Nhiều hoạt động ý nghĩa trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

SƠN THÙY

VHO - Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, trong đó có lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận Di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”.

Nhiều hoạt động ý nghĩa trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam - ảnh 1
Chương trình sân khấu hóa Lễ Nguyên đán triều Nguyễn tại sân Đại triều, điện Thái Hòa năm 2021

 Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các sự kiện, hoạt động có ý nghĩa được tổ chức trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam tại khu di sản Huế nhằm tôn vinh di sản và lan tỏa đến cộng đồng về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Tại sân Đại triều, điện Thái Hòa, Đại Nội Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức đón nhận bằng của UNESCO công nhận Di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”. Di sản này đã được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 8.5.2024 tại kỳ họp ở Ulan Bator (Mông Cổ). Đây là di sản tư liệu thứ 10 của Việt Nam.

Chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế còn gọi là Cửu đỉnh, được đúc từ thời vua Minh Mạng triều Nguyễn, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu và tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay, chưa từng được sửa chữa hay dịch chuyển. Trên chín đỉnh đồng này có 162 bản đúc nổi (dương bản) gồm hình ảnh và chữ Hán; trong đó khắc họa nhiều hình ảnh về các cảnh vật rất thật và thân quen với người Việt trải dài từ Bắc chí Nam, tạo nên bức tranh thiên nhiên giàu đẹp của đất nước, như: Tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, cây cối, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền… Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp. Trước đó, năm 2012, Cửu đỉnh đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Cũng ngay sau chương trình đón nhận bằng công nhận của UNESCO đối với Di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng tổ chức công bố hoàn thành dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và khai trương, mở cửa đón khách tham quan. Đây là công trình di tích quan trọng bậc nhất dưới triều Nguyễn, là điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu. Từ cuối năm 2021, di tích này được hạ giải trùng tu với kinh phí gần 129 tỉ đồng. Đến nay, đã hoàn thành vượt tiến độ so với dự kiến 9 tháng, đảm bảo các yêu cầu khắt khe và quy định trong công tác bảo tồn di sản văn hóa. Sau khi hoàn thành dự án, lực lượng chuyên môn cũng đã di chuyển Bảo vật quốc gia Ngai vàng triều Nguyễn trở về vị trí vốn có ở điện Thái Hòa để phục vụ công chúng tham quan.

Trước sự kiện này, du khách cũng sẽ được xem chương trình sân khấu hóa Lễ thiết triều Dâng biểu mừng hoàn thành điện Thái Hòa và ban thưởng của triều đình. Chương trình có thời lượng hơn 20 phút, với sự tham gia biểu diễn của khoảng 130 diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế. Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin, cũng trong Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ động thổ dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh” với kinh phí gần 200 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Di tích điện Cần Chánh cùng với điện Thái Hòa, điện Kiến Trung… đều là những công trình quan trọng nằm trên trục thần đạo của Kinh thành Huế. Việc hoàn thành tu bổ điện Kiến Trung vào cuối năm 2023, điện Thái Hòa vào tháng 11.2024, và tiếp tục trùng tu, phục hồi điện Cần Chánh… mở ra một “trang mới” góp phần phục hồi diện mạo của khu di sản Đại Nội Huế. Điện Cần Chánh sẽ được tu bổ, phục hồi trong vòng 4 năm với quy mô kiến trúc và trang trí nội, ngoại thất dưới thời vua Khải Định. Công trình này được xây dựng từ thời vua Gia Long, từng được sửa chữa lớn nhỏ khoảng 20 lần, và bị phá hủy vào năm 1947, chỉ còn lại nền móng.

Cũng trong ngày 23.11, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức may, mặc áo dài Huế”. Áo dài Huế có những nét đặc trưng và độc đáo, mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô. Áo dài Huế có sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực dệt, may, thêu, hội họa, thiết kế, thời trang…; qua đó, mở ra nhiều cơ hội để phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa để phục vụ du lịch.