Không gian ta sống đều là hữu hạn

MINH TUỆ

VHO - Làm du lịch là “chiêu dụ” khách, khách đến nhiều thì quá đỗi vui mừng. Nếu trong buôn bán, khách hàng là thượng đế, còn với du lịch, khách còn hơn cả thượng đế. Bởi có khách nhiều sẽ bảo đảm thắng lợi, vắng khách cầm chắc thất bại. Khách đến là nghênh đón, là welcome, welcome và welcome. Nhưng làm sao lại có chuyện bảo khách phải về nhà, phải go home cho được?

 Ở Bacelona, thành phố nổi tiếng về bóng đá, cũng là nơi có nhiều thứ hấp dẫn, khiến khách du lịch khắp nơi đổ về. Vậy mà ở Bacelona, dân địa phương căng băng rôn biểu tình đòi khách phải go home. Không riêng Bacelona, thành phố Copenhagen của Đan Mạch cũng xảy ra hiện tượng dân địa phương giơ cao khẩu hiệu yêu cầu khách go home, nguyên do được kênh France24 của Pháp lý giải là “gánh nặng môi trường” (environmental burden). Một địa điểm ở Nhật làm hẳn tấm chắn che mất nơi check in của du khách. Rồi một phố cổ ở Hàn Quốc rất hấp dẫn du khách cũng thiết đặt các hạn chế. 

Hãy thử tưởng tượng mình là người dân sống ở nơi ấy, cuộc sống bình thường bỗng nhiên bị phiền nhiễu. Quay xe ư? Không thể. Tập thể dục nơi công cộng, khách đã chiếm hết các dụng cụ thể dục rồi. Nằm tĩnh dưỡng ư, một nhóm du khách ầm ầm đi qua, trầm trồ í ới gọi nhau. Ăn món ngon địa phương muốn mua ở chợ ư, xin thưa hết rồi. Khách nhiều quá có thể làm cuộc sống bình thường bị đảo lộn. Mà ở một địa phương, không phải ai cũng làm nghề kinh doanh du lịch, ngay cả ở nơi mệnh danh là đô thị du lịch. Một lần đến thành phố Đà Lạt, người viết ngạc nhiên khi nghe vợ chồng người bạn sống ở đây than phiền rằng, thành phố này là nơi sản xuất nhiều rau tươi ngon, nhưng rau lại rất đắt, người dân cũng phải “ăn theo giá du lịch”. 

Vâng, có quá nhiều khách đến cũng có thể làm giá cả gia tăng nữa. Mà người không làm du lịch, không hưởng lợi gì từ du lịch cũng phải “chịu trận” bởi quy luật cung cầu do kinh tế du lịch đem lại. “Chịu trận” quá nhiều thứ, từ ngày này qua ngày khác, từ tháng nọ sang tháng kia, kiến nghị nhưng chưa được chính quyền sở tại giải quyết, bức xúc quá, người ta bèn trương biển bảo du khách go home! Nhiều địa phương không phải không nhận thấy những vấn đề phát sinh khi có quá nhiều khách du lịch. Khách du lịch nhiều ắt phát sinh vấn đề về ô nhiễm môi trường, nhiều rác thải, nhiều tiếng ồn, thậm chí có thể thiếu nước sinh hoạt. Đó là chưa kể an ninh trật tự có thể phát sinh. Nhiều địa phương đã có những quy định ứng xử với du khách, của du khách. Nhiều địa phương có hạn định số lượng khách đến, như trường hợp Cù Lao Chàm (Quảng Nam) có lần phải ra thông báo dừng đón khách ra đảo, bởi lẽ khách đến đã tới độ bão hòa, không thể thêm nữa. Tuy vậy tâm lý chung vẫn là đón khách càng nhiều càng tốt, bởi các địa phương phần nhiều đều nghĩ, mình chưa đầy khách, trông cho khách đến nữa còn chưa thấy đâu, huống hồ còn muốn “đuổi” khách đi. 

Vấn đề là ở chỗ, mỗi không gian ta sống đều là nơi hữu hạn, không thể dung chứa quá cái thể tích vốn có của nó. Chẳng hạn một hòn đảo chỉ có trữ lượng nước ngọt cho một ngàn khách, mà khách đến một ngàn rưỡi thì cầm chắc năm trăm người hoặc chủ hoặc khách phải chịu khó nhịn tắm rửa giặt giũ. Bởi vậy, bên cạnh việc quảng bá thu hút khách du lịch, các địa phương cũng nên có tính toán sự hài hòa lợi ích chung, dự lường, giảm thiểu tác động xấu do du lịch đem lại, như mới đây Hiệp hội Du lịch Việt Nam quảng bá giảm rác thải nhựa trong du lịch, đặc biệt đo đếm mức trần số lượng khách đến cho hợp lý. Nếu quá trần ấy thì nên thông báo tạm dừng đón khách một cách lịch sự.