Anh nông dân say mê sưu tầm cổ vật

NGỌC DIÊN

VHO - Được mời tới nhà thăm kho cổ vật của anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1971, ở thôn 6, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), chúng tôi rất vui mừng và hứng thú với bộ sưu tập đồ sộ của anh.

Kho sưu tập không giống ai

Anh Hưng người gốc ở tỉnh Tuyên Quang. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ năm 1998 anh đã quyết tâm xa quê tìm vào mảnh đất Tây Nguyên lập nghiệp, nên con đường học tập của anh cũng sớm đứt đoạn khi anh mới học xong lớp 7.

 Kinh tế cũng chẳng có gì khả giả mà hơn suốt 20 năm qua, anh Hưng miệt mài, lặn lội khắp các buôn làng (chủ yếu là Tây nguyên) để săn tìm những món đồ mà theo anh phải độc, dị, lạ để rồi bằng mọi giá anh phải đưa được về nhà.

Kiến thức cổ vật có hạn hẹp; tiền bạc cũng không, anh nông dân này bước vào nghiệp sưu tầm cổ vật “hổng giống ai”; thậm chí có người bảo anh là: Hưng hâm. Hàng loạt biệt danh Hưng hâm đồ cổ, đá cổ,…

Anh nông dân say mê sưu tầm cổ vật  - ảnh 1
Bộ sưu tập của anh Hưng đã quá tải so với căn nhà nhỏ của anh

Nhiều khi không có tiền anh sẵn sàng đi vay lãi cao, thậm chí giấu vợ con mang toàn bộ số tiền bán nông sản cả năm của gia đình đi mua bằng được món đồ mình ưng mắt…

Mặc dù kiến thức về cổ vật, về văn hóa, lịch sử đặc biệt là thời cổ đại đối với anh nông dân này gần như chỉ là con số 0 thế nhưng với niềm đam mê cháy bỏng của mình, anh Hưng vẫn quyết tâm dấn thân vào con đường sưu tầm đồ cổ.

Bước chân vào ngôi nhà mái tôn lụp sụp giữa rừng của anh Hưng, chúng tôi thật sự lúng túng, bởi đồ đạc sắp xếp hết sức tùy tiện; nhưng choáng ngợp bởi số lượng những món đồ mà anh Hưng sưu tầm được.

Từ ngoài hiên đến tường nhà rồi khu bếp, thậm chí là trong gầm giường, gầm chạng, cũng có rất nhiều đồ vật dị họm. Đi lại trong nhà nếu không cẩn thận rất dễ dẫm chân hoặc đụng đầu vào đồ vật. Có thể nói, chủ nhân của ngôi nhà đã biến nơi sinh hoạt của mình thành một bảo tàng thu nhỏ với vô số cổ vật.  

Cái duyên cái nghiệp

Theo anh chia sẻ, anh bắt đầu sưu tầm cổ vật từ năm 2002, đến nay đã được hơn 20 năm. Với anh niềm đam mê với cổ vật đến với mình như một cái duyên “tiền định”, khi trong một lần đi làm thuê anh vô tình đào được một chiếc búa bằng đá từ thời xa xưa. 

“Cầm viên đá trên tay, nhìn những đường nét được các tiền nhân chạm trổ một cách tinh xảo, khiến tôi mê mẩn ngồi ngắm hàng giờ mà không biết chán. Có lúc tôi cầm phiến đá trên tay mường tượng ra nhiều điều lý thú mà người xưa sử dụng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày", anh Hưng nói.

Anh nông dân say mê sưu tầm cổ vật  - ảnh 2
Những món đồ sưu tầm của anh Hưng nhiều đến mức anh cũng không đếm xuể

Thông thường, việc sưu tầm đồ cổ chỉ dành cho những đại gia “lắm tiền, nhiều của”, thế nhưng với niềm đam mê cháy bỏng của mình, anh nông dân Nguyễn Văn Hưng vẫn ngày ngày lăn lộn trên mọi nẻo đường, buôn làng Tây Nguyên để săn lùng cổ vật. Để thỏa đam mê của cá nhân mình mà đã có những lần anh nông dân rơi vào tình huống dở khóc dở cười.

Có lần bản thân đã rất ưng mắt một chiếc ché cổ của một gia đình người đồng bào Jarai thế nhưng trong nhà chẳng còn nghìn nào để mua. Anh đành hẹn người bán cho mình 3 ngày để xoay tiền sẽ đến “rinh” cổ vật về. Thế nhưng, về đến nhà anh không sao ngồi yên một chỗ vì lo lắng sẽ có người khác mua mất chiếc ché đó. Điều đáng buồn nhất đối với dân sưu tầm cổ vật là khi đã thấy món đồ mà lại không thể sở hữu nó.

Đã gần 21h tối, anh Hưng vẫn không chịu đi ngủ, cứ đi ra đi vào khiến vợ con cảm thấy rất lo lắng tưởng anh xảy ra chuyện gì. Rồi bỗng nhiên anh xách xe chạy đi đâu đó khoảng 2 tiếng đồng hồ sau mới về, mang theo một chiếc ché cũ kĩ nhưng miệng thì cười rất tươi. 

Về sau, nghe anh Hưng kể lại gia đình mới biết là vì sợ không mua được chiếc ché cổ nên đêm hôm anh vẫn đánh liều đi vay tiền lãi cao của người ta rồi nhất quyết phải mang bằng được nó về nhà mình trước khi trời sáng.

Hay có lần, chị Hà Thị Thủy (vợ anh Hưng) vừa bán được gần 100 triệu tiền cà phê. Vì nhà cửa không kiên cố sợ bị mất trộm nên chị đã cất rất kỹ. Vậy mà, hôm đó khi đi làm rẫy về chị phát hiện số tiền cả năm vất vả làm rẫy của mình “không cánh mà bay”. Tá hỏa, tưởng có kẻ trộm lẻn vào nhà lấy mất chị toan đi báo công an. Nào ngờ, vừa bước ra tới cổng thì gặp ông chồng chạy xe máy về chở theo mấy bao tải cồng kềnh. Chị kể lại câu chuyện mất tiền cho chồng để nhờ anh chạy xe máy đi báo công an cho nhanh. 

Nào ngờ, nghe xong câu chuyện, anh Hưng chỉ nhe răng ra cười rồi chỉ tay vào mấy bao tải đang để trên xe: “Anh mượn tạm tiền của em đi mua ít đồ không sợ người ta bán cho thương lái mất. Có gì ít hôm nữa vay được tiền ngân hàng anh đưa lại cho em đóng tiền học cho các con và mua phân bón rẫy…”. 

Mong ước có một viện bảo tàng của riêng mình

Theo anh Hưng chia sẻ, trong số những đồ cổ anh siêu tập được có những cái có gia strị rất cao được người ta trả tới tiền tỉ nhưng anh nhất quyết không bán. 

Anh nông dân say mê sưu tầm cổ vật  - ảnh 3
Đồ sưu tầm của anh Hưng đã quá tải so với căn nhà trong rừng của anh

 

Không phải anh không muốn có một cuộc sống giàu sang, không muốn vợ con có được một căn nhà khang trang, sạch sẽ để ở. Thế nhưng, với bản thân anh những cổ vật này ngoài giá trị về tiền bạc thì nó còn mang trong mình giá trị về văn hóa, lịch sử của dân tộc, của tổ tiên. Và giá trị về tinh thần thì là vô giá nên anh mong muốn mình sẽ góp một phần công sức gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc cho muôn đời sau.

Tiến sĩ Lê Hải Đăng, Viện khảo cố học Việt Nam, đánh giá các món đồ của ông Hưng mang lại gia trị nghiên cứu khảo cổ học tiền sử ở Tây Nguyên và bản địa, nếu khai thác hiệu quả thì nó khơi dậy tính cộng đồng rất cao. Đặc biệt, bộ sưu tập có nhiều hiện vật thể hiện chứng cứ về một quy trình sản xuất công cụ đá tại chỗ ở Tây Nguyên”.

Anh nông dân say mê sưu tầm cổ vật  - ảnh 4
Sau những nỗ lực sưu tầm lưu giữ cổ vật, ngày 12-4-2024, anh Hưng đã đem cổ vật trưng bày tại Lễ hội Văn hóa dân tộc Tây nguyên lần thứ III tại Gia Lai

Suốt hơn 20 năm qua, anh Hưng đã bỏ công sức và tiền của để lang thang khắp mọi ngóc ngách, các buôn làng để tìm kiếm, sưu tập vì sợ các hiện vật, cổ vật này bị mai một. Ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai, cho biết: “Tôi đã nghe chuyện anh Hưng dày công sưu tầm hiện vật văn hóa về trưng bày. Về góc độ quản lý nhà nước, tôi khuyến khích và đánh giá cao các thành phần (cá nhân, doanh nghiệp…) sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa. Vì thế, việc sưu tầm của anh Hưng là đáng khen, đáng hoan nghênh”.

Cũng theo ông Vũ, có nhiều tiêu chuẩn cũng như điều kiện để mở bảo tàng tư nhân. Nếu anh Hưng có ý thành lập bảo tàng tư nhân thì nên tìm hiểu xem có đảm bảo quy định hay không. Nếu đảm bảo, ngành Văn hóa sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ về mặt thủ tục tối đa cho anh Hưng.