Tháo rời những “điểm nghẽn” thờ ơ
VHO - Dư luận những ngày qua đặc biệt chú ý đến hai từ “điểm nghẽn” khi nhận ra chủ trương lớn của Trung ương, về vận động phát triển kinh tế, xã hội đất nước, cần tích cực thúc đẩy sự đổi mới, đột phá sáng tạo, từ trong chính nhận thức và hành động của mỗi con người.
Mạnh dạn đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực đã là một chọn lựa tốt, nhưng đồng cảm được, quan tâm hơn đến những vấn đề rất bình thường của cuộc sống, dẫn đến những chia sẻ, đồng cảm cần thiết, là chọn lựa quan trọng hơn của mỗi người.
Theo đó, trong một vài ngày qua, cái khí chất thay đổi, quan tâm của cộng đồng xã hội đối với những vấn đề tinh tế hơn trong cuộc sống, đã được biểu đạt. “Con chúc cô bò nhanh như con cua”. Lời chúc dịp 20.11 này của một cậu học trò tiểu học, gần như trở thành tâm điểm được sẻ chia và bày tỏ yêu thương, với cả một cộng đồng mạng xã hội. Cô giáo trong đoạn clip ghi nhận những món quà tri ân trong ngày Hiến chương Nhà giáo, đã thật sự hạnh phúc khi nhận các lời chúc, món quà từ học sinh của mình, và nhiều hơn thế, là sự hoan hô cổ vũ của cả cộng đồng xã hội. Chưa bao giờ, câu chuyện ân nghĩa thầy trò, giữa thời cuộc khó khăn hiện nay lại được khen ngợi và quan tâm đến vậy.
Cũng tương tự thế, hình ảnh về những phụ huynh xếp hàng ngay ngắn ở cổng trường khi đón con ở một trường tiểu học Quảng Trị, đã thu hút rất nhiều lượt chia sẻ và đồng thuận từ cộng đồng mạng xã hội. Hình ảnh tích cực ấy đã đẩy dạt đi những hình ảnh chen lấn, lộn xộn đâu đó trong cuộc sống hằng ngày, ở nơi đô thị, khiến mỗi người tự nhiên nhận ra lẽ xấu, đẹp trong hành vi cư xử của mình, qua đó thức tỉnh trách nhiệm và những giá trị tốt đẹp hơn. Rõ ràng, những mẩu chuyện nhỏ này thể hiện một tâm lý khác biệt của xã hội, trước những gì đang diễn ra. Thay vì những lên án, dè bỉu, nhìn tiêu cực ở mỗi sự việc, cộng đồng đang khác đi, nhìn thấy những “điểm nghẽn” văn hóa ứng xử, mà cùng nhau thay đổi, và từ đó tác động tích cực hơn đến nhận thức, suy nghĩ ở mỗi con người.
Trong một góc cạnh khác, ngành Văn hóa những ngày qua đặc biệt lưu tâm đến Ngày Di sản Việt Nam, đồng loạt đưa ra các thông tin về những bảo vật văn hóa, những chứng nhận di sản văn hóa ở mỗi tỉnh thành. Đó là kết quả ghi nhận sự nỗ lực của các cấp ngành Văn hóa địa phương, từ bảo tàng, khảo cổ đến xây dựng các chiến lược phát triển văn hóa gắn với thực tiễn đời sống hơn. Không ít nhà nghiên cứu cho rằng, trước đây, câu chuyện về bảo vật, về khảo cổ học… là sự việc chuyên môn, ít người quan tâm. Song đến nay, khi danh mục các bảo vật ở địa phương, dù mới đề xuất, cũng đã được lan tỏa, chia sẻ thông tin với cộng đồng, qua đó xóa đi những khoảng cách nhận thức xã hội về trách nhiệm chung tay của mỗi con người. Bảo vật quốc gia, di sản văn hóa, không còn là những đề tài xa lạ với mọi người nữa, mà ngược lại, trở thành câu chuyện đời thường, được chia sẻ và bận tâm. Điều này, lại tháo gỡ “điểm nghẽn” trong tâm lý cuộc sống lâu nay, sự thờ ơ của nhiều người trước các vấn đề văn hóa, do thói quen, điều kiện sinh hoạt cũ mà thiếu vắng đi. Để khi ngành Văn hóa đặt lại câu chuyện với mỗi vùng đất, mỗi khu vực thì người dân, và cả cộng đồng ở đó, bắt đầu thay đổi thái độ, thật sự quan tâm hơn và cầu thị điều tích cực hơn.
Người xưa từng nhìn nhận, một xã hội đáng lo là khi điều tốt không được quan tâm, điều xấu bị thờ ơ, tùy tiện. Thay đổi hẳn thái độ này, từ trong hành động cá nhân, nhân một ngày Hiến chương, nhân một ngày Di sản, thật sự là điều đáng mừng, đáng ghi nhận. Và ngành Văn hóa, với nỗ lực ghi nhận, thay đổi ấy, đang từ từ cải thiện giao tiếp, ứng xử của mỗi người, tốt đẹp hơn.