà Nội một thời.

Nhưng có lẽ, khi đã tròn sứ mệnh, cũng đã đến lúc cần tới một cuộc dịch chuyển hài hòa, từ đó tạo dựng thêm, bồi đắp thêm những hệ giá trị mới trong dòng chảy văn hóa trên mảnh đất ngàn năm văn hiến này, "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm"; "nơi hội tụ, kết tinh và toả sáng nền văn hoá, văn minh của dân tộc".

Bài 2: Khi những giá trị cũ đã tròn sứ mệnh - ảnh 11