Thắp lửa tri thức trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

VHO - Tôi luôn nhận thấy có một ngọn lửa âm ỉ cháy xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam - đó là khát vọng vươn lên bằng tri thức.

 Thắp lửa tri thức trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc  - ảnh 1
Các em học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tại Ngày Sách và Văn hoá đọc 2025

Từ buổi bình minh giành độc lập, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “bình dân học vụ” để toàn dân thoát khỏi bóng tối mù chữ, đến hôm nay, khi đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ nhờ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tinh thần ấy vẫn cháy rực rỡ hơn bao giờ hết. 

 Và trong hành trình đó, văn hóa đọc - biểu hiện bền vững và căn cốt nhất của sự học - đang trở thành một lực đẩy quan trọng để dân tộc tiến bước vững vàng trên con đường phát triển nhanh, bền vững và tự cường. 

Văn hóa đọc chưa bao giờ là câu chuyện nhỏ bé chỉ nằm trong phạm vi của ngành giáo dục hay thư viện. Đó là nền tảng để hình thành dân trí, để nuôi dưỡng năng lực tư duy, sự sáng tạo và bản lĩnh của một quốc gia.

Bởi vì không thể có một đất nước mạnh nếu người dân không biết cách học, không ham đọc, không trân trọng tri thức. Lịch sử thế giới cho thấy, các quốc gia trỗi dậy mạnh mẽ trong thế kỷ XXI đều bắt đầu từ việc xây dựng một xã hội học tập, nơi mỗi công dân đều coi việc đọc, học và sáng tạo là một phần không thể thiếu của cuộc sống hằng ngày. 

Việt Nam hôm nay đang đứng trước một vận hội lớn. Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khẳng định rõ: Tri thức và công nghệ là động lực then chốt để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.

Nhưng công nghệ không thể tự sinh ra nếu thiếu những con người biết học hỏi, biết tư duy độc lập và biết cách tiếp cận thế giới bằng tri thức nền vững chắc. Và con đường hiệu quả nhất để xây dựng nên thế hệ như vậy chính là khơi dậy và phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội. 

Ngày nay, nhiều người lo ngại rằng giới trẻ đang quay lưng với sách. Nhưng thực ra, chúng ta không đọc ít đi - mà chỉ đọc theo cách khác. Thay vì ngồi hàng giờ với một cuốn sách giấy, nhiều người trẻ chọn đọc trên điện thoại, nghe sách nói, xem podcast, đọc blog học thuật.

Điều này không xấu, nếu nội dung mà họ tiếp cận có chất lượng, nếu họ biết chọn lọc, nếu họ không chỉ lướt qua mà thực sự chiêm nghiệm. Vấn đề cốt lõi không phải là chúng ta đọc ở đâu, mà là chúng ta đọc gì và đọc để làm gì.

Đó là lý do vì sao văn hóa đọc ngày nay phải được định nghĩa lại - không chỉ là thói quen đọc sách giấy, mà là khả năng học tập suốt đời, năng lực tiêu hóa thông tin, tư duy phản biện và chuyển hóa tri thức thành hành động, thành giá trị sống. 

Nếu như phong trào “bình dân học vụ” năm xưa giúp người dân biết chữ, thì hôm nay, chúng ta cần một “bình dân học vụ số” - một chiến dịch quy mô nhằm giúp toàn dân biết đọc trong thế giới số, biết học trong môi trường công nghệ, biết khai thác tri thức mở và tự làm chủ hành trình học tập của mình.

Từ người công nhân nhà máy, người nông dân trồng lúa, đến cô giáo vùng cao hay em nhỏ thành thị - tất cả đều cần có cơ hội tiếp cận kho tri thức nhân loại, thông qua những nền tảng dễ dùng, chi phí thấp và nội dung phong phú, hấp dẫn.

Đó không chỉ là bài toán kỹ thuật, mà là bài toán về tư duy chính sách, về quyết tâm đầu tư và về niềm tin rằng: Tri thức là quyền phổ quát của mọi công dân, không chỉ dành riêng cho người học cao hiểu rộng. 

Văn hóa đọc cần được nhìn nhận như một chính sách văn hóa - giáo dục - công nghệ thống nhất. Muốn xây dựng một xã hội đọc, không thể chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hay vài chiến dịch truyền thông.

Cần một chiến lược dài hạn và đồng bộ: Từ việc xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, thư viện số và thư viện lưu động; đến việc tích hợp kỹ năng đọc - hiểu - tư duy phản biện vào chương trình giáo dục phổ thông; từ việc hỗ trợ xuất bản những đầu sách giá trị và thiết thực cho người dân đến việc tạo điều kiện cho startup, nhà sáng tạo nội dung, nhà văn, nhà giáo cùng tham gia kiến tạo một hệ sinh thái đọc hiện đại, hấp dẫn và đa dạng. 

May mắn thay, chúng ta đang có những hạt giống tốt để bắt đầu. Nhiều địa phương đã triển khai các mô hình tủ sách cộng đồng, thư viện vùng cao, thư viện số trường học.

Các ứng dụng sách nói tiếng Việt như Fonos, Voiz FM, các podcast tri thức trên Spotify, YouTube ngày càng thu hút hàng triệu người nghe. Những lễ hội sách ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng thu hút hàng chục nghìn bạn trẻ đến giao lưu, mua sách, chia sẻ cảm hứng đọc.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ đang xây dựng nền tảng học tập mở, bài giảng tương tác, lớp học trực tuyến - góp phần phổ cập tri thức một cách linh hoạt và hiệu quả hơn bao giờ hết.

Đó là những mầm xanh của “bình dân học vụ số” đang lặng lẽ đâm chồi, cần được nuôi dưỡng bằng chính sách phù hợp, sự đồng hành của truyền thông và sự chung tay của cả cộng đồng. 

Tuy nhiên, để văn hóa đọc thực sự trở thành sức mạnh nội sinh của quốc gia, cần khơi dậy tình yêu tri thức ngay từ trong mỗi gia đình. Đó là nơi đứa trẻ được nghe mẹ đọc truyện trước giờ đi ngủ.

Là nơi cha mẹ sẵn sàng mua sách thay vì điện thoại mới cho con. Là nơi mỗi buổi tối có một góc yên tĩnh để cùng đọc, cùng học, cùng lắng nghe nhau. Một đất nước có hàng triệu gia đình như vậy chắc chắn sẽ có một tương lai rực rỡ.

Bởi vì, như một học giả từng nói: “Bạn có thể cho con tất cả tài sản trên đời, nhưng nếu không dạy con biết yêu sách, bạn đã bỏ lỡ điều quan trọng nhất”. 

Ngày Sách và Văn hóa đọc 21.4 không chỉ là một sự kiện để tôn vinh sách và người đọc, đó là lời nhắc nhở rằng: Tri thức là chiếc chìa khóa vàng mở cánh cửa của mọi cơ hội, mọi đổi thay và mọi khát vọng.

Trong bối cảnh dân tộc ta đang vươn mình bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của công nghệ, hội nhập và bản lĩnh - chúng ta cần hơn bao giờ hết một cuộc cách mạng thầm lặng nhưng bền bỉ: Cách mạng từ trong ý thức học tập, từ thói quen đọc, từ sự lan tỏa tri thức mỗi ngày. 

Hãy để mỗi cuốn sách là một ngọn đèn soi sáng hành trình sống của một con người. Hãy để mỗi buổi đọc là một thời khắc lắng đọng nuôi dưỡng tâm hồn. Hãy để việc đọc không chỉ là kỹ năng, mà là một phần bản sắc của người Việt Nam hiện đại - ham học, sáng tạo và đầy khát vọng.

Để rồi một ngày không xa, khi nhìn lại hành trình dân tộc, chúng ta sẽ có thể tự hào nói rằng: Sự vươn mình của đất nước bắt đầu từ những trang sách, từ tình yêu với tri thức, từ một nền văn hóa đọc được nuôi dưỡng bằng ý chí, niềm tin và lòng kiên trì không ngừng nghỉ. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc