Nét văn hóa đẹp trong dịp khai giảng năm học mới

PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH

VHO - Tôi vui mừng và xúc động khi được nhìn qua hình ti vi và đọc tin tức đăng tải trên các báo, đài, chứng kiến những hành động thể hiện sinh động ý thức “cả xã hội chung tay” lo cho ngày khai giảng vẹn toàn.

Ở các vùng núi phía Bắc và Tây Bắc Tổ quốc - nơi thời gian qua bị mưa sạt đất triền miên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền, các bậc phụ huynh cùng lực lượng thanh niên tình nguyện; bộ đội; công an… dồn sức lợp lại các lớp học bị tốc mái, lau rửa bàn ghế, tường, cửa; vét bùn, rửa sân trường sạch bóng.

Trong thư chúc mừng năm học mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành Giáo dục, có đoạn “Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm chủ thể nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… Mong các thày giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn tâm huyết yêu nghề, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cao quý của mình”. Tinh thần đó đã và đang được thể hiện cụ thể trong dịp chuẩn bị khai giảng năm học mới.

Sự gắn kết giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong sự nghiệp “trồng người” được tăng cường, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội cùng phối hợp chặt chẽ, tạo nguồn lực xã hội hóa việc xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường, phục vụ tốt hơn việc dạy và học; cổ vũ, động viên các cô giáo, thày giáo tận tâm, tận lực với học sinh; bằng những “món quà tình nghĩa” qua những bức tranh, tấm áo… trước ngày khai giảng. Mặc dù những ngày qua, những trận động đất liên tục xảy ra ở tâm chấn huyện Kon Plông, Kon Tum, nhưng phụ huynh, học sinh cùng giáo viên vẫn hăng hái dọn dẹp trường, lớp, lau chùi bàn ghế, sửa lại các cửa bị hư hại.

Thật xúc động, khi 4 trường tiểu học ở thị trấn Trường Sa, các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và Đá Lát đã được tỉnh Khánh Hòa chuyển đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập từ đất liền ra đảo kịp ngày khai giảng. Đội cồng chiêng trường tiểu học và trung học cơ sở Đăk Tăng (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đã luyện tập kỹ càng phục vụ lễ khai giảng. UBND Quảng Ngãi đã gửi văn bản đến một số trường thông báo lãnh đạo tỉnh sẽ đến dự chung vui với thầy trò, nhưng không có phát biểu ý kiến. Đây là điểm cải tiến nghi thức đáng ghi nhận, vì rút kinh nghiệm các năm trước, ở một số trường tiểu học, các em học sinh nhỏ phải ngồi dưới nắng nghe lãnh đạo tỉnh đọc hết nghị quyết nọ, chỉ thị kia về giáo dục, mà học sinh nghe chẳng nắm được gì (!).

Trong khi đó, ở một số trường như trường phổ thông liên cấp Marie Curie Hà Nội, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng nhà trường đã thay bài diễn văn bằng việc nêu một tấm gương cụ thể của học sinh trong trường để phân tích ý nghĩa của Thời gian nhằm khuyên nhủ học sinh: “Thời gian đã đi qua không thể trở lại/ Dòng sông đã ra đi làm sao về chốn cũ”. Câu chuyện ngắn gọn của thầy đã cuốn hút học sinh, truyền cảm hứng hăng say, nhắc nhở ý thức tận dụng mọi thời gian để học tập, tu dưỡng tốt. Tuy nhiên, cùng với những cải tiến cần thiết, có lẽ ở một số nơi lại quyết định lãnh đạo không đánh trống khai giảng, cần được xem lại. Từ lâu rồi, tiếng trống trường đầu năm học mới có ý nghĩa rất thiêng liêng, khơi gợi niềm phấn khởi, tự hào, lay thức tình cảm và trách nhiệm của thầy, trò cùng các bậc phụ huynh và các cấp lãnh đạo đối với giáo dục. Vì vậy, theo tôi, hiện tượng này cần được rút kinh nghiệm, khắc phục biểu hiện “tả khuynh” trong khi ra quyết định của cấp ủy, chính quyền ở một số nơi đề “văn hóa khai giảng” thật sự có ý nghĩa văn hóa, góp sức tạo thành sức mạnh nội sinh của dân tộc ta. 

Hà Nội 5.9.2024

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc