Đề án xây dựng “Làng Văn hóa đặc trưng” ở Hòa Vang (Đà Nẵng):

Giữ lấy “nét làng”

NGỌC HÀ

VHO - Xác định việc xây dựng “Làng Văn hóa đặc trưng” sẽ góp phần bảo tồn đời sống văn hóa, phong tục tập quán, phát huy giá trị lễ hội đặc sắc, cùng với nếp sống lâu đời, người dân hai thôn Phong Nam (xã Hòa Châu) và thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong), huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã nhất trí cùng chung tay xây dựng đề án “Làng Văn hóa đặc trưng” với tinh thần thống nhất cao.

Giữ lấy “nét làng” - ảnh 1
Người dân Bồ Bản mong muốn đời sống văn hóa tâm linh truyền thống của làng được bảo tồn, duy trì

Bảo vệ cuộc sống an bình, ấm no hạnh phúc

Dạo một vòng quanh con đường làng, anh Đặng Quốc Việt, cán bộ Phòng VH-XH xã Hòa Châu tự hào giới thiệu với Văn Hóa: “Làng Phong Nam còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc quan trọng như đình làng Phong Lệ (cũng là đình thờ Thần Nông), nhà thờ tiền hiền chư phái tộc, miếu Thái giám, cảnh quan làng quê truyền thống với ruộng đồng xanh tươi, lũy tre xanh, đường làng, giếng cổ…”.

Theo quan sát của chúng tôi, trên những con đường quanh co uốn khúc như dải lụa bạch, người dân Phong Nam hiền hòa vẫn giữ được phiên chợ quê trong dòng chảy đô thị. Năm 2018, Phong Nam được UBND huyện Hòa Vang công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Nơi đây vẫn ít nhiều giữ được “nét làng”, duy trì đời sống văn hóa, lễ hội đặc trưng thường niên, đặc biệt là Lễ hội Mục đồng “độc nhất vô nhị” trên cả nước. Bên cạnh đó, Phong Nam có một số làng nghề truyền thống như làm bánh tráng, bánh ít lá gai, bánh gói vẫn được người dân duy trì hoạt động; 4 ngôi nhà cổ cần được bảo tồn, gìn giữ.

Ông Ngô Tất Hiền, Trưởng làng Phong Lệ (thôn Phong Nam) cho biết, đa số người dân đều đồng ý chung sức thực hiện đề án và đề nghị các cấp chính quyền quan tâm sớm xây dựng hương ước, quy ước về nếp sống văn hóa, văn minh phù hợp với “Làng văn hóa đặc trưng” thôn Phong Nam. “Bà con từ lâu vẫn giữ được tư tưởng hiền hòa, nghĩa tình, do vậy phải xem sự chuyển đổi có phù hợp với đời sống của họ hay không. Dân làng không đòi hỏi điều gì to tát, nhưng những nét đặc thù như cuộc sống bình yên, văn hóa, lễ hội truyền thống phải được duy trì…”, ông Hiền nói.

Bà Lý Thị Hoa, người dân làng Phong Lệ bày tỏ, khi được phổ biến để xây dựng “Làng Văn hóa đặc trưng”, bà con đều mong muốn gìn giữ được nét đẹp truyền thống của làng quê. “Nếu đề án mở công viên cây xanh đi dạo thì nên phù hợp với khung cảnh và văn hóa của làng. Chúng tôi cũng mong muốn đình Thần Nông và các nhà thờ cổ sẽ được tôn tạo để phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của bà con”.

Nâng cao đời sống văn hóa, giữ gìn di sản cha ông

Cùng với thôn Phong Nam (xã Hòa Châu), thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong) cũng được chọn để xây dựng đề án “Làng Văn hóa đặc trưng”. Năm 2021, thôn Bồ Bản được UBND huyện Hòa Vang công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Làng Bồ Bản có bề dày lịch sử 500 năm, ngôi đình làng là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Cùng với đó là quần thể các công trình văn hóa có giá trị như miếu Thần Nông, mộ tiền hiền, giếng cổ, Âm Linh tự… Ngoài ra, có hai cơ sở tôn giáo là chùa Phật giáo Hưng Quang và chùa Minh sư Thọ Quang.

Trao đổi với Văn Hóa, ông Tán Văn Kim, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Bồ Bản cho biết, đời sống văn hóa tâm linh của người dân trong thôn được thể hiện rõ nét thông qua sự tham gia hưởng ứng vào những hoạt động lễ hội hằng năm. Vì thế, khi xây dựng “Làng Văn hóa đặc trưng thôn Bồ Bản”, cơ quan chức năng cần quan tâm trùng tu các thiết chế văn hóa; có phương án cải tạo đất hoang, đất nông nghiệp không sản xuất để trồng các tuyến đường hoa phục vụ cảnh quan du lịch...

Tại hội nghị lấy ý kiến người dân do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức, hơn 300 ý kiến của người dân Hòa Phong cho thấy đa phần bà con đồng ý với việc xây dựng “Làng Văn hóa đặc trưng thôn Bồ Bản”. Bên cạnh đó, họ cũng góp ý một số nội dung cần bổ sung trong quá trình hoàn thiện và triển khai đề án, như đề nghị sớm triển khai xây dựng nhà văn hóa thôn, cải tạo khu thể thao, xây dựng khu quần thể di tích, xây dựng cổng làng cho tương xứng với tên gọi của Làng văn hóa đặc trưng… Đề án cần cụ thể hóa mục tiêu, kế hoạch phát triển nghề truyền thống, tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm và đầu tư giới thiệu nghề truyền thống như gói bánh tét, bánh gói, bánh tráng và thương hiệu ớt Bồ Bản. Ngoài ra đề án cần quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, trong đó khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước tại kênh N1, kênh Bàu Thị…