Trạm Tây Phương Cực Lạc- Công trình văn hóa tâm linh đặc sắc
VHO - Chúng tôi về thăm Trạm Tây Phương Cực Lạc (thôn Phú Lễ, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội), một làng quê xứ Đoài thuần hậu, hiếu khách bên dòng Tích Giang hiền hòa, thơ mộng. Rất đỗi ngạc nhiên và ấn tượng khi lần đầu tiên được đến thăm một công trình văn hóa tâm linh đặc sắc và độc đáo.
Ngôi đền thờ những người con của làng
Ở Việt Nam, chưa có một làng quê nào có đền thờ vong linh những người con của làng. Trạm Tây Phương Cực Lạc là ngôi đền hương khói, thờ cúng vong linh những người con của Làng Phú Lễ đã từ trần từ khi lập làng cho đến hôm nay và muôn đời về sau.
Ngôi đền thờ hàng ngàn vong linh những người con của Làng Phú Lễ. Việc hương khói, thờ cúng không chỉ vào ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng, mà được thực hiện cả 365 ngày trong năm.
Nơi đây, nhang luôn luôn cháy và hoa tươi luônn tỏa hương thơm. Những ngày lễ, Tết, Rằm tháng 7 âm lịch, ngày đám theo lệ làng, dâng cúng cỗ mặn giống như ở ban thờ gia tiên các gia đình.
Người dân Làng Phú Lễ tin thế giới tâm linh là có thật! Hương khói 365 ngày trong năm để vong linh những người con của làng quây quần, vui vẻ bên nhau, bớt mòn mỏi ngóng đợi con cháu đến thăm viếng; để vong linh những người không có con được vỗ về, an ủi.
Người dân Làng Phú Lễ cũng tin rằng, trải qua hàng ngàn năm từ khi lập làng cho đến nay, tất cả các ngày trong năm đều là ngày giỗ của một ai đó đã mất. Hương khói 365 ngày trong năm để không ai bị mất giỗ
Các cụ, các bà, các cô, các chị lấy chồng ngoài Làng Phú Lễ, theo phong tục thì “sống quê cha, ma quê chồng” nhưng sau khi từ trần, nếu không được hương khói, thờ cúng chu đáo thì vong linh cũng có thể về đây quây quần với vong linh cha mẹ, anh chị em và những người trong làng.
Truyền thống của người Việt Nam là “lá lành đùm lá rách”, nhưng khi qua đời, những vong linh yếu thế chỉ được cúng một lần duy nhất vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch…, Trạm Tây Phương Cực Lạc có một ban thờ riêng hương khói, thờ cúng 365 ngày trong năm giống như những người con của Làng Phú Lễ đã từ trần.
Điều này thể hiện tinh thần của người làng Phú Lễ, không chỉ đối xử nhân văn với những người yếu thế, mà với cả những vong linh cô hồn yếu thế.
Người Việt Nam cũng có phong tục không đưa người chết bên ngoài gia đình về nhà vì quan niệm dân gian cho rằng mang “ma” về nhà là mang điều không may về cho gia đình, dòng họ, làng xóm. Người Việt Nam nói đến đám cưới là đến chung vui, đến đám ma là đến chia buồn nhưng phong tục này là phong tục nhân buồn. Trạm Tây Phương Cực Lạc trở thành nơi tổ chức tang lễ cho những người chết ở bên ngoài gia đình đã hóa giải được câu chuyện phong tục buồn này.
Nơi thể hiện tình nhân ái, nhân văn
Ở các làng quê Việt Nam, khi có một người từ trần, Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trong làng sẽ đến phúng điếu, thắp hương, chia buồn. Ở Làng Phú Lễ cũng thực hiện như vậy và có thêm một cử chỉ rất nhân ái, nhân văn, đó là Trạm Tây Phương Cực Lạc sẽ thỉnh chuông, dâng lễ vật kính báo với cộng đồng vong linh những người đã mất chuẩn bị đón một người con của làng đã rời cõi tạm, về với tổ tiên; đồng thời, kéo cờ tang và treo 3 ngày để bày tỏ niềm tiếc thương.
Cờ tang riêng này, người dân Làng Phú Lễ có thể nhận biết dễ dàng khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin nghe nhìn. Khi trên FB, Zalo xuất hiện hình ảnh cờ tang tại Trạm Tây Phương Cực Lạc, người dân Làng Phú Lễ ở nơi xa biết rằng, nơi quê nhà đã có một người ra đi.
Thành kính hương khói, thờ cúng Tam Thánh Phật, nhân dân Làng Phú Lễ đã cùng các vị cao tăng trụ trì ở 10 chùa tổ chức trọng thể, trang nghiêm Lễ thỉnh Tam Thánh Phật và thỉnh thần linh, thổ địa cai quản Làng Phú Lễ về ngự tại Trạm Tây Phương Cực Lạc; đồng thời, làm Lễ thỉnh gọi tất cả vong linh những người con của Làng; vong linh những cô hồn vất vưởng về đây nương tựa dưới chân Tam Thánh Phật.
Ban thờ Tam Thánh Phật tại Trạm Tây Phương Cực Lạc được xây dựng uy nghi, linh thiêng. Trên ban thờ, Phật A Di Đà ngự ở chính giữa, ngài là giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc. Bên tay trái của ngài là Phật Bồ Tát Quan Âm, biểu tượng của từ bi, bác ái, cứu khổ chúng sinh. Bên tay phải của Phật A Di Đà là Phật Đại Thế Chí Bồ Tát, biểu tượng của sự thông tuệ.
Người dân Việt Nam thờ cúng Tam Thánh Phật để cầu mong các ngài độ trì cho vong linh cho những người đã chết được siêu thoát về miền Cực Lạc, độ trì cho những người đang sống được bình an, may mắn, hanh thông trong công việc. Trạm Tây Phương Cực Lạc thờ cúng Tam Thánh Phật và thế giới tâm linh bằng hương, hoa, trà, quả thực với tấm lòng thành kính, không cúng, đốt vàng mã; không hầu đồng, không xem bói và không có các hoạt động mê tín dị đoan.
Ở Làng Phú Lễ, Trạm Tây Phương Cực Lạc là điểm đến của tất cả nam, phụ, lão, ấu. Nơi đây, người dân Làng Phú Lễ hàng ngày vào tránh nắng, trú mưa, đến ngồi thư giãn, uống nước, ăn trầu, nói chuyện, trao đổi, chia sẻ thông tin, tăng thêm tình thân xóm làng.
Việc hương khói, thờ cúng các bậc tiền nhân 365 ngày trong năm tại Trạm Tây Phương Cực Lạc vừa thể hiện truyền thống hiếu kính đối với các bậc tiền nhân, vừa có tác dụng giáo dục trực tiếp đối với các thế hệ trẻ về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Công trình kiến trúc đặc sắc
Ở Việt Nam, các công trình tâm linh truyền thống được xây dựng với những đường nét kiến trúc đặc trưng, khác biệt hoàn toàn so với kiến trúc nhà ở. Đồ thờ cúng truyền thống được sơn son thếp vàng đầy màu sắc huyền bí. Trạm Tây Phương Cực Lạc được xây dựng hoàn toàn khác biệt so với kiến trúc các công trình tâm linh truyền thống. Nhìn từ xa giống như một biệt thự nhà ở và hoàn toàn không có đồ thờ cúng sơn son thếp vàng.
Người dân Làng Phú Lễ nói, công trình được các kiến trúc sư thiết kế với 3 tiêu chí: linh thiêng, sang trọng và gần gũi. Thước đo của sự linh thiêng là những người hay nói tục, hay chửi bậy khi ở trong ngôi nhà này sẽ không nói tục, không chửi bậy. Thước đo của sự sang trọng là khi ở trong ngôi nhà này có cảm giác đang ở sảnh một khách sạn, một trung tâm hội nghị. Thước đo của sự gần gũi là toàn bộ kiến trúc đền thờ giống như một ngôi nhà ở.
Công trình xây dựng một tầng nhưng có chiều cao 10 mét. Tường nhà chỗ mỏng nhất 45 cm, 4 góc tường dày 65 cm. Hệ thống cột ốp tường lớn, các chân cột góc 240 cm, cho khách đến thăm cảm giác kiên cố vững chắc. Ngoại thất với những đường nét kiến trúc đặc sắc, hài hòa, thẩm mỹ cao. Trong nhà, trên tường là phào chỉ, hoa văn khuôn tranh theo kiểu biệt thự tân cổ điển, sang trọng.
Với ý tưởng thiết kế khi nhìn từ xa, công trình như một bình hoa khổng lồ dâng lên trời đất, dâng lên thế giới tâm linh. Cho nên, trên sân thượng có 5 chậu trồng cây, 4 chậu ở góc sân mỗi chậu chứa hơn 3m3 đất. Chậu siêu lớn ở giữa 24m2, cao 3,2 mét, bê tông đáy và vách đúc liền khối dày 30 cm, lòng chậu chứa 50m3 đất. Sau này nhìn từ xa, tòa nhà là bình hoa và vườn cây là phần hoa phía trên bình hoa.
Người dân Làng Phú Lễ gọi nơi đây là Trạm Tây Phương Cực Lạc vì 3 lý do. Thứ nhất, nơi đây, những vong linh chưa được siêu thoát quây quần bên nhau dưới chân Tam Thánh Phật chờ để được các ngài độ trì, dẫn dắt về cõi Cực Lạc và nơi đây, vong linh các bậc tiền bối đã siêu thoát về cõi Cực Lạc, hoan hỉ đón nhận sự thành kính của các thế hệ hậu sinh!
Thứ hai, nơi đây là “trạm tiễn biệt” thành kính đối với những người con của làng ra đi, cũng là “trạm đón tiếp” của cõi thiêng với những người con của làng rời cõi tạm.
Thứ ba, nơi đây làm lễ cho người từ trần “nhập khẩu” vào nghĩa trang hung táng của làng; làm lễ cho người đã cải cát, đã hỏa táng “nhập khẩu” vào nghĩa trang cát táng của làng.
Trạm Tây Phương Cực Lạc là một công trình văn hóa tâm linh đặc sắc và độc đáo. Nơi thể hiện niềm tin thành kính đối với thế giới tâm linh; nơi thể hiện tình yêu thương, nhân ái, nhân văn đối với những người đã từ trần; nơi kết nối tình thân xóm làng giữa những người đang sống với nhau và kết nối giữa những người đang sống với những người đã mất.